Cần một giải pháp toàn diện về cướp biển Somalia

Tổng thư ký LHQ yêu cầu cần giải pháp toàn diện cho vấn đề cướp biển Somalia vì đây là hậu quả của tình trạng mất an ninh chung.
Ngày 18/4, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon yêu cầu cần có một giải pháp toàn diện cho vấn đề cướp biển Somalia vì đây là hậu quả của tình trạng mất an ninh chung, thiếu một chính phủ ổn định và kém phát triển ở quốc gia châu Phi này.

Trong thông điệp gửi đến hội nghị về cướp biển đang diễn ra tại Dubai, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất, Tổng thư ký Ban Ki-moon viết: "Cướp biển không phải là một căn bệnh sinh ra trên nước. Nó là biểu hiện của các tình hình trên đất liền, bao gồm cả tình hình an ninh chung và tình hình chính trị ở Somalia.

Do đó, phản ứng của chúng ta phải chính luận và toàn diện, bao gồm hành động đồng thời trên 3 mặt trận: ngăn chặn, an ninh và trật tự pháp luật, và phát triển. Chúng ta phải làm việc với chính quyền Somalia, chúng ta phải biến những nỗ lực chống cướp biển của chúng ta thành một giải pháp toàn diện cho Somalia."

Tổng thư ký Ban Ki-moon cho rằng những công việc của Nhóm tiếp xúc quốc tế về vấn đề cướp biển Somalia, được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thành lập năm 2009, là rất quan trọng trong việc thúc đẩy sự thảo luận và phối hợp giữa các quốc gia, các tổ chức, chính phủ quá độ liên bang Somalia, chính quyền các khu vực của Somalia và các lực lượng hải quân đang thực hiện các hành động quân sự chống cướp biển.

Tổng thư ký Ban Ki-moon cũng nêu ra rằng ông Jack Lang, cựu cố vấn đặc biệt của Tổng thư ký về các vấn đề pháp lý liên quan cướp biển Somalia, đã vạch ra các biện pháp mà Somalia và cộng đồng quốc tế có thể đẩy mạnh những nỗ lực chống cướp biển như củng cố, tăng cường khả năng giam giữ, cầm tù... Một số biện pháp này đang được thực hiện, dù chỉ ở quy mô khiêm tốn, với sự trợ giúp của Cơ quan ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC) và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP).

Tuần trước, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng đã quyết định nhanh chóng xem xét việc thành lập tòa án Somalia đặc biệt để xét xử bọn cướp biển ở cả Somalia và trong khu vực.

Trong một diễn biến khác, nhằm tăng cường bảo vệ lãnh hải quốc gia và an ninh hàng hải, cũng như góp phần ngăn chặn nạn cướp biển đang gia tăng mạnh tại khu vực biển Đông Phi, Vịnh Aden và Ấn Độ Dương, Tanzania đã cho phép lực lượng vũ trang nước này, trong đó có hải quân và không quân, tham gia bảo vệ, tuần tra vùng lãnh hải quốc gia, nhất là khu vực khai thác dầu khí. Đồng thời, lực lượng này cũng có nhiệm vụ bảo vệ, hộ tống tất cả các tàu thuyền hoạt động trong vùng biển Tanzania.

Phát biểu trên các phương tiện thông tin đại chúng Tanzania, ngày 18/4 Thủ tướng Mizengo Pinda nhấn mạnh do số vụ tấn công của các nhóm hải tặc tăng mạnh thời gian gần đây, Tanzania cần tăng cường bảo vệ lãnh thổ và an ninh hàng hải, trong đó có các khu vực lãnh hải.

Hiện có 17 công ty quốc tế đang thăm dò và khai thác dầu khí trên đất liền và vùng lãnh hải của Tanzania, đặc biệt hàng ngày có nhiều tàu chở dầu và tàu vận chuyển hàng hóa quốc tế hoạt động trong khu vực lãnh hải nước này. Do vậy, việc tăng cường an ninh quốc gia và hàng hải là rất cần thiết trong tình hình hiện nay tại khu vực nhạy cảm này.

Bất chấp các nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc trấn áp và ngăn chặn các hoạt động của cướp biển Somalia, số lượng các tàu thuyền đi lại trên tuyến hàng hải quan trọng này bị cướp biển Somalia tấn công, bắt giữ vẫn không ngừng gia tăng.

Đặc biệt, gần đây các nhóm hải tặc đã mở rộng phạm vi hoạt động tại nhiều khu vực Ấn Độ Dương, biển Nam châu Phi, khu vực biển châu Á... và tập trung tấn công các tàu thuyền lớn, kể cả tàu chở dầu để đòi tiền chuộc cao và với phương thức hành động táo bạo, liều lĩnh hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục