Cần nâng cao hơn nữa tính khả thi của Luật Doanh nghiệp

Luật Doanh nghiệp sửa đổi dự kiến sẽ được trình tại kỳ họp Quốc hội thứ 7, song nhiều nhà quản trị vẫn cho rằng Luật chưa phản ánh hết "hơi thở" cuộc sống.

Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi sẽ được đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII tới đây. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại Dự thảo Luật vẫn còn nhiều điểm vướng mắc, một số nội dung chưa đồng nhất về khái niệm và từ ngữ, nhiều chỗ phân nhóm hành vi điều chỉnh thiếu nhất quán... và đặc biệt là vẫn còn những quy định "đẩy khó" về phía doanh nghiệp.

Đây là những ý kiến của hầu hết các nhà quản trị tại Hội thảo “Góp ý cho Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi,” vừa diễn ra chiều ngày 18/4, do Hội các Nhà quản trị Việt Nam (VACD) tổ chức.

Thuận cho nhà quản lý, "đẩy khó" cho DN

Đại diện phía các nhà soạn thảo, ông Phan Đức Hiếu, Phó trưởng Ban Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, nội dung chính trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi là tiếp tục tạo thuận lợi hóa thủ tục đăng ký doanh nghiệp; quy định thêm về góp vốn, thay đổi vốn; mô hình tổ chức quản trị; trình tự và tủ tục ra quyết định; bảo vệ cổ đông; tổ chức lại và giải thể doanh nghiệp; bổ sung riêng một chương về doanh nghiệp nhà nước; doanh nghiệp xã hội.

Song, ý kiến chung của các đại biểu tại hội thảo cho rằng Dự thảo vẫn còn những quy định mang tính thuận cho cơ quan hành pháp và cái khó còn "rơi" về phía doanh nghiệp.

Tiến sĩ Trần Bá Trung, Phó chủ tịch VACD chỉ ra, Luật quy định các hành vi và luận trách nhiệm của những người liên quan đến cụm từ người quản lý doanh nghiệp là rất rắc rối. Bởi, thực tế trong doanh nghiệp chỉ có hai nhóm người làm chủ và làm công. Không thể gộp chung hai nhóm này lại thành người quản lý được vì quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ, lợi ích của hai nhóm người này là rất khác nhau và thậm chí là đối nghịch nhau.

“Tôi trao đổi vấn đề này kỹ vì những quy định của pháp luật mà đánh đồng trách nhiệm sẽ dẫn đến đổ thừa trách nhiệm, gian lận trách nhiệm, chối bỏ trách nhiệm, bè nhóm trong nội bộ, giữa cấp dưới và cấp trên… Điều này sẽ làm tổn hại đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp,” ông Trung tâm huyết.

 

Đồng tình với ý kiến trên, luật sư Phạm Thanh Bình, Công ty Luật Bảo Ngọc - Hà Nội, chỉ ra Dự thảo Luật quy định về công ty hợp danh còn thiếu tính bình đẳng giữa quyền và nghĩa vụ của hai nhóm thành viên.

“Bởi theo Dự thảo Luật các thành viên hợp danh thì chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình, còn các thành viên góp vốn thì chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty,” bà Bình chỉ dẫn.

Do đó, bà Bình kiến nghị cần sửa đổi quy định về công ty hợp danh, theo hướng quy định công ty hợp danh chỉ có các thành viên hợp danh, bỏ loại thành viên góp vốn.

Về công ty cổ phần, bà Bình cũng cho rằng quy định chung nhất về công ty cổ phần chỉ mang tính lý thuyết. Thực tiễn, loại hình doanh nghiệp này được chia thành hai loại: Công ty cổ phần bao gồm các cổ đông là người có mối quan hệ trong cùng gia đình, dòng tộc và công ty cổ phần đa dạng về thành viên. Do có sự khác nhau về thành phần cổ đông nên mối quan hệ giữa các cổ đông, cơ cấu tổ chức và yêu cầu quản lý trong hai loại công ty cổ phần này cũng có sự khác nhau khá rõ rệt.

Bên cạnh đó, bà Bình nhấn mạnh, tại Dự thảo Luật, tính bảo vệ các cổ đông nhỏ chưa cao. "Quy định tỷ lệ biểu quyết thông qua đối với một số nội dung ít nhất là 65% và một số nội dung khác là 51% tổng số phiếu biểu quyết, như vậy chỉ cần một phiếu biểu quyết của cổ đông lớn đã có thể quyết định được việc thông qua hay không thông qua nghị quyết, quyết định của Đại hội đồng cổ đông và việc tham gia của các cổ đông nhỏ sẽ trở thành hình thức," bà Bình băn khoăn.


Đại diện chủ sở hữu DNNN vẫn mơ hồ

Bên cạnh các ý kiến trên, nhiều đại biểu tỏ ra rất quan tâm và tán thành việc Dự thảo Luật dành một chương riêng cho doanh nghiệp nhà nước.

Tuy nhiên, luật sư Trương Quý Ly, Chi hội Luật gia Viện Nghiên cứu và Đào tạo về quản lý rất băn khoăn về nội dung của điều khoản này, khi mà điểm mấu chốt cần làm rõ là ai sẽ là đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước lại chưa thỏa đáng.

Bà Ly kiến nghị, nên quý định các Cục Quản trị doanh nghiệp nhà nước ở các Bộ đồng thời giám đốc doanh nghiệp nhà nước phải là người được thuê bên ngoài và Luật phải đưa ra các chế tài trách nhiệm rõ ràng.

Ngoài ra, Tiến sĩ Trần Bá Trung, Phó chủ tịch VACD cho rằng, Luật sửa đổi cần có thêm phần quy định về tổ chức và quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ, lợi ích của nhóm người đại diện chủ sở hữu được quy định riêng theo quan điểm và điều kiện của công chức-viên chức Nhà nước.

“Mọi cơ quan, cá nhân cụ thể có quyền theo vốn góp chỉ được định danh là đại diện chủ sở hữu chứ không thể là chủ sở hữu. Quan hệ này tuân theo quy định của pháp luật về đại diện và sử dụng tài sản của toàn dân mà Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất, Chính phủ là cơ quan được ủy quyền,” ông Trung nhấn mạnh.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thuận, Phó chủ tịch VACD khẳng định, rất cần có một chương về doanh nghiệp nhà nước, để Luật điều chỉnh toàn bộ hoạt động của khu vực kinh tế này.

Nhưng theo ông Thuận, hiện nay Luật đang vướng ở chỗ, quy định quản lý vốn các doanh nghiệp nhà nước lại là cấp cơ quan chủ quản đồng thời ban hành ra các chính sách, dẫn tới tình trạng thiếu cạnh tranh công bằng với các thành phần kinh tế khác trong xã hội.

Ông Thuận đề xuất, Luật sửa đổi cần đề cập tới việc tách bạch vai trò quản lý nhà nước với vai trò chủ quản doanh nghiệp nhà nước. Mà theo ông Thuận là nên xây dựng một mô hình quản lý hỗn hợp (nhà nước quản lý toàn bộ doanh nghiệp lớn, địa phương quản lý các công ty nhỏ, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng  quản lý doanh nghiệp an ninh, quốc phòng).”

“Chúng ta phải sửa ngay, buộc phải đưa ra các quy định, chế tài về quản lý doanh nghiệp nhà nước. Trị tận gốc các vấn đề yếu kém, điều chỉnh, quản lý, kiểm soát các doanh nghiệp nhà nước nhưng đồng thời khích lệ khối doanh nghiệp này vững mạnh hơn, tiếp cận được các điều kiện kinh tế quốc tế hội nhập cạnh tranh và đầy biến động,” ông Thuận nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục