"Cần nghiên cứu hình thức đầu tư mới gọi vốn ODA"

Theo ông Hồ Đức Việt, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương và Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản, việc Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương vay vốn ODA để làm giao thông, làm quy hoạch đô thị, làm về nước sạch, thoát nước, môi trường… là rất đúng và phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững.

Ông cũng đề nghị ba địa phương nên nghiên cứu những hình thức đầu tư mới, lĩnh vực đầu tư mới trong kêu gọi vốn ODA Nhật Bản; không nên sợ vay vốn, mà quan trọng là vay để làm gì, vay cho lĩnh vực nào, khả năng chi trả ra sao, cần tính toán sao cho hợp lý và hiệu quả.
Ngày 30/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Hồ Đức Việt, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương và Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản đã làm việc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cùng hai tỉnh Đồng Nai và Bình Dương về công tác thu hút, thực trạng và hiệu quả các dự án có vốn đầu tư trực tiếp (FDI) và vốn ODA của Nhật Bản trên địa bàn.

Trao đổi với ba địa phương, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Hồ Đức Việt nhấn mạnh các doanh nghiệp Nhật Bản có tiềm năng về vốn, công nghệ, có quá trình nghiên cứu dự án chặt chẽ, triển khai dự án tương đối nhanh, góp phần đáng kể vào giải quyết việc làm và phát triển kinh tế của các địa phương. Nhìn chung các doanh nghiệp Nhật Bản chấp hành tốt luật pháp Việt Nam, tiếp cận nhanh phong tục tập quán của Việt Nam, hội nhập nhanh vào hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh tại các địa phương.

Đồng tình về tiếp tục kêu gọi đầu tư từ Nhật Bản, ông Hồ Đức Việt cũng lưu ý ba địa phương một số vấn đề như tình trạng “ba chậm” về giải phóng mặt bằng, giải ngân và thủ tục hành chính, dẫn đến tiến độ dự án chậm và hiệu quả thấp; ít dự án lớn, chưa có những cú đột phá mạnh mẽ thật sự về thu hút đầu tư từ Nhật Bản; thiếu nhân lực chất lượng cao và thu nhập của người lao động còn thấp.

Ông cũng đề nghị ba địa phương nên nghiên cứu những hình thức đầu tư mới, lĩnh vực đầu tư mới trong kêu gọi vốn ODA Nhật Bản; không nên sợ vay vốn, mà quan trọng là vay để làm gì, vay cho lĩnh vực nào, khả năng chi trả ra sao, cần tính toán sao cho hợp lý và hiệu quả.

Trưởng ban Tổ chức Trung ương Hồ Đức Việt khẳng định với Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương, việc vay vốn ODA để làm giao thông, làm quy hoạch đô thị, làm về nước sạch, thoát nước, môi trường… là rất đúng và phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững.

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương dẫn đầu về thu hút FDI lẫn vốn ODA của Nhật Bản. Tính đến tháng Tám này, trên địa bàn thành phố có gần 400 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư 2,015 tỷ USD, riêng trong tám tháng đầu năm nay có 20 dự án với tổng vốn hơn 80 triệu USD.

Tại thành phố hiện có bốn dự án vốn ODA Nhật Bản đang triển khai là những dự án có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển hạ tầng giao thông và môi trường của thành phố gồm Đại lộ Đông Tây; hai dự án cải thiện môi trường nước thành phố lưu vực kênh Tàu Hũ-Bến Nghé-kênh Đôi-kênh Tẻ (giai đoạn 1 và giai đoạn 2); xây dựng đường sắt đô thị thành phố, tuyến Bến Thành-Suối Tiên.

Tỉnh Bình Dương hiện có hơn 150 dự án đầu tư, với tổng vốn 1,224 tỷ USD và bốn dự án sử dụng vốn ODA của Nhật Bản. Còn tỉnh Đồng Nai có 90 dự án đầu tư, với tổng vốn 1,765 tỷ USD và một dự án ODA của Nhật Bản đang triển khai.

Ba địa phương cũng đang vận động tài trợ ODA Nhật Bản cho một số dự án; trong đó Thành phố Hồ Chí Minh có bốn dự án về phát triển hạ tầng, Bình Dương có hai dự án về cải thiện môi trường nước, xử lý nước thải và Đồng Nai có ba dự án.

Theo chương trình làm việc, ông Hồ Đức Việt và đoàn khảo sát cũng sẽ đi tìm hiểu thực tế tình hình hoạt động của một số dự án có vốn đầu tư Nhật Bản triển khai trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai./.

Hoàng Liên Sơn (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục