Cần phải có 3,75 tỷ USD để hấp thụ 15% lượng vốn cổ phần hóa

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp giữa kỳ 2015, ngày 9/6, Nhóm Công tác Thị trường vốn lại cho rằng thị trường chứng khoán hiện tại của Việt Nam sẽ không đủ mạnh để hỗ trợ quá trình cổ phần hóa.
Cần phải có 3,75 tỷ USD để hấp thụ 15% lượng vốn cổ phần hóa ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Mặc dù, Chính phủ đã thể hiện rất rõ quyết tâm thực hiện kế hoạch đầy tham vọng cổ phần hóa 289 doanh nghiệp nhà nước vào năm 2015, tuy nhiên tại Diễn đàn Doanh nghiệp giữa kỳ 2015, tại Hà Nội (9/6), Nhóm Công tác Thị trường vốn lại chỉ ra thị trường chứng khoán hiện tại của Việt Nam sẽ không đủ mạnh để hỗ trợ quá trình cổ phần hóa.

Nhóm này dẫn chứng, thị trường Việt Nam với 91 triệu dân, có mức vốn hóa của thị trường chứng khoán khoảng 46 tỷ đô la Mỹ, chỉ tương đương với 25% GDP của Việt Nam.

Trong khi, Philippines có 99 triệu dân, mức vốn hóa của thị trường chứng khoán khoảng 184 tỷ USD và gấp 4 lần Việt Nam, tương đương 65% GDP của nước này.

Vốn hóa thị trường chứng khoán Thái Lan khoảng 418 tỷ USD (tương đương 112% GDP) và gấp 9 lần Việt Nam.

Tương tự, Singapore có mức vốn hóa trên thị trường chứng khoán gấp 9 lần Việt Nam và con số này tại Indonesia, Malaysia lần lượt gấp 8 lần, 6 lần Việt Nam.

Ông Nguyễn Kiên, Trưởng Nhóm Công tác Thị trường chỉ ra một nghiên cứu của Nhóm này cho thấy, tổng giá trị các doanh nghiệp nhà nước sẽ được cổ phần hóa trong 3 năm tới ước tính khoảng 25 tỷ USD và nếu Chính phủ chỉ dự kiến bán ra thị trường 15% tổng số lượng cổ phần thì thị trường sẽ cần 3,75 tỷ USD để mua số cổ phần này.

“Như vậy nguồn tiền trong nước sẽ chắc chắn không đủ để mua cổ phần nói trên và Việt Nam sẽ cần một dòng tiền mới của nước ngoài để mua các cổ phần này,” ông Kiên nói.

Đại diện Nhóm Công tác Thị trường vốn, ông Kiên kiến nghị đưa ra một số giải pháp, như để thu hút được dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán và các doanh nghiệp nhà nước mới được cổ phần hóa, Việt Nam cần xóa bỏ hạn chế tỷ lệ sở hữu 49% áp dụng đối với các công ty đại chúng.

Bên cạnh đó, Nhóm nghiên cứu đề xuất Chính phủ sớm thông qua dự thảo Nghị định về Quỹ hưu trí tự nguyện. Bởi việc thành lập quỹ này sẽ tạo thêm nguồn cầu đáng kể đối với thị trường tài chính nói chung và cổ phần hoá nói riêng đồng thời việc hình thành quỹ hưu trí tự nguyện cũng sẽ góp phần giảm áp lực cho quỹ Bảo hiểm xã hội.

Nhận định về nguồn vốn cho tiến trình cổ phần hóa, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng: “Nếu chúng ta cổ phần hóa một doanh nghiệp nhà nước chỉ 5%-10% vốn chủ sở hữu, còn lại đến 90%-95% tỷ trọng vốn vẫn là của Nhà nước thì có thể thấy rằng các cổ đông sẽ không mấy quan tâm vào quá trình này. Bởi người ta sẽ không có quyền tham gia, quyết định vào chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.”

Ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho rằng Việt Nam cần tiếp tục tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước thêm nữa. Bởi, điều này sẽ góp phần tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài nhờ tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy hội nhập của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục