Cần phát hiện kịp thời cúm A/H1N1 tại trường học

Bộ Y tế yêu cầu giám sát, phát hiện kịp thời các ca nhiễm cúm A/H1N1 tại trường học, đặc biệt học sinh cấp tiểu học và mẫu giáo.
HTML clipboard Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn đã yêu cầu tăng cường giám sát, phát hiện kịp thời các ca nhiễm cúm A/H1N1 tại trường học, đặc biệt học sinh cấp tiểu học và mẫu giáo.
 
Tại buổi giao ban thường kỳ của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người diễn ra chiều 26/8 tại Hà Nội, ông Huấn cho biết nhiều nước có tỉ lệ tử vong cao vì cúm A/H1N1 đã nhận ra sai sót trong khâu giám sát bệnh trong cộng đồng, do đó Việt Nam cần đẩy mạnh hoạt động giám sát cúm A/H1N1, đặc biệt là các chùm ca bệnh và trường học.
 
 Theo Thứ trưởng, các trường trong cả nước sắp tiến hành khai giảng năm học mới, nguy cơ lây nhiễm cúm A/H1N1 tại trường học là rất cao. Học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông có thể nhận biết được các triệu chứng lâm sàng của cúm A/H1N1 để cách ly, điều trị kịp thời nhưng học sinh mẫu giáo, tiểu học còn quá nhỏ, chưa tự phát hiện được triệu chứng, do đó các em hoàn toàn có khả năng mang theo mầm bệnh đến lớp học khiến cúm A/H1N1 lây lan trong trường học. Do đó, gia đình cần theo dõi chặt chẽ sức khỏe con em mình, các thầy cô giáo, cán bộ trong trường cần được hướng dẫn tỉ mỉ cách thức phát hiện triệu chứng cúm A/H1N1 để tránh dịch lây lan rộng trong trường học.
 
 Tại cuộc giao ban, Bộ Quốc phòng cho biết hiện có 2 đơn vị cấp trung đoàn của Quân đoàn 4 ghi nhận các trường hợp dương tính với cúm A/H1N1. Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện các biện pháp cần thiết trong phòng chống dịch để đảm bảo không lây lan rộng.
 
Về sinh phẩm chẩn đoán, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh đang tiến hành thí điểm mẫu thử nhanh phát hiện cúm A/H1N1 do Viện sản xuất cho kết quả tốt, độ đặc hiệu và nhạy tương đối cao. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đang tiến hành nghiên cứu chế tạo sinh phẩm chẩn đoán cúm A/H1N1. Bộ Y tế đề nghị 2 đơn vị này có hình thức hợp tác để Việt Nam sớm sản xuất được sinh phẩm chẩn đoán sử dụng trong nước.
 
Trong tuần qua, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã tiến hành giám sát ở một số tỉnh miền núi như Lai Châu, Lào Cai...để kiểm tra tình hình phòng chống dịch và công tác điều trị cúm A/H1N1 tại các bệnh viện tuyến dưới. Thực tế cho thấy, công tác phòng chống và điều trị ở các tỉnh thực hiện khá tốt, song một số khu vực vùng sâu, vùng xa đang còn gặp phải khó khăn như chi phí cho việc chuyển mẫu bệnh phẩm về trung ương xét nghiệm và chuyển kết quả về địa phương bằng xe chuyên dụng rất tốn kém. Viện đề nghị Bộ Y tế xem xét phương án phối hợp với ngành Bưu chính-Viễn thông gửi các mẫu bệnh phẩm qua đường bưu điện nhằm tiết kiệm chi phí vận chuyển.
 
Ông Trần Thanh Dương, Cục Phó Cục Y tế dự phòng và Môi trường cho biết việc kiểm tra công tác phòng chống dịch cúm A (H1N1) tại một số trường học và khu công nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh, Long An, An Giang vừa qua đã phát hiện một số bất cập. Việc khử trùng tại một số trường học chưa thực hiện đầy đủ theo quy định của Bộ Y tế, còn tại các khu công nghiệp, công nhân nhiễm cúm A/H1N1 được nghỉ để cách ly lại bị trừ tiền lương. Vì thế, nhiều người bệnh khi có triệu chứng vẫn tiếp tục đi làm dẫn đến nguy cơ lây lan rộng dịch bệnh ra khu công nghiệp. Công tác tuyên truyền phòng chống dịch ở các khu công nghiệp chưa được đẩy mạnh nên nhận thức của nhiều người về cúm A/H1N1 chưa rõ ràng...
 
Ngày 26/8, Việt Nam đã ghi nhận thêm 84 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1 - miền Nam có 45 ca, miền Bắc 8 ca và miền Trung 31 ca. Như vậy, tính đến 17 giờ ngày 26/8, cả nước đã ghi nhận 2.226 trường hợp dương tính, 2 ca tử vong. 1.252 bệnh nhân đã khỏi, ra viện, 972 trường hợp còn lại đang được cách ly, điều trị tại các bệnh viện, cơ sở điều trị, giám sát cộng đồng trong tình trạng sức khỏe ổn định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục