Cần quy định nguồn gốc nguyên liệu mặt hàng sữa

Theo Phó Chi cục trưởng QLTT Hà Nội, hiện vẫn gặp không ít khó khăn trong kiểm tra giá cả, nhãn mác, chất lượng sữa trôi nổi.
Tình trạng sữa nhập lậu, không rõ nguồn gốc hoặc là sữa sản xuất nội địa không ghi các thông tin cần thiết trên nhãn mác, thiếu trung thực đầy đủ vẫn đang diễn ra, gây khó khăn trong việc kiểm tra kiểm soát, ảnh hưởng lợi ích người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Công San, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết thời gian qua Chi cục tăng cường kiểm tra các mặt hàng sữa, chủ yếu có ba nguồn: các hãng trong nước; doanh nghiệp nhập khẩu và sữa xách tay từ nước ngoài. Tuy nhiên, hiện vẫn gặp không ít khó khăn trong việc kiểm tra bởi giá cả, nhãn mác, chất lượng sữa trôi nổi.

Những vấn đề trên đang được các doanh nghiệp sữa nội địa quan tâm, bởi thực hiện cuộc vận động người Việt Nam tiêu dùng hàng Việt Nam, cần có cơ chế tốt để bảo vệ hàng nội địa. Gần đây một công ty sữa văn phòng đại diện tại Hà Nội đã gửi văn bản kiến nghị tới Ban chỉ đạo Trung ương về an toàn thực phẩm đề nghị cần tăng cường công tác kiểm tra mặt hàng sữa, để không những bảo vệ lợi ích khách hàng mà còn bảo vệ các công ty sản xuất sữa chân chính.

Công ty này đề nghị cần quy định rõ việc ghi “xuất xứ nguyên liệu đầu vào trên bao bì sản phẩm,” trong đó có quy trình chế biến, xuất xứ nguồn nguyên liệu đầu vào sửa tươi hay sửa bột.

Kantar Worldpanel là một công ty đa quốc gia, chuyên tư vấn - nghiên cứu thị trường hàng đầu trên thế giới, có mặt trên hơn 55 quốc gia từ châu Âu, Bắc Mỹ, châu Á đến châu Úc.

Tại Việt Nam, Kantar Worldpanel hiện có văn phòng ở 14 tỉnh thành trên toàn quốc, từ Bắc đến Nam đưa ra số liệu: ở các nước phát triển trên thế giới, uống sữa đã trở thành một nhu cầu thiết yếu hằng ngày và người tiêu dùng ở đó chỉ có thói quen uống sữa tươi. Sữa hoàn nguyên (sữa bột pha lại) chỉ được dùng để sản xuất các loại sữa lên men, sữa chức năng...

Trong khi đó, tại Việt Nam, nếu chỉ so sánh trong khu vực Đông Nam Á, mức tiêu thụ sữa nước vẫn ở mức rất thấp, cụ thể: trong năm 2010, mức tiêu thụ sữa nước của người dân Thái Lan là trên 30 lít/người/năm, Singapore là trên 40 lít/người/năm và Ấn Độ là 45 lít/người/năm.

Mặc dù người dân đã hình thành thói quen uống sữa và các sản phẩm về sữa nhưng mức tiêu thụ sữa tại Việt Nam cũng chỉ ở 13 lít/người/năm - thấp hơn rất nhiều so với thế giới. Tuy nhiên, chỉ có 16% lượng sữa tiêu thụ là sữa tươi (2 lít/người), phần còn lại các doanh nghiệp phải nhập sữa bột để chế biến thành sữa nước hoàn nguyên.

Tuy nhiên, trên thực tế người tiêu dùng Việt Nam thời gian qua chủ yếu uống sữa mà ít quan tâm mình đang uống sửa tươi nguyên chất hay sữa bột pha chế. Nên đã phải chịu một mức giá như nhau. Việc không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, thành phần trên bao bì cũng là một hình thức đánh lừa người tiêu dùng./.

Nguyễn Văn Cảnh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục