Cắn răng “gánh” sữa ngoại

Cắn răng “gánh” sữa nhập ngoại thời tăng giá

Các hãng sữa nước ngoài thỏa sức đẩy giá lên và 1 bộ phận không nhỏ người tiêu dùng vẫn quyết "bám trụ" với các nhãn mác nhập ngoại.
Ngao ngán rút ví hơn 300 nghìn đồng cho một hộp sữa nhập khẩu từ Mỹ, chị Trang (Đống Đa, Hà Nội) lắc đầu thở dài: “Mới đầu năm, sữa đã lại lên giá thêm mấy chục nghìn rồi. Cũng "xót" lắm nhưng đầu tư sữa ngoại cho con mới yên tâm được”.

“Bám trụ” cùng giá sữa ngoại

Nói chuyện với chúng tôi khi vừa ra khỏi cửa hàng sữa tại Hàng Buồm (Hà Nội), chị Trang tâm sự từ lúc mới sinh tới giờ, “quý tử” nhà chị chỉ quen dùng sữa nhập ngoại của Mỹ bởi “cả nhà có mỗi đứa con trai, sữa ngoại giá đắt hơn nên chắc cũng đảm bảo chất lượng hơn các hãng sữa trong nước”.

Theo chị Trang, không phải riêng mình chị có suy nghĩ như vậy, cả nhà ai cũng ủng hộ phương châm nuôi con “hiện đại” này của chị. Bởi thế, dù giá sữa ngoại có đắt gần gấp đôi các nhãn hiệu sữa trong nước cùng loại nhưng “có đắt mới xắt ra miếng”, chị Trang quả quyết.

Chung tâm tư này, chị Thủy (Ô Chợ Dừa, Hà Nội) cũng quyết “bám trụ” với nhãn hiệu sữa của Australia, mặc dù từ đầu tháng 1, giá của loại sữa này đã tăng thêm 9%.

Theo lý giải của chị, bây giờ nhìn đâu cũng thấy quảng cáo sữa ngoại, nhất là trên tivi, “lâu dần thành thói quen nên mình chọn các nhãn hiệu sữa như một phản xạ thôi".

Ngoài tần suất dày đặc, theo chị Thủy, quảng cáo của những hãng sữa này đều rất ấn tượng. Chỉ tay vào hộp sữa bột 900 gram của Mỹ, chị Thủy hồ hởi “khoe”: “Loại này được quảng cáo là có nhiều chất giúp trẻ có trí thông minh vượt trội. Có thể không hoàn toàn được như quảng cáo nhưng ít nhiều chắc vẫn tác dụng hơn các loại khác”.

Không có điều kiện để mặc sức chọn sữa như chị Thủy, gia đình anh Thế Hùng (Hà Đông, Hà Nội) hàng tháng cũng vẫn phải tiết kiệm từng đồng để đầu tư sữa cho cậu con trai 2 tuổi.

Gia đình 4 người trông cả vào đồng lương công nhân của anh Hùng, vì thế số tiền hơn 1 triệu bỏ ra mua sữa hàng tháng không hề nhỏ. Tuy nhiên, anh Hùng vẫn cắn răng cho con dùng sữa đắt tiền vì theo anh “đồ ngoại chắc hơn đồ trong nước”.

Cũng đã có thời gian anh thử chuyển sang dùng sữa nội giá chỉ bằng một nửa sữa nhập ngoại nhưng không hiểu lý do gì cậu quý tử nhà anh bị tiêu chảy. Vì thế, anh Hùng càng khăng khăng quy kết: “Sữa trong nước thế này thì sao tốt như các nhãn sữa nhập ngoại”.

Mê hoặc vì “ma trận” quảng cáo

Tuy nhiên, về trường hợp của anh Hùng, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, khẳng định rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy khi cho trẻ dùng sữa.

“Không thể vội vàng quy kết rằng sữa nội kém chất lượng vì trẻ bị tiêu chảy. Kiểm chứng lâm sàng của Viện đã cho kết quả rằng các loại sữa trong nước, đặc biệt là các hãng sữa lớn, có chất lượng tương đương sữa ngoại. Người dùng hoàn toàn có thể yên tâm về chất lượng”.

Trong khi đó, nhận định về xu hướng của người tiêu dùng, Tiến sĩ Hồ Tất Thắng, Phó Chủ tịch Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (VINASTAS), cho rằng một bộ phận người tiêu dùng hiện vẫn có tâm lý “sính” hàng ngoại.

Không những thế, ông Thắng còn cho rằng một số người tiêu dùng bị hút theo sữa ngoại cũng bởi “ma trận” quảng cáo của các hãng sữa nước ngoài.

“Không chỉ trên những phương tiện thông tin đại chúng, nhiều hãng sữa ngoại còn vươn tay tới từng bệnh viện, phòng hộ sinh. Những cặp bố mẹ trẻ vừa có con chào đời đã được tư vấn sử dụng sữa của hãng này, hãng kia. Dần dần, thói quen sử dụng sữa được hình thành với những người này và khó thay đổi ngay được”, ông nói.

Về phần nhà sản xuất trong nước, ông Đỗ Thanh Tuấn, Trưởng ban đối ngoại Tập đoàn Vinamilk, thừa nhận thực tế rằng những doanh nghiệp sữa trong nước, trong đó có Vinamilk, đang tỏ ra “hụt hơi” trong khâu tiếp thị quảng cáo.

“Những doanh nghiệp sữa trong nước không thể sử dụng quá nhiều ngân sách cho quảng cáo, tiếp thị như các hãng sữa nước ngoài. Bởi thế, mặc dù chất lượng hai loại sữa ngang nhau nhưng một số người vẫn kiên quyết chọn sữa ngoại với giá đắt gần gấp đôi cho con”, ông Tuấn than thở.

Giải thích rõ hơn về vấn đề này, Tiến sĩ Thắng cho biết các hãng sữa trong nước phải tuân thủ quy định của Bộ Tài chính về chi phí quảng cáo, tiếp thị không được vượt quá 10% chi phí kinh doanh. Trong khi, thực tế phí quảng cáo ở các hãng sữa nước ngoài lớn gấp nhiều lần mức 10% này. Song, theo quy định, chỉ các doanh nghiệp có 51% vốn nhà nước mới nằm trong diện đăng ký giá.

“Bởi thế, các hãng sữa nước ngoài cứ thỏa sức đẩy giá và đối tượng phải gánh phí quảng cáo này chính là người tiêu dùng”, ông Thắng nhận định./.

Xuân Dũng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục