Cần sớm lập tòa chuyên xét xử tội phạm vị thành niên

Vấn đề lập Tòa gia đình và người chưa thành niên đã được Nhà nước quan tâm và thời điểm này việc thành lập Tòa là thực sự cần thiết.
Ngày 24/9, tại thành phố Cần Thơ, Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức hội thảo giới thiệu đề án thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên ở Việt Nam.

Theo Bộ Tư pháp, trung bình mỗi năm cả nước có 14.000-16.000 người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Còn theo thống kê của ngành tòa án, từ năm 2007-2012 có đến hơn 26.000 người chưa thành niên phạm tội được đưa ra xét xử. Những số liệu này cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề người chưa thành niên phạm tội.

Nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên, đại diện Viện Khoa học xét xử - Tòa án nhân dân tối cao khẳng định xuất phát từ những đặc thù tâm sinh lý của người chưa thành niên, đòi hỏi phải có những biện pháp xử lý và những thủ tục tố tụng riêng biệt; từ tình hình thực tế số các vụ án về hôn nhân và gia đình ngày càng tăng như hiện nay cũng đòi hỏi những thủ tục tố tụng riêng biệt.

Vấn đề thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên đã được Nhà nước quan tâm, nghiên cứu và thời điểm này việc thành lập Tòa là thực sự cần thiết. Việc thành lập Tòa nhằm triển khai có hiệu quả các chủ trương, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, phát triển gia đình; bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật nói riêng.

Đặc biệt, đây là bước đi cụ thể để thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ các quyền dân sự, chính trị, các quyền của trẻ em đã được ghi nhận trong các văn kiện quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Theo Viện Khoa học xét xử - Tòa án Nhân dân Tối cao,  Tòa gia đình và người chưa thành niên không phải là “tòa án đặc biệt” cũng như không phải được thành lập là một hệ thống tòa án độc lập. Tòa chỉ chuyên xét xử các vụ án và giải quyết các vụ việc có liên quan đến gia đình và người chưa thành niên xuất phát từ bản chất của các quan hệ xã hội và chủ thể của các quan hệ đặc biệt này. Vì vậy, xét về bản chất, Tòa gia đình và người chưa thành niên là loại Tòa chuyên trách nằm trong hệ thống Tòa án Nhân dân. Do đó, việc thành lập Tòa sẽ gắn với việc tổ chức hệ thống Tòa án Nhân dân theo tinh thần cải cách tư pháp.

Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Văn Độ, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao cho biết, hiện nay ở Việt Nam chưa có một tổ chức hay cơ quan chuyên trách để xét xử các vụ án liên quan đến tuổi vị thành niên phạm tội và các vụ án dân sự liên quan đến lợi ích của người chưa thành niên. Do đó, việc thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên là việc làm cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, đối với người chưa thành niên phạm pháp cần có một cơ chế toàn diện để giải quyết, gồm toàn bộ các khâu từ điều tra, xét xử, thi hành án và hậu thi hành án, tái hòa nhập cộng đồng, trong đó, việc xét xử cần một tòa chuyên biệt. Chính vì vậy, việc lập Tòa gia đình và người chưa thành niên là đòi hỏi khách quan, phù hợp xu thế phát triển xã hội và định hướng chung trong cải cách tư pháp là lấy xét xử làm khâu đột phá./.

Thanh Sang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục