Cần sớm quy hoạch hệ thống phòng chống thiên tai

Chiều 7/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương khẩn trương qui hoạch hệ thống phòng chống thiên tai.
Chiều 7/12, tại buổi làm việc với Ban chỉ đạo Quốc gia Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với các bộ, ngành và địa phương khẩn trương triển khai Qui hoạch hệ thống phòng chống thiên tai, từ đó đó lập ra những dự án cụ thể để ưu tiên đầu tư.

Trước mắt, rà soát, cập nhật qui hoạch thủy lợi trong tình hình mới và đề xuất đầu tư những đoạn đê xung yếu nhằm ngăn nước biển dâng và chống ngập. Đồng thời, qui hoạch và xây dựng các dự án trồng mới rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển.

Thủ tướng giao Bộ Công thương qui hoạch hệ thống điện theo hướng sử dụng năng lượng ít CO2 , lập dự án năng lượng mặt trời và gió để huy động các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực này. Lập Hội đồng đánh giá các công trình và hồ chứa thủy điện và thủy lợi…tất cả các công trình, dự án được triển khai xây dựng phải căn cứ vào kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính bố trí vốn để triển khai qui hoạch và lập các dự án phục vụ trong việc đối phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu ý kiến các thành viên Ban chỉ đạo, các chuyên gia để xây dựng kế hoạch triển khai của Chương trình năm 2010 hiệu quả và thiết thực.

Nhấn mạnh tới công tác tuyên truyền, Thủ tướng đề nghị các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người dân không được chủ quan trước biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đồng thời nâng cao nhận thức trong việc phải tồn tại, thích ứng với mọi biến động của thiên nhiên.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành chức năng tiếp tục cập nhật lại dự báo về thủy lợi, rừng, điện, giao thông, dân cư, đô thị…để triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó, trong đó ưu tiên những công trình, dự án sẽ bị ảnh hưởng do thiên tai.

Sau 1 năm thực hiện Quyết định 158/2008/QĐ-TTg về Chương trình Mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường- đơn vị được giao chủ trì đã phối hợp với các bộ, ngành thành lập Văn phòng Chương trình, cử lãnh đạo các bộ tham gia Ban Chủ nhiệm Chương trình, xây dựng và công bố các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam, xây dựng và ban hành “Khung hướng dẫn xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu cho các Bộ, ngành và địa phương”.

Theo đó, với kịch bản phát thải khí nhà trung bình cho thấy, vào cuối thế kỷ 21, nhiệt độ Việt Nam có thể tăng 2,3 độ C so với trung bình thời kỳ 1980-1999, lượng mưa tăng khoảng 5%, mực nước biển có thể dâng 30cm và cuối thế kỷ 21 có thể dâng thêm 75 cm so với thời kỳ 1980-1999.

Nếu nước biển dâng 75cm thì khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ngập 7.580 km2 tương đương 19% diện tích, dâng 100cm thì diện tích ngập là 15.116 km2, tương đương 37,8% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long…

Kinh phí thực hiện đến năm 2015 gần 2.000 tỷ đồng, trong đó gần 50% là viện trợ của các nước và tổ chức quốc tế. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai của Chương trình năm 2010 và các năm tiếp theo như xây dựng và triển khai Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia về biến đổi khí hậu, cập nhật và xây dựng bổ sung các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong thế kỷ 21 cho Việt Nam, tuyên truyền nâng cao nhận thức, đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ tối đa các nguồn lực.

Các đại biểu tham dự cuộc họp đều nêu rõ ảnh hưởng do biến đổi khí hậu dẫn đến thời tiết bất thường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với Việt Nam trong những năm gần đây như lũ lụt ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, hạn hán ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng.

Để đối phó trước diễn biến của biến đổi khí hậu, các đại biểu cho rằng, Việt Nam cần sớm xây dựng một qui hoạch toàn diện và một trong những mũi đột phá là các công trình thủy lợi. Theo đó, các bộ chức năng phải đánh giá lại toàn diện toàn tuyến đê sông, biển của Việt Nam để có kế hoạch xây dựng đê bêtông bền vững, cống điều tiết nước, các trạm bơm lớn thoát nước khi cần thiết…

Xây dựng các cơ sở hạ tầng sẵn sàng với những diến biến thời tiết bất thường nhằm thực hiện có hiệu quả phương châm 4 tại chỗ trong công tác phòng chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, vật tư-kinh phí-phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ).

Nêu rõ sự cần thiết trong việc kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ, các đại biểu đề nghị, sớm nghiên cứu đánh giá lại những diễn biến của thiên tai và nước biển dâng để tiếp tục xây dựng những dự án cụ thể, chẳng hạn như Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng, khai thác điện gió và năng lượng mặt trời…để tập trung đầu tư và kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục