Cần tăng gấp đôi sản lượng để đảm bảo lương thực

Liên hợp quốc cảnh báo rằng sản lượng lương thực thế giới phải tăng gấp đôi so với hiện nay mới có thể đáp ứng được nhu cầu vào năm 2050.

Theo Chủ tịch UB 2 Park In-kook để đảm bảo an ninh lương thực, điều quan trọng sống còn đối với các nước và các tổ chức lương thực thế giới là tăng đầu tư cho nghiên cứu nông nghiệp, khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như củng cố các mối liên kết thị trường và mạng lưới đảm bảo an toàn thực phẩm.
Ngày 12/10, các nhà khoa học và các cơ quan của Liên hợp quốc đã cảnh báo rằng sản lượng lương thực thế giới phải tăng gấp đôi so với hiện nay mới có thể đáp ứng được nhu cầu dân số toàn cầu 9,2 tỷ người vào năm 2050 và các nước cần phát triển các chiến lược ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để chống nghèo đói.

Kết thúc cuộc thảo luận tại Ủy ban Kinh tế và Tài chính (UB 2) của Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 64 với chủ đề “Hợp tác mới để đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu”, Chủ tịch UB 2 Park In-kook nhấn mạnh để đảm bảo an ninh lương thực, điều quan trọng sống còn đối với các nước và các tổ chức lương thực thế giới là tăng đầu tư cho nghiên cứu nông nghiệp, khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, triển khai hợp lý các dịch vụ tài chính, nâng cấp cơ sở hạ tầng nông nghiệp cũng như củng cố các mối liên kết thị trường và mạng lưới đảm bảo an toàn thực phẩm.

Tổ chức Nông Lương của Liên hợp quốc (FAO) cho biết cuộc khủng hoảng giá lương thực năm 2008, kết quả của nhiều thập kỷ thiếu đầu tư vào nông nghiệp và an ninh lương thực, đã đẩy số người đói và suy dinh dưỡng trên toàn cầu lên tới 1 tỷ người, chiếm 1/6 dân số thế giới hiện nay. Giá lương thực hiện đã cao và dễ biến động có thể lại tăng vọt do tác động của biến đổi khí hậu.

Nhiều nhà khoa học tham gia thảo luận đã lưu ý rằng bất chấp những nỗ lực nhiều năm qua của cộng đồng quốc tế, số người bị đói trên thế giới trong nửa thập kỷ qua vẫn không giảm và điều này cho thấy thế giới cần phải có cách tiếp cận khác với vấn đề an ninh lương thực.

Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên hợp quốc đã liên tục phát đi 3 thông điệp cảnh báo thế giới về an ninh lương thực. Đó là số người đói và suy dinh dưỡng không ngừng tăng lên hàng ngày không chỉ giới hạn ở 1 tỷ người cần cứu trợ mà còn 2 tỷ người khác thiếu dinh dưỡng; mất an ninh lương thực không chỉ tác động tiêu cực ngắn hạn mà cả dài hạn đến các nước đang phát triển và các nước cần phản ứng toàn diện và khẩn cấp. Nạn đói không chỉ là hậu quả của nghèo khổ mà còn dẫn đến nghèo khổ vì nó khiến tỷ lệ tử vong của trẻ em tăng cao, dịch bệnh thêm trầm trọng và tỷ lệ thất học cao.

Trước thực tế này, các nước cần phát triển các chiến lược mới cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để chống nghèo đói. Nông nghiệp phải thích nghi với những biến động mới của thời tiết cũng như hệ thống an sinh xã hội và an toàn lương thực phải được tăng cường để đảm bảo lương thực cho dân số đang tăng lên trên toàn cầu. Nông nghiệp không thể giải quyết được nạn đói mà còn cần các chương trình trợ giúp lương thực quốc gia và quốc tế.

Liên hợp quốc kêu gọi các nước giàu không cắt giảm viện trợ lương thực cho các nước nghèo và cần tăng mức viện trợ này vượt quá mức 3% viện trợ ODA hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục