“Cần tạo môi trường để giới trẻ được trải nghiệm”

“Giới trẻ ngã ở đâu thì hãy để các em đứng lên từ đó. Sự tự giác chỉ có được khi người trẻ trải nghiệm để tự nhận thức về cuộc sống.”

Để giới trẻ có thể sống trung thực, trách nhiệm và nghị lực, người lớn cần tạo điều kiện, môi trường để họ dấn thân, trải nghiệm cuộc sống. Song song với điều đó, người lớn cần biết chấp nhận những kết quả, rủi ro của quá trình này.

Vấn đề trên đã được các chuyên gia nêu ra, bàn luận tại tại hội thảo về lĩnh vực nâng cao kỹ năng sống với chủ đề “Làm thế nào để bản thân giới trẻ sống trung thực, sống trách nhiệm, sống nghị lực?” được tổ chức vào sáng 11/3 tại Hà Nội.

Chương trình do Thông tấn xã Việt Nam phối hợp cùng Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Ban Thanh Thiếu niên VTV6 (Đài Truyền hình Việt Nam), Báo Thanh niên, Tập đoàn Hoa Sen tổ chức.

“Ngã ở đâu, đứng lên từ đó”

Theo tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, ý thức tự giác của lớp trẻ được hình thành từ sự tiếp thu kết quả giáo dục của gia đình, nhà trường; kết hợp với bản tính, năng lực cá nhân của mỗi người.

Bên cạnh đó, môi trường xã hội cũng có những tác động hai mặt (cả tích cực và tiêu cực) đối với việc hình thành ý thức tự giác của giới trẻ.

“Hiện nay, giới trẻ chưa được xã hội thực sự tôn trọng, tin tưởng và khích lệ. Điều này sẽ tạo nên sự thiếu tự tin và hạn chế việc chủ động sáng tạo của giới trẻ. Giới trẻ là những người thiếu kinh nghiệm; nhưng nếu không tạo cơ hội cho họ thực hành thì họ sẽ không thể trưởng thành,” tiến sỹ Lâm bày tỏ quan điểm.

Dẫn giải cho vấn đề này, tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ, việc “dán nhãn” học sinh (theo kiểu học sinh ngoan, cá biệt…) sẽ không tạo động lực để học sinh phát triển. “Là con người, ai cũng có mặt tốt, mặt xấu. Thay cho việc ‘dán nhãn’ đó, tại sao chúng ta không tìm cách khích lệ các em?” ông Lâm bày tỏ.

Vị chuyên gia này chia sẻ, ông sẽ không bao giờ quên được câu chuyện về một người học trò cũ đã hình thành ý thức trách nhiệm sau chính những sai lầm của mình. Khi người học trò này là học sinh lớp 11, cậu đã bán đi chiếc xe máy mà mẹ cậu phải vô cùng vất vả mới có thể mua được.

“Tôi hỏi người học trò đó, ‘em sống được là nhờ ai,’ cậu ấy trả lời là rằng, ‘em sống được là nhờ mẹ nuôi.’ Khi đó, tôi bảo, mẹ em sống được, vượt qua được những thử thách của cuộc đời cũng là nhờ có em – một sức mạnh, điểm tựa tinh thần của bà,” tiến sỹ kể.

Theo lời kể của ông, sau đó, người học trò này đã gửi đến cô giáo chủ nhieemjc ủa mình một đốt ngón tay út với lời hứa “sẽ thay đổi chính mình.” Kết quả, hiện nay, người học trò đó đã trở thành một doanh nhân thành đạt với doanh nghiệp riêng.

“Giới trẻ ngã ở đâu thì hãy để các em đứng lên từ đó. Sự tự giác chỉ có được khi người trẻ trải nghiệm để tự nhận thức về cuộc sống và vượt qua khó khăn,” tiến sỹ Lâm chia sẻ.

“Cần tạo môi trường để giới trẻ được trải nghiệm” ảnh 1Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm phát biểu tại hội thảo (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đồng quan điểm với tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm, ông Giản Tư Trung – Người sáng lập Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (IRED) cho rằng, việc giúp mỗi cá nhân hình thành ý thức tự giác cần được thực hiện từ nhỏ, đặc biệt là trong độ tuổi từ 0-8 tuổi.

“Khi đã hình thành được ý thức tự giác, con người sẽ biết cách sống có trách nhiệm, nghị lực để vươn lên trong cuộc sống trước khi đòi hỏi sự giúp sức từ xã hội, những người xung quanh,” ông Trung chia sẻ.

“Người lớn không thể đứng ngoài cuộc”

Xung quanh vấn đề “Làm thế nào để bản thân giới trẻ sống trung thực, sống trách nhiệm, sống nghị lực?” các chuyên gia tham dự hội thảo cũng đồng tình cho rằng, người lớn cũng có vai trò, trách nhiệm quan trọng.

Nhà báo Bùi Thu Thủy (Đài truyền hình Việt Nam) cho rằng, song song với việc hình thành ý thức tự giác, sống trung thực và có trách nhiệm cho giới trẻ thì chính người lớn cũng phải thường xuyên rèn luyện điều này. “Người lớn không thể đứng ngoài cuộc, người lớn cần làm tấm gương cho giới trẻ,” nhà báo Thu Thủy bày tỏ.

Câu chuyện về người lái xe va chạm với hai nữ sinh, khiến một người bị thương nặng rồi sau đó bỏ chạy (xảy ra vào tối ngày 3/3 vừa qua tại Xã Đàn, Đống Đa, Hà Nội) đã được đưa ra làm ví dụ cho sự thiếu ý thức tự giác của giới trẻ tại hội thảo.

“Người lái xe nói rằng, vì hoảng hốt trước việc mình gây ra nên anh ta đã bỏ chạy. Đây là bài học cho tất cả chúng ta. Nó cho thấy, giới trẻ Việt Nam hiện nay chưa được giáo dục đầy đủ để có phản xạ, kỹ năng tốt trong việc xử lý những tình huống như vậy,” nhà báo Thu Thủy phân tích.

Mở rộng vấn đề, chị cho rằng, nếu muốn giáo dục những người đi tham gia về thái độ trung thực, tự giác thì những người xung quanh cũng cần có những hành xử đúng mực và trách nhiệm.

Phân tích sâu hơn về luận điểm này, nhà báo cho rằng: Thực tế, có không ít trường hợp, người lái xe vô tình gây tai nạn, khi dừng xe lại đã bị những người xung quanh vây đánh.

“Với cách hành xử của những người xung quanh như vậy, nếu chẳng may gây tai nạn, bạn có muốn là người trách nhiệm và trung thực bằng việc dừng xe, giúp người bị nạn hay bạn sẽ lại chọn cách bỏ chạy?” nhà báo Thu Thủy đặt ra câu hỏi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục