Cần tập trung xây dựng các khu kinh tế ở ĐBSCL

Theo các chuyên gia, việc thực hiện quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 và tầm nhìn 2050 cần có một đơn vị đầu mối.
Ngày 15/11, tại Cần Thơ, Bộ Xây dựng phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ tổ chức “Hội nghị giao ban Công tác thực hiện quy hoạch xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050” đã được Chính Phủ phê duyệt.

Đây là Hội nghị giao ban đầu tiên sau 3 năm triển khai thực hiện đồ án quy hoạch nhằm đánh giá sơ bộ hiệu quả của đồ án; đồng thời khắc phục những bất cập, vướng mắc cần bổ sung điều chỉnh, tháo gỡ kịp thời đảm bảo tính liên tục, khả thi của quy hoạch.

Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm 13 tỉnh thành, diện tích tự nhiên trên 4.600km2, có đường biên giới giáp Campuchia 330km và đường bờ biển dài trên 700km.

Khu vực này là vùng sản xuất lương thực, thực phẩm trọng điểm của quốc gia. Mục tiêu cơ bản và những định hướng trong đề án quy hoạch xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long nhằm khai thác hết tiềm năng lợi thế, xây dựng nơi đây trở thành vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, hiệu quả và bền vững.

Đồ án xây dựng vùng phát triển theo mô hình phát triển cấu trúc không gian đa cực, tập trung với Cần Thơ là đô thị hạt nhân kết hợp các trục hành lang kinh tế phân vùng chức năng kinh tế đô thị, kinh tế nông thôn, vùng bảo vệ thiên nhiên; vùng phát triển sinh thái du lịch nghỉ dưỡng.

Trong đó, đồ án đã đặt nặng định hướng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật gồm 7 nội dung giao thông, thủy lợi, cấp điện, cấp thoát nước, chiến lược bảo vệ môi trường và các chương trình ưu tiên đầu tư cơ sở kiến trúc hạ tầng theo hướng ưu tiên thành lập vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long ( theo QĐ số 492/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ).

Trong quy hoạch chung, cần tập trung quy hoạch xây dựng các khu kinh tế và các khu chức năng đặc biệt như khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên, Long An, Đồng Tháp, khu kinh tế Năm Căn (tỉnh Cà Mau) và đảo Phú Quốc.

Theo đánh giá tổng quát, tại 13 tỉnh thành vùng đồng bằng sông Cửu Long, tình hình triển khai thực hiện đã đạt được nhiều kết quả, lồng ghép được với nhiều dự án phát triển khu vực, liên tỉnh làm cho bộ mặt đô thị và nông thôn đồng bằng sông Cửu Long đổi thay đáng kể.

Các tỉnh cũng đã hoàn thành triển khai công tác rà soát, điều chỉnh và lập quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, nông thôn, khu kinh tế, khu chức năng, cụm tuyến dân cư vượt lũ… cho phù hợp với quy hoạch xây dựng vùng đã được phê duyệt.

Toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện có 158 đô thị từ loại I đến loại V. Quá trình phát triển đô thị đạt tỷ lệ 30% là phù hợp với dự báo và định hướng của đồ án quy hoạch.

Tuy nhiên, theo ý kiến của lãnh đạo các tỉnh, thành, công tác triển khai thực hiện đồ án vẫn còn chậm và chưa đồng bộ, một số mặt chưa thật sát hợp.

Để đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, đồ án quy hoạch đồng bằng sông Cửu Long cần có hướng điều chỉnh theo yêu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu bởi đồng bằng sông Cửu Long là nơi chịu tác động nặng nề nhất.

Mạng lưới đô thị đã hình thành theo định hướng vùng nhưng chất lượng chưa đáp ứng mục tiêu đồ án đề ra. Các công trình đầu mối hạ tầng khung của vùng chưa được đầu tư đồng bộ dẫn đến chưa đạt được hiệu quả liên kết tạo nên sức mạnh toàn vùng.

Các đại biểu kiến nghị cần có một đơn vị đầu mối đủ mạnh về nguồn lực, có đủ các điều kiện chức năng nhiệm vụ điều phối, lập kế hoạch triển khai cũng như phân công cụ thể đối với các tỉnh trong vùng.

Cần có cơ chế hỗ trợ cho các tỉnh có xuất phát điểm kinh tế thấp; tăng cường hỗ trợ nguồn vốn từ ngân sách Trung ương và hỗ trợ địa phương tiếp nhận nguồn vốn ODA để thực hiện các dự án hạ tầng kỹ thuật-xã hội cấp vùng cấp tỉnh; cần nghiên cứu và làm rõ chức năng nhiệm vụ điều phối của các Bộ, ngành Trung ương và địa phương; tập trung chỉ đạo và giải quyết những vấn đề mang tính chất liên vùng từ công tác quy hoạch, lập kế hoạch, và triển khai các dự án cấp vùng một cách hiệu quả./.

Trần Khánh Linh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục