Cẩn thận với thời trang gắn mác “cao cấp”

Mặc dù đã có thông tin hàng dệt may xuất xứ từ Quảng Đông, Trung Quốc có chứa chất độc hại nhưng nhiều nơi tại Hà Nội, do tiêu chuẩn đưa ra với mặt hàng này còn chưa rõ ràng nên người bán đã “mập mờ” khi đưa ra các chiêu bán hàng khác nhau để hút khách.

Mặc dù đã có thông tin hàng dệt may xuất xứ từ Quảng Đông, Trung Quốc có chứa chất độc hại nhưng nhiều nơi tại Hà Nội, do tiêu chuẩn đưa ra với mặt hàng này còn chưa rõ ràng nên người bán đã “mập mờ” khi đưa ra các chiêu bán hàng khác nhau để hút khách.

Hàng rẻ tiền gắn mác “cao cấp”


Con phố Kim Ngưu, chỉ chưa đầy 200 mét đoạn từ cuối dốc Lò Đúc đến cầu Lạc Trung, nhưng có tới trên 50 kiốt bán hàng quần áo với đầy đủ chủng loại, mẫu mã, từ đồ trẻ sơ sinh, đến thời trang của người lớn.

Lượng người đến mua hàng ở đây không nhỏ, nhưng rất hiếm để có thể tìm được một cửa hàng treo biển bán hàng thời trang Việt Nam, mà chỉ thấy các cửa hàng “thời trang cao cấp” và “thời trang Quảng Châu-Hongkong” đua nhau trưng biển.

Theo một tiểu thương trong khu chợ thời trang này, hàng hóa ở đây chủ yếu phục vụ những đối tượng thu nhập thấp, giá cả chỉ từ 25 nghìn đồng đến 100 nghìn đồng là có thể mua được những bộ quần áo hợp mốt.

Cũng theo người bán hàng này, hầu hết hàng may mặc ở đây có xuất xứ Trung Quốc, do giá rẻ, hình thức bắt mắt nên dễ bán và lời lãi cũng nhiều.

Mặc dù thông tin hàng thời trang có xuất xứ Quảng Đông nhiễm formaldehyde, một tác nhân gây ung thư được đưa ra gần một tuần nay, nhưng trên thực tế, tình hình mua bán vẫn sôi động và người bán ở đây thì luôn né tránh câu hỏi “hàng này có phải xuất xứ từ Trung Quốc ?”.

Ghé vào một cửa hàng quần áo thời trang cao cấp Quảng Châu-Hongkong, bà chủ ở đây rất nhiệt tình chào mời: “Mua đi em, hàng ở đây toàn nhập từ Hàn Quốc và là hàng chất lượng cao đấy nhé”, bà chủ vồn vã.

Chất lượng cao thì chưa biết, nhìn nhãn mác cũng không thể phân biệt hàng Trung Quốc hay Hàn Quốc, nhưng khi được hỏi về biển hiệu ở đây ghi bán hàng Quảng Châu-Hongkong, sao lại nói là Hàn Quốc thì bà chủ tỏ ra “không mấy hài lòng” và miễn cưỡng trả lời: “Chúng tôi chỉ biết nhập về bán, nếu hàng hóa có vẫn đề gì thì đem trả lại để chúng tôi bắt đền các chủ hàng”.

Sang các cửa hàng khác cũng vậy, câu chào mời bao giờ cũng là hàng “xịn” có nguồn gốc rõ ràng và người tiêu dùng chỉ biết móc túi trước những lời đảm bảo đó.

Trong khi đó, nhiều người đến mua hàng thì lại rất ít quan tâm đến chất lượng của hàng hóa. Chị Hoa, nhà ở Mai Động tỏ ra khá bình thường trước tin quần áo có nhiễm chất độc. Chị thản nhiên: “Mặc mãi mà có bị sao đâu”.

“Trách nhiệm kiểm định phải là các cơ quan chức năng, hiện thu nhập của chúng tôi chỉ đủ để mua hàng này, nhưng bao giờ mình cũng giặt thật sạch trước khi mặc những bộ đồ mới”, chị Hoa nói.

Còn chị Mến, công nhân nhà máy dệt Hà Nội thì cho rằng: Chúng tôi là người tiêu dùng thì chỉ biết mua và tin tưởng vào người bán thôi, nếu đúng là hàng hóa có nhiễm chất độc thật, thì cơ quan chức năng phải có trách nhiệm làm rõ, chứ những người tiêu dùng như mình đâu có kiểm chứng được.

Người tiêu dùng phải “tự” bảo vệ

Đúng là rất khó để có thể nhận biết các chất độc hại có trong hàng hóa bằng mắt thường, bởi từ trước đến nay, thông tin về các mặt hàng nhiễm độc ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng rất ít được các cơ quan chức năng kiểm nghiệm và công bố, hoặc có thì cũng chưa có biện pháp gì để bảo vệ người tiêu dùng.

Phó Chủ tịch Hội tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, ông Hồ Tất Thắng cho biết: “Hội chưa nhận được thông tin chính thức từ các cơ quan chức năng về chuyện quần áo có chứa hóa chất độc hại”.

Theo ông Thắng, nếu cảnh báo từ các cơ quan chức năng đưa ra chính xác thì Hội sẽ lên tiếng cảnh báo đến người tiêu dùng khi có đủ thông tin.

Trước thực tế kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ có thể gây hại đến người tiêu dùng trong nước, phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Tất Thắng, Viện nghiên cứu thương mại cho rằng: Chúng ta đã không công bố tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu và bày bán trên thị trường, chỉ đến khi có vấn đề xảy ra thì chúng ta mới đưa ra mệnh lệnh hành chính tức thời.

“Cần phải có tiêu chuẩn kỹ thuật cho các mặt hàng chung có xuất xứ từ tất cả các nước, chứ không chỉ tập trung vào hàng của một nước nào”, tiến sỹ Phạm Tất Thắng nói.

Cũng theo tiến sỹ Phạm Tất Thắng, cách để “đánh thắng” hàng kém chất lượng không phải là đi theo hướng sản xuất hàng rẻ hơn, mà phải thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng bằng những mặt hàng có chất lượng tốt hơn.

Luật bảo vệ người tiêu dùng hiện mới trong quá trình lấy ý kiến và trong khi chờ các cơ quan chức năng kết luận làm rõ việc hàng hóa có nhiễm độc hại hay không, thì các chuyên gia chỉ còn biết khuyến cáo người tiêu dùng:  “hãy cẩn trọng với hàng hóa không rõ xuất xứ và hãy tự bảo vệ chính mình và gia đình bằng cách giặt sạch quần áo trước khi mặc”./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục