"Cần thiết phải ban hành Luật An toàn thực phẩm"

Chiều 26/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường góp ý kiến vào hai dự thảo Luật An toàn thực phẩm và Luật Người khuyết tật.
Chiều 26/11, Quốc hội làm việc tại hội trường góp ý kiến vào hai dự thảo Luật An toàn thực phẩm và Luật Người khuyết tật.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm

Đa số đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về sự cần thiết phải ban hành Luật An toàn thực phẩm nhằm không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe nhân dân, nhất là trong bối cảnh tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm đang là nguy cơ đe doạ đến toàn xã hội, với những vi phạm ngày càng nghiêm trọng, thậm chí không thể chấp nhận được cả về mặt đạo lý.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng cấu trúc của Dự thảo Luật chưa thật hợp lý nên không làm rõ được những việc cần phải làm trong từng lĩnh vực cụ thể được đề cập đến trong Dự thảo Luật như khai thác thực phẩm trong tự nhiên, nhập khẩu thực phẩm, xử lý vi phạm; quyền, trách nhiệm của cá nhân, tập thể, cơ quan quản lý có liên quan… Vì vậy, Luật cần quy định cụ thể trong từng lĩnh vực nhằm làm rõ các nội dung được điều chỉnh mới đạt được hiệu quả như mong muốn.

Các đại biểu Dương Kim Anh (Trà Vinh), Nguyễn Thị Hoa, Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đều cho rằng Dự thảo Luật chưa đảm bảo được mục tiêu đề ra, nhiều quy định không rõ, không phù hợp với thực tế vì vậy cần xem xét lại tính khả thi khi Luật được ban hành.

Về công tác quản lý nhà nước, đa số đại biểu đề nghị nên giao cho Bộ Y tế chủ trì, chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, đồng thời phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết bày tỏ quan điểm, do Bộ Y tế có quá nhiều việc, trong khi đó tại các địa phương, công tác quản lý an toàn thực phẩm lại giao trách nhiệm cho Sở Y tế là chính, nên hiệu quả bị hạn chế. Ngoài ra, chúng ta lại chưa có chế tài đủ mạnh nên hiệu quả thực hiện không cao. Đại biểu đề nghị nên giao nhiệm vụ trên cho Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường vì Bộ này có Tổng cục Đo lường chất lượng với đầy đủ điều kiện cần thiết và có hệ thống kiểm nghiệm tốt…, hoặc thành lập Ủy ban quốc gia để quản lý về vấn đề này như một số nước đang thực hiện.

Về tính khả thi của Luật, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, sẽ không hiệu quả nếu quy định chung như Dự thảo Luật, bởi hiện nay ở Việt Nam có hai hệ thống cung cấp thực phẩm chính đó là các siêu thị và các cửa hàng nhỏ lẻ. Đại biểu đề nghị nên từng bước dẹp bớt các chợ cóc, quy định chặt chẽ về giết mổ gia súc, để người dân bỏ dần thói quen giết mổ gia súc trên đường phố và nên làm từng bước với lộ trình thích hợp.

Nhất trí với tên gọi Luật Người khuyết tật

Đa số đại biểu đồng ý với với tên gọi là Luật Người khuyết tật vì cho rằng khái niệm “người khuyết tật” không chỉ mang tính nhân văn sâu sắc của dân tộc Việt Nam mà còn phù hợp với khái niệm của Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật mà Việt Nam đã ký kết. Ngoài ra, với tên gọi này, Luật sẽ có phạm vi điều chỉnh rộng hơn so với Pháp lệnh về người tàn tật.

Nhiều đại biểu đồng tình với quy định về phân dạng và phân hạng khuyết tật và cho rằng việc phân dạng, phân hạng khuyết tật sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tổng hợp, thống kê số liệu, làm cơ sở để xây dựng chính sách và các chế độ trợ giúp cho phù hợp.

Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng không nên giao Chính phủ quy định cụ thể việc phân hạng, bởi như vậy các chế độ cho người khuyết tật quy định trong Luật sẽ không chính xác, thực hiện các chế độ phải chờ ban hành Nghị định sẽ gây thiệt thòi cho người khuyết tật.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà đề nghị bổ sung quy định về chức năng của Hội đồng giám định y khoa nhằm nâng cao năng lực giám định dạng khuyết tật, tránh để người khuyết tật đi lại nhiều. Ngoài ra cần quy định rõ ràng trẻ em, phụ nữ, người già bị khuyết tật được hưởng ưu đãi như thế nào và nên nâng lên một hạng so với đối tượng khuyết tật khác.

Đại biểu Lê Thị Nguyệt đề nghị không nên phân nhiều hạng khuyết tật mà chỉ nên quy định 3 mức, đó là nhẹ, vừa và nặng. Trong Luật cũng chỉ nên quy định cụ thể về chế độ cho người khuyết tật ở thể nặng. Ban soạn thảo cần bổ sung một số quy định cụ thể hơn về việc Nhà nước khuyến khích các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc chứ không nên chỉ "khuyến khích" như vậy.

Nhiều đại biểu đề nghị bổ sung điều khoản riêng quy định Chính phủ ưu tiên trẻ em khuyết tật, nhất là trẻ em gái; chính sách xóa mù chữ cho người khuyết tật và cấm lợi dụng người khuyết tật đi ăn xin để trục lợi.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục