Cần Thơ cần 23 tỷ đồng nạo vét kênh tiểu Dự án Ô Môn-Xà No

Theo Chi Cục Thủy lợi Cần Thơ, giai đoạn 2015 -2016, thành phố Cần Thơ cần 23 tỷ đồng đầu tư nạo vét 15 kênh thuộc tiểu Dự án Ô Môn-Xà No.
Cần Thơ cần 23 tỷ đồng nạo vét kênh tiểu Dự án Ô Môn-Xà No ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ về tình hình thực hiện Tiểu dự án Ô Môn-Xà No trên địa bàn ngày 30/1, Chi Cục Thủy lợi Cần Thơ, cho biết trong giai đoạn 2015 -2016, thành phố Cần Thơ cần khoảng gần 23 tỷ đồng đầu tư nạo vét 15 kênh cấp 2 thuộc tiểu Dự án Ô Môn-Xà No.

Theo ông Bùi Quang Minh, Chi Cục trưởng Chi Cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Cần Thơ, 15 kênh cấp 2 cần đầu tư nạo vét, trong đó có 10 kênh nằm trên địa bàn huyện Thới Lai.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Cần Thơ, hệ thống Ô Môn-Xà No chưa được đầu tư hoàn chỉnh nhưng bước đầu có hiệu quả nhất định.

Cụ thể, hệ thống đê bao 2 tuyến đê bao Tắc Ông Thục (dài 18,3km, chiều rộng mặt đê 4 mét) và tuyến đê bao Ô Môn (dài 7,7km, chiều rộng mặt đê 6 mét) có tác dụng chống lũ triệt để nhất là lũ tháng 8.

Từ khi có 2 tuyến đê trên, vườn cây ăn trái đặc sản phát triển, năng suất lúa cao hơn so với các khu vực lân cận, giao thông nông thôn thuận tiện.

Các năm trước đây, khi chưa có dự án, khu vực này bị ngập úng, sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả, đời sống nhà nông khó khăn. Bên cạnh đó, hệ thống cống gồm 17 cống, trong đó có 2 cống cấp 1 và 15 cống cấp 2 (giai đoạn 1) đã phát huy tác dụng chủ động hoàn toàn về nguồn nước trên kênh có công trình cống, phục vụ xuống giống, bảo vệ mùa vụ khi mực nước dâng cao bất thường.

Cũng theo ông Minh, hiệu quả rõ rệt nhất về kinh tế, xã hội trong vùng dự án là năng suất lúa được nâng lên, nếu trước đây từ 5-6 tấn/ha, nay đạt từ 7-8 tấn/ha.

Chất lượng vườn cây ăn trái đặc sản như vú sữa, bưởi da xanh nâng lên rõ rệt.Tuyến đê vững chắc, giao thông thuận lợi, tạo điều kiện giao thương hàng hoá, mức sống thu nhập tăng lên rõ rệt so với khu vực lân cận...

Tiểu Dự án Ô Môn-Xà No thuộc dự án phát triển thủy lợi Đồng bằng sông Cửu Long, được triển khai từ cuối năm 2004, do Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10 (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) làm chủ đầu tư.

Tiểu dự án Ô Môn-Xà No được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 hoàn thành 26km đê Tắc Ông Thục, đê Ô Môn và 17 cống cấp 1 và cấp 2.

Riêng giai đoạn 2, đang được triển khai xây dựng với các hạng mục công trình gồm 36 cống, trong đó có 20 cống cấp 2 và 16 cống ngầm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục