Cần Thơ mong Canada chia sẻ kinh nghiệm ứng phó biến đổi khí hậu

Tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Canada Stephane Dion, lãnh đạo thành phố Cần Thơ bày tỏ mong muốn Canada chia sẻ kinh nghiệm ứng phó biến đổi khí hậu.
Cần Thơ mong Canada chia sẻ kinh nghiệm ứng phó biến đổi khí hậu ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Văn Trí/TTXVN)

Ngày 6/9, lãnh đạo thành phố Cần Thơ đã tiếp đoàn Bộ Ngoại giao Canada do Bộ trưởng Ngoại giao Stephane Dion dẫn đầu.

Tại buổi tiếp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Võ Thành Thống đánh giá cao nền tảng kiến thức, kinh nghiệm của Canada trong giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là quản lý nguồn nước, giảm khí thải. Cần Thơ nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung đang đứng trước những thách thức lớn về biến đổi khí hậu, khô cạn nguồn nước ngầm, xâm nhập mặn…

Theo kịch bản mà các nhà khoa học chỉ ra, đến năm 2100, nước biển sẽ dâng từ 76 đến 82 cm nếu nhiệt độ tăng từ 2 đến 3 độ C, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có 15.000/40.000 km2 ngập sâu trong nước. 35% dân số trong vùng sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp và một lượng không nhỏ dân số bị ảnh hưởng gián tiếp. Kinh tế sẽ giảm sút nghiêm trọng, đặc biệt là nông nghiệp.

Vì vậy, Cần Thơ mong muốn có sự hợp tác sâu rộng với Canada trong lĩnh vực quản lý nguồn nước với nhiều hình thức phong phú như thành lập các Viện nghiên cứu để tăng khả năng hợp tác song phương về nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực quản lý nguồn nước, cử sinh viên du học về lĩnh vực này…

Bộ trưởng Stephane Dion thông tin Canada có nhiều chương trình mục tiêu quốc gia để phát triển kinh tế bền vững theo hướng thân thiện với môi trường. Luật Đại dương của Canada là một trong những luật thành công khi nhắc đến nỗ lực bảo vệ môi trường của chính phủ Canada, với ba mục tiêu lớn trong quản lý biển. Đó là hiểu biết và bảo vệ môi trường biển; hỗ trợ các cơ hội phát triển kinh tế bền vững và nâng cao vị thế về biển của Canada trên trường quốc tế.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Canada định hướng phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh. Theo đó, cơ giới hóa nông nghiệp để giảm thiểu sức lao động, tuân thủ các tiêu chuẩn GlobalGAP trong chuỗi cung ứng sản phẩm khép kín, nhằm tránh tối đa tình trạng sử dụng vượt mức cho phép hóa chất trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi, ảnh hưởng xấu tới môi trường.

Bên cạnh đó, Canada cũng có những chương trình tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức tự bảo vệ môi trường sống của cá nhân và công cộng cho từng người dân Canada. Tuyên truyền kết hợp với những quy định, chế tài phạt mang tính răn đe được chứng minh mang lại hiệu quả cao.

Phát triển bền vững cũng là nguyên tắc được đặt lên hàng đầu trong hoạch định chiến lược phát triển ở Canada. Nguyên tắc này chỉ ra cần phải có sự tổng hợp và cân đối giữa các yếu tố xã hội, kinh tế và môi trường trong hoạch định chính sách quản lý. Đồng thời, việc quản lý, sử dụng các tài nguyên thiên nhiên của thế hệ hiện tại không được phương hại tới khả năng khai thác và sử dụng của các thế hệ tương lai.

Ô nhiễm không khí, nguồn nước hay những hệ lụy như nhiệt độ trái đất tăng lên, băng tan, nước biển dâng, ngập lụt, hạn hán… luôn là vấn đề toàn cầu. Vì thế, Canada mong muốn chia sẻ kinh nghiệm cùng Cần Thơ nói riêng và Việt Nam nói chung để chung tay gìn giữ môi trường sống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục