Cần Thơ: Phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý Cần Thơ cần rút kinh nghiệm từ các sự cố môi trường tại một số địa phương để chú trọng phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.
Cần Thơ: Phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Ngày 6/8, tại thành phố Cần Thơ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ về góp ý Dự thảo Báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Cùng tham dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát; đại diện lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và các Bộ, ban ngành Trung ương.

Nghị quyết số 45 ngày 17/2/2005 của Bộ Chính trị xác định phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2020 nêu rõ: Đảng bộ và Nhân dân thành phố phấn đấu xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trở thành thành phố đồng bằng cấp quốc gia văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, xứng đáng là thành phố cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mekong; là trung tâm công nghiệp, trung tâm thương mại-dịch vụ, du lịch, trung tâm giáo dục-đào tạo và khoa học-công nghệ, trung tâm y tế và văn hóa, là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế; là địa bàn trọng điểm giữ vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của vùng đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước.

Theo mục tiêu này, Cần Thơ phấn đấu là một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa để trở thành đô thị loại I trước năm 2010 và cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020, là một cực phát triển, đóng vai trò động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của toàn vùng.

Trong 10 năm qua, công tác quy hoạch, xây dựng thành phố Cần Thơ theo hướng văn minh, hiện đại và bền vững. Thành phố đã tập trung huy động mọi nguồn lực khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế.

Qua 10 năm, kinh tế thành phố tăng trưởng nhanh hơn giai đoạn trước đó, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2005-2015 đạt 13,98%. Cần Thơ đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, năm 2015, tỷ trọng khu vực kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 6,49%; khu vực công nghiệp, xây dựng là 35% và thương mại-dịch vụ chiếm 58,51% trong cơ cấu GDP.

So với thời điểm năm 2005, giá trị sản xuất công nghiệp thành phố năm 2015 đã tăng gấp 4 lần, đạt 101.343 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp thành phố giai đoạn 2005-2015 đạt trung bình 15,5%/năm.

Bước đầu thành phố đã chỉ đạo tập trung phát triển một số ngành công nghiệp thế mạnh như: cơ khí, chế biến nông, thủy sản. Hiện, quy mô sản xuất công nghiệp của thành phố giữ vị trí thứ hai của vùng đồng bằng sông Cửu Long (sau Long An), chiếm 17,4% giá trị sản xuất toàn vùng.

Cùng với hoạt động thương mại có bước phát triển mạnh, hiện Cần Thơ cơ bản đã trở thành trung tâm dịch vụ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Công tác xây dựng nông thôn mới được triển khai đồng bộ, tích cực được nhân dân đồng tình hưởng ứng đóng góp cùng Nhà nước xây dựng hiệu quả, vững chắc. Đến cuối 2015, Cần Thơ có 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và 12 xã đạt tiêu chí nông thôn mới.

Hiện, trên địa bàn thành phố có 68 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 956,6 triệu USD.

Nhờ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến nay kinh tế thành phố Cần Thơ có bước phát triển vượt bậc, tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2015 đạt 78.062 tỷ đồng, gấp 3,65 lần năm 2005, nâng tỷ lệ đóng góp tổng giá trị sản phẩm vào toàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long từ 9,36% năm 2005 lên 14,3% năm 2015.

GDP bình quân đầu người từng bước được nâng lên, từ mức 12,4 triệu đồng/người/năm năm 2005 lên 79,4 triệu đồng/người/năm năm 2015.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2005-2015 đạt 99.707 tỷ đồng, tăng bình quân 18,86%/năm, trong đó thu ngân sách nhà nước (theo chỉ tiêu Trung ương giao hàng năm) đạt 54.552 tỷ đồng, tăng bình quân 16,95%/năm, là một trong 13 đơn vị cấp tỉnh trong cả nước và là đơn vị duy nhất trong 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện điều tiết ngân sách về Trung ương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Bí thư Thành ủy Cần Thơ Phạm Văn Hữu đã nêu ra 8 vấn đề còn khó khăn, hạn chế, đó là: chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh chưa cao; kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ; nguồn lực chưa tương xứng với đô thị loại I; các hoạt động công nghệ, giáo dục-đào tạo, văn hóa, văn nghệ, thông tin, truyền thông còn bất cập; quản lí nhà nước còn hạn chế, đặc biệt là trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, đô thị, đất đai, môi trường...

Thành phố Cần Thơ cũng đã đề xuất Trung ương 7 vấn đề, trong đó đề nghị Trung ương có chủ trương cho thành phố được chủ động thực hiện các chính sách ưu đãi hơn để kêu gọi đầu tư như giảm 50% tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các doanh nghiệp đầu tư vào thành phố theo các danh mục thành phố có nhu cầu kêu gọi đầu tư; được sử dụng 100% nguồn thu thuế xuất nhập khẩu thu vượt trên địa bàn để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông (đến năm 2020).

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các bộ, ngành Trung ương, các Ban Đảng, Văn phòng Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ chuẩn bị thêm nội dung để chuẩn bị cho kỳ họp của Bộ Chính trị sắp tới. Trong đó xác định trách nhiệm của Bộ, ngành mình trong thực hiện Nghị quyết 45.

Chủ tịch Quốc hội nhận xét, Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ đã chuẩn bị báo cáo nghiêm túc và báo cáo phản ảnh khá đầy đủ sự phát triển của thành phố Cần Thơ trong 10 năm qua trong thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị; bám sát các nội dung và phương hướng nhiệm vụ phát triển Cần Thơ đến năm 2020 mà Nghị quyết Bộ Chính trị đã nêu ra; đồng thời trình bày khá rõ nét tình hình phát triển ở từng lĩnh vực của Cần Thơ, trong đó có nêu những nét nổi bật.

Về kết cấu, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị nên cần thể hiện khác với kết cấu về báo cáo kinh tế xã hội hằng năm hay báo cáo nhiệm kỳ. Vì thế kết cấu của báo cáo phải bám sát nội dung Nghị quyết 45. Theo đó, phải thể hiện được kết quả thực hiện của các nhiệm vụ mà Nghị quyết 45 đã xác định.Ví dụ như công tác xây dựng thành phố theo hướng văn minh hiện đại đã làm được gì, huy động nguồn lực, kết cấu hạ tầng trong 10 năm qua đã đạt được gì, chưa đạt được gì….

Về nội dung dự thảo báo cáo, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, căn cứ vào mục tiêu phát triển Cần Thơ đến năm 2020, cần đi sâu phân tích đánh giá trong thực hiện từng nhiệm vụ trong 6 nhiệm vụ đã được nêu trong Nghị quyết. Qua đó, nêu bật những thành quả đã đạt được cũng như mức độ so sánh giữa kết quả đạt và chưa đạt, giữa khó khăn và hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị quyết.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị lãnh đạo Cần Thơ hoàn thiện thêm để nâng cao chất lượng báo cáo trước khi trình ra Bộ Chính trị; đề nghị về phương pháp đánh giá, Cần Thơ nên có sự so sánh trước và sau thời điểm 10 năm thực hiện Nghị quyết; so sánh giữa Cần Thơ với 3 thành phố trực thuộc Trung ương là Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ, để thấy độ chênh lệch ở trong cùng một mặt bằng như thế nào và kết quả đạt được trước khi có Nghị quyết 45 và sau 10 năm thực hiện Nghị quyết này.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đối với mỗi phần đánh giá nên phân tích sâu hơn những khó khăn, hạn chế, nhất là những nguyên nhân chủ quan và chỉ ra những vướng mắc cụ thể về cơ chế. Từ đó thấy rõ trách nhiệm thuộc về chính sách pháp luật hay trong quá trình tổ chức thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, trong quá trình thực hiện báo cáo cũng chỉ ra những tác động thuận lợi và không thuận lợi đến thực hiện những mục tiêu Nghị quyết. Ví dụ như thời điểm ban hành Nghị quyết vào năm 2005 chưa đặt vấn đề biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, chưa đề ra chủ trương xây dựng nông thôn mới…

Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, mục tiêu xây dựng thành phố Cần Thơ cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020, theo đó đến năm 2020, nếu tỷ trọng công nghiệp thành phố có tăng trưởng cao thì Cần Thơ vẫn là trung tâm của vùng nông nghiệp, nơi có 60-70% nông dân sinh sống.

Thời gian tới, Cần Thơ xác định rõ phát triển công nghiệp phải cùng với nhiệm vụ xây dựng phát triển nông thôn, sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với du lịch miệt vườn, chú ý yếu tố liên kết vùng với vai trò trung tâm của thành phố Cần Thơ như mục tiêu của Nghị quyết đề ra.

Về nhiệm vụ đề xuất trong 5 năm tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần làm rõ hơn sự phối hợp giữa Đảng bộ, chính quyền Cần Thơ với các Bộ, ngành hữu quan trong thực hiện Nghị quyết. Trong phân tích nguồn lực để thực hiện mục tiêu phải đánh giá rõ việc cân đối nguồn lực, mức hỗ trợ từ Trung ương và sự chủ động nguồn lực của địa phương.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, trong Nghị quyết 45 nêu rõ việc nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ thành trường đại học trọng điểm quốc gia theo hướng phát triển đa ngành để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tuy nhiên Cần Thơ vẫn chưa đạt được bởi vì chưa được đầu tư....Và mong muốn Cần Thơ trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cho Đồng bằng sông Cửu Long cũng chưa thực hiện được… Từ đó, dự thảo Báo cáo cần nêu ra nguyên nhân chủ quan, khách quan của việc chưa đạt được mục tiêu cũng như trách nhiệm của các Bộ ngành.

Trong giải pháp mới cho 5 năm tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch của Cần Thơ trong các lĩnh vực giáo dục, y tế giao thông… cho phù hợp với quy hoạch chung của vùng trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long.

Cơ chế đặc thù cho Cần Thơ, kế hoạch đầu tư trung hạn phải xác định rõ theo tinh thần của Nghị quyết 45. Cùng với đó, báo cáo cần nêu ra những giải pháp cho những tồn tại, bất cập 10 năm qua trong thực hiện Nghị quyết 45.

Nhấn mạnh từ sự cố môi trường biển khu vực miền Trung vừa qua, dự án nhà máy giấy tại Hậu Giang... có thể coi là bài học trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường, trách nhiệm các Bộ, ngành trong quản lý nhà nước, Chủ tịch Quốc hội lưu ý trong xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư, Cần Thơ cần kết hợp hài hòa 3 trụ cột kinh tế, xã hội, môi trường, phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho ý kiến về kiến nghị mua lại dự án BOT, cơ chế đặc thù, chính sách tài chính, đầu tư bổ sung...

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, những kết quả đạt được, những bất cập, khó khăn, bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện Nghị quyết 45 về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước sẽ là bài học quan trọng để Bộ Chính trị đưa ra những định hướng cần thiết trong thời gian tới./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục