“Cần tiến tới một quy mô dự trữ quốc gia đủ mạnh”

Theo Tổng cục Dự trữ Nhà nước, cần phải hình thành quy mô dự trữ quốc gia đủ mạnh; bảo đảm sự điều hành, quản lý, sử dụng nguồn lực dự trữ quốc gia của Nhà nước.
Ngày mai (31/5), được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ trình bày về tờ trình dự án Luật Dự trữ quốc gia trước Quốc hội. Đây là một trong những dự luật rất quan trọng nhằm xây dựng một hành lang pháp lý phù hợp với thực tiễn về tăng cường dự trữ quốc gia trong mọi tình huống cấp bách của đất nước. Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Phan Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước để dư luận có cái nhìn tổng quan về tình hình dự trữ quốc gia hiện nay cũng như tính cấp thiết của việc ban hành dự luật này. -Xin ông cho biết những nét lớn về hoạt động dự trữ quốc gia trong những năm gần đây?Ông Phạm Phan Dũng: Việt Nam ở khu vực thời tiết và thiên tai phức tạp nên hậu quả thiên tai gây ra là hết sức nặng nề đến sản xuất, đời sống nhân dân và môi trường sinh thái. Trước tình hình đó, Chính phủ đã có chủ trương tăng cường dự trữ quốc gia để sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống khẩn cấp xảy ra. Với quy mô quỹ dự trữ quốc gia còn khiêm tốn song Chính phủ đã sử dụng có hiệu quả trang thiết bị, vật tư, hàng hóa dự trữ quốc gia để đáp ứng những yêu cầu cấp bách, trong đó ưu tiên cho nhiệm vụ an sinh xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Căn cứ vào tình hình thực tế các khu vực, vùng, miền trong nước thường hay xảy ra thiên tai, bão, lũ lụt…,và khả năng của Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) cùng các bộ, ngành quy hoạch địa điểm kho, bố trí hợp lý các mặt hàng dự trữ để khi có lệnh của Thủ tướng Chính phủ có thể xuất cấp một cách kịp thời nhăm khắc phục hậu quả thiên tai tại một số địa phương như: cứu trợ khẩn cấp cho đồng bào các vùng lũ lụt miền Trung (năm 1999); Đồng bằng sông Cửu Long (năm 2000); các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên (năm 2001, 2002); các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Đà Nẵng, Phú Yên (năm 2004); và các tỉnh đồng bằng Bắc bộ (năm 2005); xuất cấp gần 80.000 tấn gạo, các loại vật tư cứu hộ, cứu nạn trị giá khoảng 700 tỷ đồng cho 22 tỉnh và thành phố để do khắc phục hậu quả thiên tai, dập dịch bệnh xảy ra trên diện rộng, cứu đói ổn định đời sống nhân dân (năm 2008 – 2009); xuất cấp không thu tiền hơn 48.000 tấn gạo hỗ trợ đồng bào 20 tỉnh vào dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt, xuất vắcxin, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng các loại; xuất trạm nguồn điện để phục vụ quốc phòng biển đảo; xuất thiết bị chống bạo loạn đảm bảo an ninh trật tự… (năm 2010). Số lượng hàng dự trữ quốc gia xuất cấp theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ qua các năm bao gồm: hơn 300 ngàn tấn gạo, gần 20 triệu liều vắcxin, 532.000 chiếc phao cứu sinh, 662 bộ xuồng cao tốc, hơn 20.000 bộ nhà bạt các loại, 140 bộ thiết bị chữa cháy, 113 xe ôtô đặc chủng; 224 ngàn lít thuốc sát trùng, 2.800 tấn hóa chất, hơn 7.000 tấn giống cây trồng, trên 4.000 tấn muối và nhiều trang thiết bị, vũ khí phòng chống bạo loan, khủng bố. Mặt khác, hàng dự trữ quốc gia tạm xuất, tái nhập phục vụ nhiệm vụ an ninh, quốc phòng đã hỗ trợ các lực lượng chuyên ngành tổ chức an toàn nhiều sự kiện chính trị, xã hội và phục vụ quan hệ đối ngoại của nước ta trong thời gian qua. Ngoài ra, Nhà nước đã sử dụng nguồn lương thực dự trữ quốc gia viện trợ nhân đạo cho nhân dân một số nước gặp khó khăn như Cuba, Campuchia, Indonesia, CHDCND Triều Tiên, Mông Cổ, Angola, Mondavi. Chính nhờ sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ thông qua hoạt động của ngành dự trữ quốc gia và nỗ lực của nhân dân cùng cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể ở các địa phương nên quá trình sản xuất và đời sống của nhân dân trong các vùng bị thiên tai, dịch bệnh nhanh chóng được phục hồi, góp phần ổn định chính trị xã hội. -Với thực tiễn hoạt động của dự trữ quốc gia trong những năm vừa qua là khá hiệu quả, xin ông cho biết vì sao lại đặt vấn đề nâng cấp Pháp Lệnh Dự trữ quốc gia lên thành Luật Dự trữ quốc gia?Ông Phạm Phan Dũng: Pháp lệnh Dự trữ quốc gia được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành tại kỳ họp thứ 4  khoá XI ngày 29/4/2004, đã tạo khung pháp luật có giá trị pháp lý cao cho hoạt động dự trữ quốc gia. Qua 8 năm thực hiện, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Pháp lệnh dự trữ quốc gia cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế như: Mục tiêu của dự trữ quốc gia chưa đầy đủ; chưa có chính sách khuyến khích tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động dự trữ quốc gia; quy định về bố trí ngân sách chi cho dự trữ quốc gia còn chưa đồng bộ, chưa phù hợp với đặc điểm hoạt động dự trữ quốc gia và quy trình quản lý ngân sách. Một số cơ chế đặc thù về phương thức mua, bán hàng dự trữ không được quy định cụ thể. Bên cạnh đó, một số nội dung của Pháp lệnh không còn phù hợp với các luật được ban hành sau ngày 1/9/2004  như Luật Đấu thầu, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Doanh nghiệp... Từ thực tiễn quản lý, điều hành dự trữ quốc gia trong thời gian qua cho thấy cần phải hình thành quy mô dự trữ quốc gia đủ mạnh; bảo đảm sự điều hành, quản lý, sử dụng nguồn lực dự trữ quốc gia của Nhà nước theo nguyên tắc tập trung, thống nhất, có hiệu lực và hiệu quả xã hội nhằm nâng cao vai trò của dự trữ quốc gia trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Vì vậy, cần phải sớm ban hành Luật Dự trữ quốc gia. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã đề xuất, Quốc hội chính thức đưa Dự án Luật Dự trữ quốc gia vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012. -Xin ông cho biết một số nội dung chính của dự án Luật Dự trữ quốc gia? 
Ông Phạm Phan Dũng:
Dự thảo Luật Dự trữ quốc gia bao gồm 7 Chương và 63 Điều. Nội dung chính của Luật xoay quanh các quy định nhằm mục tiêu chủ động đáp ứng những yêu cầu cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh; góp phần bảo đảm an sinh xã hội để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.  
Trên cơ sở, đó, dự thảo Luật quy định 5 chính sách của Nhà nước về dự trữ quốc gia bao gồm chính sách về: Phát triển dự trữ quốc gia; xây dựng, bố trí tổng mức dự trữ quốc gia đủ mạnh, đáp ứng kịp thời, hiệu quả mục tiêu của dự trữ quốc gia; phát triển khoa học công nghệ, hiện đại hóa hoạt động dự trữ quốc gia; chính sách tài chính, chính sách đãi ngộ phù hợp với đặc thù hoạt động của dự trữ quốc gia; khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động dự trữ quốc gia. Về nội dung quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực dự trữ quốc gia, dự thảo Luật có quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội; quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về dự trữ quốc gia của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ ngành quản lý dự trữ quốc gia và của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các quy định này nhằm làm rõ trách nhiệm cụ thể phù hợp với phân công, phân cấp về quản lý dự trữ quốc gia, tạo điều kiện để các quy định của Luật liên quan đến dự trữ quốc gia được thực hiện thông suốt, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả dự trữ quốc gia. Danh mục hàng dự trữ quốc gia được xác định dựa trên khả năng đáp ứng mục tiêu của dự trữ quốc gia gồm 5 nhóm như sau: Nhóm hàng bảo đảm an ninh kinh tế, an sinh xã hội; Nhóm hàng phục vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, cứu hộ, cứu nạn; Nhóm hàng phục vụ an ninh, quốc phòng và động viên công nghiệp; Nhóm hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh và cấp cứu cho người; Nhóm hàng phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, cây trồng và nuôi trồng thủy sản. Dự thảo Luật cũng quy định chi cho tăng dự trữ quốc gia và mua bù hàng dự trữ quốc gia đã xuất trong năm kế hoạch thuộc nhiệm vụ chi thường xuyên của ngân sách nhà nước. Điểm quan trọng ở đây là việc chuyển chi mua tăng và mua bù hàng dự trữ quốc gia hiện nay đang bố trí ở nhiệm vụ chi đầu tư phát triển sang nhiệm vụ chi thường xuyên cho phù hợp với bản chất của chi mua tăng, mua bù hàng dự trữ quốc gia hàng năm. Việc chuyển nguồn này cũng phù hợp với thực tế điều hành ngân sách nhà nước hiện nay là các khoản chi mua sắm trang thiết bị, tài sản không gắn với các dự án đầu tư của các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương được bố trí trong chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước (việc mua sắm các trang thiết bị, tài sản này vẫn thực hiện thông qua các hình thức đấu thầu, chào hàng cạnh tranh,...). Việc chuyển chi mua tăng, mua bù hàng dự trữ quốc gia từ nhiệm vụ chi đầu tư phát triển sang nhiệm vụ chi thường xuyên của ngân sách nhà nước là cần thiết để thống nhất quản lý mua sắm các trang thiết bị, tài sản không gắn với các dự án đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước; bảo đảm bố trí kinh phí bảo quản, nhập xuất hàng dự trữ quốc gia đồng bộ với vốn mua tăng, mua bù hàng dự trữ quốc gia hàng năm để đáp ứng kịp thời yêu cầu thống nhất quản lý mua sắm trong thực thi nhiệm vụ. Đây là một trong các điều kiện để thực hiện cải cách mạnh về quy trình, thủ tục mua, bán, nhập, xuất sử dụng hàng dự trữ quốc gia trong các tình huống cấp bách đã thể hiện trong dự thảo Luật này. Mặt khác, dự thảo Luật cũng quy định về nguyên tắc mua, bán hàng dự trữ quốc gia phải tuân theo các quy định của pháp luật về đấu thầu, đấu giá; bổ sung các trường hợp áp dụng chỉ định thầu và đấu giá cụ thể trong việc mua, bán hàng dự trữ quốc gia để phù hợp với đặc thù của hoạt động dự trữ quốc gia và thẩm quyền, trình tự thực hiện chỉ định thầu được thực hiện theo quy định của pháp luật đấu thầu... - Xin cảm ơn ông!
Tính đến hết Quý II/2011 tổng mức dự trữ quốc gia đạt khoảng 0,4% GDP, trong đó: Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ nhà nước) giữ 36%, Bộ Công Thương (một số công ty xăng dầu) giữ 36%, Bộ Quốc phòng giữ 13%, Bộ Công an giữ 10%, Bộ NN và PTNT giữ 3%, Bộ Y tế giữ 0,5%, Bộ Giao thông Vận tải giữ 1%, Ban Cơ yếu Chính phủ giữ 0,3%, Đài Tiếng nói Việt Nam giữ 0,27%).

Mặt hàng dự trữ quốc gia chủ yếu là: lương thực (thóc. gạo), xăng dầu, muối ăn, trang thiết bị cứu hộ cứu nạn (xuồng cao tốc các loại, nhà bạt cứu sinh các loại, phao cứu sinh các loại, thiết bị chữa cháy đồng bộ), trang thiết bị và thuốc y tế, vắcxin phòng dịch gia súc các loại, các mặt hàng quốc phòng, an ninh…
P.V (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục