Cần "tiếp sức" cho các nhà khoa học Việt

Lần đầu tiên, các nhà khoa học Việt Nam đã ngồi lại với nhau để góp ý cho việc xây dựng chiến lược phát triển khoa học công nghệ nước nhà trong 10 năm, tại hội thảo "Định hướng và giải pháp phát triển khoa học công nghệ Việt Nam 2010-2020" do tạp chí Tia sáng, tổ chức ngày 8/5, tại Hà Nội.

Lần đầu tiên, các nhà khoa học Việt Nam đã ngồi lại với nhau để góp ý cho việc xây dựng chiến lược phát triển khoa học công nghệ  nước nhà trong 10 năm, tại hội thảo "Định hướng và giải pháp phát triển khoa học công nghệ Việt Nam 2010-2020" do tạp chí Tia sáng, tổ chức ngày 8/5, tại Hà Nội.

Chất lượng đội ngũ làm khoa học yếu

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Châu, Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam cho biết đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ  của Việt Nam theo số liệu năm 2005 là 21.000 người, trong đó có khoảng 5.000 Giáo sư, Phó giáo sư và 15.000 tiến sĩ. Tuy nhiên, chất lượng đội ngũ khoa học công nghệ  rất yếu".

Giáo sư Châu phân tích nếu theo tiêu chí tối thiểu, một nhà khoa học ngoài bằng cấp, còn phải có khả năng nghiên cứu tạo ra sản phẩm khoa học công nghệ  công bố quốc tế, phát minh sáng chế hoặc giải pháp hữu ích thì VIệt Nam chỉ có khoảng 750-1.000 người đạt tiêu chí. Có nhiều nhà khoa học nhưng không làm khoa học mà chuyển sang làm quản lý, lãnh đạo.

Điều kiện làm việc thiếu thốn và khó khăn về kinh phí là những nguyên nhân khiến đội ngũ nhà khoa học Việt Nam yếu kém. Ông Hồ Tú Bảo, cán bộ Viện khoa học công nghệ  tiên tiến Nhật Bản, đồng thời là cán bộ Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam cho rằng, điều kiện nghiên cứu khoa học của ta còn thiếu thốn.

Những năm qua Việt Nam đã đầu tư kinh phí để cải thiện điều kiện nghiên cứu khoa học công nghệ  tại một số cơ sở như lập 17 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, mua một số máy móc đắt tiền đặt ở một vài nơi nhưng nhìn chung điều kiện nghiên cứu khoa học ở Việt Nam còn thiếu thốn, nhất là những ngành, những loại nghiên cứu đòi hỏi kinh phí cao.

Việt Nam chưa có môi trường đồng bộ và cũng chưa đầu tư một cách thích hợp. Tham luận của ông Đỗ Tú Bảo cho thấy: Ở Việt Nam hiện nay, còn hiện tượng những người xuất sắc về khoa học công nghệ  phải kiếm sống bằng những việc không liên quan đến sở trường và nghề nghiệp chính của họ.

Do đó phải làm sao để phụ cấp cho những người này ở mức đủ cao để họ tập trung vào nghiên cứu khoa học, quy tụ và lập được nhóm nghiên cứu của mình và chịu trách nhiệm về những nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể với Nhà nước, dưới dạng các chương trình và đề tài.


Xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh

"Khi kinh phí khoa học công nghệ  của Việt Nam còn ít, chưa đủ tài trợ cho mọi người làm nghiên cứu thì trước hết dành tài trợ kinh phí cho những người giỏi nhất có chuyên môn phù hợp với những việc đất nước đang rất cần", ông Đỗ Tú Bảo gợi ý.

Ông Bảo cũng phân tích để làm tốt việc được giao, những người này cần xây dựng được nhóm nghiên cứu của mình. Giả sử tìm được 100 người như vậy trên cả nước, đầu tư cho họ xây dựng 100 nhóm nghiên cứu mạnh, họ được làm việc với điều kiện đủ tốt, các thành viên và người đứng đầu có phụ cấp bằng vài lần mức lương hiện nay, thì khả năng những nhóm này hoàn thành những nhiệm vụ được giao và cam kết là rất lớn.

Cùng ý kiến này, Giáo sư Nguyễn Ngọc Châu cho rằng trước mắt có thể thành lập 750 - 1.000 phòng thí nghiệm do những người đủ tiêu chuẩn khoa học công nghệ  đứng đầu. Người đứng đầu được quyền lựa chọn đội ngũ nghiên cứu của mình khoảng 10 - 15 người. Cấp giấy xác nhận phòng thí nghiệm quốc gia cho những phòng này. Trên cơ sở đó, khuyến khích phát triển các phòng thí nghiệm mới do một Giáo sư, một Phó giáo sư mới đứng đầu đáp ứng chuẩn nghiên cứu quốc gia và quốc tế.

Theo ông Đỗ Tú Bảo, để những nhóm nghiên cứu mạnh làm việc tốt, còn cần những chính sách thích hợp để hỗ trợ và tạo động lực cho người làm nghiên cứu khoa học công nghệ. Các chính sách về khoa học và giáo dục của Nhà nước cần đề cao giá trị của các nghiên cứu khoa học chất lượng cao.

Nếu không có sự phân biệt rạch ròi về giá trị của các sản phẩm khoa học, không đề cao những kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ có chất lượng trong việc tuyển chọn các vị trí Giáo sư, Phó giáo sư sẽ hạn chế đóng góp của những lực lượng tinh hoa trong khoa học./.

(Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục