Cần tìm động lực mới

Châu Á cần tìm động lực mới để duy trì tăng trưởng

Lãnh đạo ADB và IMF kêu gọi các nước đang phát triển ở Châu Á tìm động lực tăng trưởng mới thay vì chỉ dựa vào xuất khẩu như hiện nay.
Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) Haruhiko Kuroda cho rằng các nước đang phát triển ở Châu Á cần điều chỉnh mô hình phát triển dựa nhiều vào xuất khẩu của mình và tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới, nếu khu vực muốn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ đã đạt được trong những thập kỷ gần đây.

Phát biểu tại Hội nghị "Duy trì các yếu tố của sự tăng trưởng" diễn ra sáng ngày 6/5 ở Hà Nội, ông Kuroda nhấn mạnh: “Mô hình tăng trưởng có hiệu quả đối với một khu vực thu nhập thấp, thiếu vốn sẽ không phù hợp với một khu vực thu nhập trung bình và dồi dào về vốn.”

Các đại biểu đã thảo luận một loạt các biện pháp cho các nước đang phát triển ở Châu Á trong việc điều chỉnh chiến lược tăng trưởng của mình.

Các biện pháp này bao gồm tăng cường tiếp cận tài chính và củng cố các mạng lưới an sinh xã hội nhằm giảm lượng tiền tiết kiệm dự phòng và kích thích tiêu dùng; tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng – đặc biệt thông qua khuyến khích sự tham gia nhiều hơn của khu vực tư nhân; xóa bỏ những bóp méo trong các chính sách ưu tiên cho sản xuất và xuất khẩu sang các nước bên ngoài khu vực; và ban hành các chính sách khuyến khích giao dịch thương mại trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Ông Naoyuki Shinohara, Phó Giám đốc Điều hành IMF, cũng đánh giá rằng, những thành tựu kinh tế ngoạn mục của Châu Á trong những thập kỷ gần đây chủ yếu bắt nguồn từ các hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu cho các nền kinh tế phát triển.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, sự tăng trưởng chậm của các nền kinh tế G7 đã nhấn mạnh đến nhu cầu của khu vực Châu Á là phải phát triển các thị trường trong nước và khuyến khích giao dịch thương mại nội vùng.

Theo ông Shinohara: “Tăng trưởng ở khu vực châu Á cần phải tạo ra đủ công ăn việc làm trong khu vực tư nhân nhằm thu hút lực lượng lao động thất nghiệp đang gia tăng nhanh chóng về số lượng. Tăng trưởng ở khu vực này cũng cần phải thúc đẩy sự công bằng trong tiếp cận với cơ hội kinh tế cho mọi người dân nhằm hỗ trợ họ nhận thức được giá trị tiềm năng của mình, cũng như cung cấp an sinh xã hội cho đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội.”/.

Xuân Minh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục