Cẩn trọng khi "săn" hàng giá rẻ trên mạng Internet

Việc mua hàng qua mạng đã không còn xa lạ với người tiêu dùng từ nhiều năm nay với nhiều tiện ích đồng thời cũng có nhiều rủi ro.
Cục Thương mại điện tử (Bộ Công Thương) và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam vừa phát động Tuần mua sắm trực tuyến 2011.

Đây được coi là cơ hội để các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến quảng bá, phát triển dịch vụ thương mại điện tử ở Việt Nam.

Tuy nhiên, với tình trạng “trăm người bán, vạn giá mua” trên mạng như hiện nay thì người tiêu dùng luôn luôn có nguy cơ lạc giữa rừng sản phẩm với những lo ngại về chất lượng và chế độ hậu mãi.

Ưu đãi về giá

Việc mua hàng qua mạng (online) đã không còn xa lạ với người tiêu dùng từ nhiều năm nay. Có thể dễ dàng nhận thấy những tiện ích mà dịch vụ này đem lại như chọn lựa sản phẩm ngay tại nhà, lựa chọn giá sản phẩm hợp lý từ nhiều trang mạng, miễn phí công vận chuyển…

Tại các trang web kinh doanh các sản phẩm công nghệ như thegioididong.com, dienmay.com, vienthonga.com…, nhiều sản phẩm đang có giá niêm yết rẻ hơn so với giá bán trực tiếp tại các cửa hàng.

Qua khảo sát tại trang kinh doanh đồ công nghệ online vienthonga.com, điện thoại LG Optimus 3D có giá bán qua mạng chỉ 10,5 triệu đồng, trong khi giá mua trực tiếp từ cửa hàng là 12,5 triệu đồng; hay điện thoại Nokia N9 có giá online chỉ 14,299 triệu đồng, rẻ hơn 500.000 đồng so với giá mua trực tiếp tại cửa hàng của Viễn Thông A…

Tại trang thegioididong.com, giá bán các sản phẩm công nghệ online cũng được niêm yết rẻ hơn khá nhiều so với giá tại cửa hàng.

Cụ thể, một chiếc điện thoại di động iPhone 4 phiên bản 32 gb có giá niêm yết tại cửa hàng 18,999 triệu đồng, nhưng lại được giảm tới 500.000 đồng khi đặt hàng online; chiếc HTC Evo 3D cũng được giảm tới 1 triệu đồng khi khách hàng mua online qua mạng.

Với mặt hàng laptop, chiếc Samsung NP900X3A giảm giá 1,4 triệu đồng/chiếc so với giá niêm yết 34,899 triệu đồng tại cửa hàng của Thế giới di động.

Đại diện Công ty Viễn Thông A cho biết những sản phẩm được bán qua mạng là những sản phẩm chính hãng. Các chế độ bảo hành, hậu mãi hoàn toàn tương tự như khi khách hàng mua trực tiếp tại cửa hàng.

Khách hàng khi mua sản phẩm qua kênh trực tuyến sẽ có giá giảm hơn nhiều so với mua trực tiếp tại cửa hàng do khi triển khai kênh bán hàng này, các trung tâm điện máy, công nghệ tiết kiệm được nhiều chi phí từ việc thuê nhân viên bán hàng, quản lý, hướng dẫn, bảo vệ…

Ngoài ra, chi phí về xây dựng mặt bằng, không gian trưng bày được giảm tới mức tối thiểu; đặc biệt là lượng hàng tồn kho sẽ ít đi do không phải trưng bày sản phẩm, dẫn tới giá thành rẻ hơn khi mua trực tiếp tử cửa hàng.

Giá rẻ - phải cẩn thận

Ngoài trang web online của các công ty kinh doanh đồ điện tử, công nghệ uy tín, hiện cũng có nhiều trang web bán đồ công nghệ, mỹ phẩm, quần áo... không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng hoặc bị trà trộn bán các sản phẩm có chất lượng kém.

Tại các trang muare, raovat…, có thể thấy tình trạng rao bán các sản phẩm đủ chủng loại, mẫu mã. Anh Nguyễn Tiến Đạt, kinh doanh điện thoại iPhone trên trang muare cho biết việc đăng bán một sản phẩm tại trang web này khá đơn giản và không mất phí.

Với một chiếc điện thoại iPhone 4 chính hãng, nếu bán được sẽ cho lãi khoảng 1-2 triệu đồng. Nhưng với những sản phẩm của Trung Quốc hay những sản phẩm đã được “luộc đồ,” người bán thu lãi tới 4-5 triệu đồng.

Anh Đạt cũng cho biết giá bán của các sản phẩm không rõ xuất xứ, từ các công ty, cá nhân không có uy tín thường rẻ hơn giá hàng chính hãng. Nếu không có kinh nghiệm, hiểu biết về sản phẩm, khách dễ mua nhầm hàng giả, hàng kém chất lượng, chỉ đến khi sử dụng, người mua mới biết. Lúc đó, việc mua hàng sẽ trở thành “may thì được, rủi thì chịu,” muốn khiếu nại sau khi mua hàng cũng không được.

Thương mại điện tử đang phát triển mạnh và ngày càng thu hút nhiều người tham gia với không ít địa chỉ mua sắm uy tín của những doanh nghiệp lớn.

Tuy vậy, hàng online chỉ thật sự rẻ đối với những người am hiểu về mặt hàng và có kinh nghiệm mua hàng (nhất là hàng điện tử).

Riêng đối với các loại trang sức, quần áo, giày dép... hầu hết có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan, chỉ số ít là hàng Việt Nam.

Đáng ngại hơn là chất lượng các loại mỹ phẩm, điện tử, điện máy, thuốc giảm cân, thực phẩm chức năng... trên mạng đều được quảng cáo là hàng xách tay, hàng chính hãng 100%, nhưng hoàn toàn không có giấy chứng nhận và không rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ.

Theo giới săn hàng online, để kiếm được một sản phẩm tốt với giá "hời" trên mạng là điều khó. Việc săn hàng online chỉ có thể giảm được 10-20% chi phí so với mua trực tiếp tại cửa hàng.

Với người tiêu dùng không có nhiều hiểu biết về sản phẩm, đặc biệt là các mặt hàng công nghệ, điện máy, mỹ phẩm, thuốc… thì nên mua online tại các gian hàng của các doanh nghiệp lớn với uy tín cao, mặc dù giá có thể cao hơn so với các trang web "tự do," song đổi lại có thể an tâm về chất lượng và chế độ hậu mãi./.

Đức Dũng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục