Cần xây dựng chiến lược phát triển kiểm toán

Việc xây dựng Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước là cần thiết nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên khẳng định việc xây dựng Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước là cần thiết nhằm tạo một bước tiến tích cực về pháp lý, tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành kiểm toán Nhà nước.

Sáng 18/7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phiên họp thứ 21 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XII tập trung cho ý kiến vào dự thảo Luật Dân quân tự vệ; Đề án xây dựng Chiến lược phát triển kiểm toán Nhà nước đến năm 2015 và tầm nhìn 2020; biểu quyết thông qua thay đổi thành viên Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao.

Sau khi nghe ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Đề án xây dựng Chiến lược phát triển kiểm toán Nhà nước đến năm 2015 và tầm nhìn 2020, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đánh giá luật kiểm toán Nhà nước được Quốc hội thông qua và có hiệu lực sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành kiểm toán Nhà nước.

Tuy nhiên, thực tế thi hành Luật và yêu cầu cấp thiết của tình hình hiện nay cho thấy cần xây dựng một đề án Chiến lược phát triển cho ngành Kiểm toán Nhà nước, để đảm bảo vai trò là công cụ kiểm tra, giám sát hữu hiệu, tin cậy của Đảng, Nhà nước trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.

Trên cơ sở ý kiến các thành viên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với việc xác định thời gian cho Chiến lược là từ 2011-2020 và từ nay đến 2011, ngành kiểm toán Nhà nước tiếp tục hoạt động theo thẩm quyền trong phạm vi quy định của pháp luật hiện hành. Thống nhất về mục tiêu chiến lược là xây dựng kiểm toán nhà nước thành công cụ quan trọng của Đảng, Nhà nước để nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng ngân sách, tiền, và tài sản của nhà nước.

Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với tên gọi của Dự thảo Luật Dân quân tự vệ là Luật Dân quân tự vệ và tập trung thảo luận một số vấn đề trong dự luật như phân cấp tổ chức dân quân tự vệ, nguồn kinh phí cho việc xây dựng và hoạt động lực lượng Dân quân tự vệ, quy định về khen thưởng và xử lý vi phạm cho lực lượng Dân quân tự vệ.

Tuy nhiên có một số vấn đề cần làm rõ hơn như phân cấp thẩm quyền quyết định thành lập lực lượng Dân quân tự vệ; kinh phí hoạt động cho lực lượng Dân quân tự vệ; cơ cấu tổ chức lực lượng Dân quân tự vệ tại các đơn vị, cơ quan trung ương; quy định về khen thưởng, kỷ luật đối với lực lượng Dân quân tự vệ phải mang tính đặc thù, gắn với thời gian làm nhiệm vụ dân quân tự vệ.

Phó Chủ tịch Quốc hộiHuỳnh Ngọc Sơn cũng cho rằng, dự luật Dân quân tự vệ phải được hoàn chỉnh phần quy định về Quỹ quốc phòng an ninh theo hướng mở để vừa có tính pháp lý nhưng đảm bảo tính khả thi trên thực tế.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về tờ trình của của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao về việc thay đổi thành viên Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao, Thẩm phán tòa án Quân sự Trung ương và Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Kiểm sát viên Viện kiểm sát quân sự Trung ương.

Thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết nhất trí 100% về đề cử ông Nguyễn Văn Pha, Ủy viên thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thay ông Huỳnh Đảm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở cương vị Ủy viên Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao, Thẩm phán tòa án Quân sự Trung ương và Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Kiểm sát viên Viện kiểm sát quân sự Trung ương.

Cuối buổi làm việc ngày 18/7, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tổng kết hoạt động phiên họp thứ 21 và tuyên bố bế mạc phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục