Cần xử lý triệt để sự ô nhiễm ở mỏ nước Cốc Bó

Chỉ được xử lý một cách tạm bợ nên hiện tại nguy cơ rò rỉ các ao chứa nước thải ở mỏ nước Cốc Bó, tỉnh Cao Bằng là rất cao.
Do hoạt động khai thác khoáng sản tại điểm mỏ Lũng Luông thuộc mỏ Lũng Riệc, xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, Cao Bằng, của Công ty Cổ phần Khoáng sản Nikko Việt Nam, nên vào ngày 11/6/2011, mỏ nước Cốc Bó, xóm Nà Danh, xã Nguyễn Huệ, huyện Hòa An đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Ngay khi sự việc xảy ra, doanh nghiệp đã tạm dừng sản xuất để khắc phục hậu quả. Tuy vậy, từ thời điểm đó đến nay, mỏ nước Cốc Bó vẫn liên tục có hiện tượng đục trở lại, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt cũng như sản xuất của đồng bào tại đây.

Hiện tại, nước từ mỏ Cốc Bó vẫn tuôn ra đục ngầu. Anh Nông Hồng Quân, trưởng xóm Nà Danh bức xúc cho biết trước đây, mỏ nước Cốc Bó rất sạch, chảy quanh năm và là nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt của 53 hộ dân với trên 200 nhân khẩu, đồng thời cũng để tưới tiêu cho hơn 12 ha đất ruộng của đồng bào. Từ khi có hoạt động khai thác khoáng sản ở điểm mỏ Lũng Luông, xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, nguồn nước ở đây đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, không đảm bảo để phục vụ nhu cầu sinh hoạt cũng như sản xuất của bà con.

Xóm cũng không có bể chứa nước công cộng dung tích lớn, nên người dân trong xóm chỉ dùng ống dẫn nước về nhà hoặc đến mỏ gánh nước về để sử dụng. Từ đầu tháng 6 đến nay, mỏ nước Cốc Bó đã bị đục hơn 10 lần, mỗi lần từ 2-3 ngày. Trong những ngày mỏ nước Cốc Bó chưa trong trở lại, người dân trong xóm phải đi xa gần 2km để chở nước về dùng.

Điểm mỏ Lũng Luông nằm ở lưng chừng núi, trên độ cao khoảng 800m so với mực nước biển, là một trong những nơi cung cấp quặng mangan, nguyên liệu chính cho dây chuyền sản xuất Feromangan của Công ty Cổ phần Khoáng sản Nikko Việt Nam hoạt động từ tháng 6/2011. Nhưng chỉ sau 10 ngày khai thác, điểm mỏ này đã xảy ra sự cố như ao chứa nước thải bị sụt, hàng trăm m3 bùn thải đã chảy vào hệ thống hang động cát tơ, ngấm ra môi trường xung quanh.

Ông Nông Văn Hùng, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nam Phong, phụ trách khai thác mỏ Lũng Luông thừa nhận nguyên nhân chính khiến mỏ nước Cốc Bó của xóm Nà Danh nằm ở dưới điểm mỏ này khoảng 2km bị ô nhiễm nghiêm trọng là do bùn thải của đơn vị. Để khắc phục hậu quả môi trường, ngay khi sự cố xảy ra, đơn vị đã tạm ngừng sản xuất, tiến hành lu nèn ao chứa thải, bịt các điểm có thể sụt lún, rò rỉ bùn than; mua hơn 800m2 bạt dứa để lót đáy các ao chứa thải... Từ khi đơn vị tiến hành khắc phục hậu quả của đợt sụt ao chứa thải đã không còn hiện tượng bùn thải ngấm vào môi trường.

Ông Hùng cho rằng, việc nguồn nước Cốc Bó liên tục bị đục là do lượng bùn thải đã bị ngấm vào môi trường từ sự cố vào ngày 11/6/2011, nên vẫn tồn tại trong hệ thống hang động cáttơ gây ra.

Tuy nhiên,  việc xử lý hậu quả môi trường như Hợp tác xã Nam Phong đã làm là chỉ dùng bạt dứa để lót đáy ao, nguy cơ tiềm ẩn sự cố môi trường vẫn còn rất cao. Bởi mỗi ao chứa thải đang chứa hàng nghìn m3 bùn thải đầy đến sát thành ao, liệu các tấm bạt dứa có chịu được áp lực lâu dài hay không? Do đó, Công ty Cổ phần Khoáng sản Nikko Việt Nam cần thực hiện đúng đề án bảo vệ môi trường trong khai thác mỏ, đầu tư xây dựng các ao chứa thải đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật như đã cam kết./.

Ngọc Minh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục