Canada khẳng định bảo vệ quyền lợi của lao động di trú

Chính phủ Canada cam kết làm việc với các đối tác quốc tế để đảm bảo điều kiện làm việc an toàn và công bằng cho lao động di trú.
Canada khẳng định bảo vệ quyền lợi của lao động di trú ảnh 1Công nhân làm việc ở Canada. (Nguồn: Financial Post.com)

Chính phủ Canada cam kết làm việc với các đối tác quốc tế để đảm bảo điều kiện làm việc an toàn và công bằng cho lao động di trú.

Bộ trưởng lao động và địa vị phụ nữ Canada Kellie Leitch đã khẳng định như vậy tại phiên họp toàn thể ngày 10/6 trong khuôn khổ Hội nghị lao động quốc tế lần thứ 103 diễn ra từ 28/5-12/6 tại Geneva, Thụy Sĩ.

Bộ trưởng Leitch cho biết Chính phủ Canada đang hợp tác chặt chẽ với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) nhằm đảm bảo các quyền cơ bản của người lao động.

Nêu bật những thách thức hiện nay đối với công tác bảo vệ quyền lợi người lao động di trú, Bộ trưởng Leitch nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hỗ trợ các doanh nghiệp, người lao động và thân nhân của người lao động. Ngoài ra, bà cũng nhấn mạnh mối quan tâm của nước này trong việc tìm cách thức đảm bảo tiến trình nhập cư lao động diễn ra đúng nguyên tắc và an toàn, chống các hình thức bóc lột như yêu cầu lao động nhập cư phải trả phí cao.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Lao động Canada đồng thời ca ngợi nỗ lực của ILO nhằm giảm thiểu tình trạng cưỡng bức lao động hiện nay trên thế giới.

Theo số liệu chính thức, từ năm 2004, “Chương trình lao động” (LP) của Canada đã cấp kinh phí cho 96 dự án hỗ trợ kỹ thuật nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động tại gần 30 nước với tổng số tiền giải ngân đến nay lên tới hơn 20 triệu CAD.

Ngoài ra, “Chương trình cấp quỹ lao động” (LFP) cũng được cấp kinh phí hoạt động 1,7 triệu CAD cho năm 2014-2015.

LFP có hiệu lực từ tháng 4/2012 nhằm hỗ trợ Canada trong việc đảm bảo an toàn, sức khỏe và bình đẳng cho người lao động tại nơi làm việc, cũng như trong công tác liên quan đến lao động quốc tế.

Hội nghị lao động quốc tế là sự kiện thường niên của ILO với sự tham dự của các đoàn đại biểu đến từ 185 nước thành viên gồm các bộ trưởng lao động, đại sứ, đại diện chính phủ, đại diện người lao động, nhà tuyển dụng và các nhà cố vấn.

Nội dung thảo luận chính tại hội nghị năm nay là các vấn đề lao động đang nổi lên hiện nay, những sáng kiến, giải pháp và phương hướng giải quyết các vấn đề này trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục