Không tham gia sứ mệnh

Canada không tham gia sứ mệnh quân sự tại Mali

Thủ tướng Canada tuyên bố nước này sẽ không tham gia một nhiệm vụ quân sự trực tiếp ở Mali, bất chấp những lo ngại về khủng bố.
Ngày 8/1, Thủ tướng Canada Stephen Harper tuyên bố nước này sẽ không tham gia một nhiệm vụ quân sự trực tiếp ở Mali, bất chấp những lo ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda tại đây.

Tổng thống Benin Thomas Boni Yayi, người đang giữ chức Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU), đã kêu gọi NATO tăng cường thêm lực lượng đến châu Phi để đối phó với tình hình phức tạp trong nước. Theo ông, cộng đồng quốc tế cần có trách nhiệm đối phó với các phần tử khủng bố.

Đáp lại, Thủ tướng Harper cho biết Canada sẽ không xem xét việc đưa quân đội tham gia một nhiệm vụ quân sự trực tiếp ở Mali, thay vì đó nước này sẽ tiếp tục cung cấp viện trợ nhân đạo, đồng thời tham vấn với các đồng minh phương Tây và các quốc gia châu Phi khác để tìm kiếm các giải pháp tốt nhất mang lại hòa bình và ổn định cho nhà nước Tây Phi này.

Theo giới phân tích, tuyên bố của Thủ tướng Harper cho thấy sự rạn nứt rõ ràng giữa AU và không chỉ với Canada mà còn với nhiều quốc gia phương Tây khác, những nước đang lo lắng về sự hiện diện của các chiến binh Hồi giáo ở miền Bắc Mali, nhưng dường như không muốn gia tăng sự trợ giúp. Canada không xa lạ với Mali, với các khoản viện trợ lớn trong 40 năm qua.

Những năm gần đây, Canada còn điều động số đông binh sỹ trong lực lượng đặc nhiệm đến Mali để hỗ trợ đào tạo quân chính phủ. Tuy nhiên, những nỗ lực đã bị đình chỉ ngay sau khi cuộc đảo chính hồi tháng Ba năm ngoái.

Là một trong những quốc gia ổn định và sôi động nhất của châu Phi, Mali đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ sau cuộc đảo chính quân sự. Tình trạng rối ren sau đó đã tạo điều kiện cho lực lượng phiến quân người Tuareg mở rộng kiểm soát các tỉnh sa mạc rộng lớn ở miền Bắc nước này và tuyên bố ly khai, lập ra "Nhà nước Azawad" và áp đặt luật Hồi giáo (Sharia).

[Chính phủ Mali và nhóm phiến quân hoãn hòa đàm]

Cuộc khủng hoảng ở Mali đã trở thành mối quan tâm an ninh đối với các chính phủ phương Tây vốn lo ngại vùng sa mạc rộng lớn của nước này có thể biến thành một nơi huấn luyện các chiến binh Hồi giáo cực đoan.

Tháng 12/2012, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua việc triển khai một lực lượng can thiệp tới Mali nhằm giúp quân đội nước này giành lại phần lớn lãnh thổ đang bị phiến quân Hồi giáo chiếm đóng./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục