Căng thẳng giữa SHB Đà Nẵng và Hội cổ động viên

Mối quan hệ giữa Công ty cổ phần SHB Đà Nẵng và hội cổ động viên từng tạo ra hiệu  ứng “màu cam” năm 2009, đang có nguy cơ đổ vỡ.
Dường như mối quan hệ giữa Công ty cổ phần thể thao SHB Đà Nẵng và hội cổ động viên từng làm nên hiệu  ứng “màu cam” năm 2009 đang đứng trước bờ đổ vỡ. Bên nào cũng có cái sai và rốt cuộc, sự căng thẳng đó chẳng chỉ có hại cho đội bóng.

Mâu thuẫn dai dẳng

Cuối mùa giải, nhìn cảnh ông Chủ tịch Hội cổ động viên SHB Đà Nẵng ra Hà Nội nhận phần thưởng Hội cổ động viên xuất sắc nhất, miệng cười tươi rói, chỉ ước rằng giữa Hội và lãnh đạo Công ty cổ phần thể thao SHB Đà Nẵng thực sự hợp tác với nhau trên cơ sở vì sự phát triển của đội bóng, chứ không “sóng ngầm, sóng nổi” như trước.

Mấu chốt dẫn đến việc “cơm không lành, canh không ngọt” giữa hai bên là Hội cổ động viên bảo phía SHB “lừa” họ, hứa cấp kinh phí hoạt động, nhưng khi được việc rồi thì “quên” không giải ngân kinh phí. Thế là trong mùa giải, đã không ít lần hội cổ động viên làm ầm lên, đòi cắt đuôi SHB, chỉ lấy tên Hội cổ động viên Đà Nẵng.

Phía bầu Hiển thì cho rằng giải ngân không phải đơn giản bằng miệng, mà phải có văn bản từ phía Hội cổ động viên SHB Đà Nẵng. Hội phải có điều lệ hoạt động, có tài khoản…, ”Tôi không tiếc tiền nhưng làm gì cũng phải có giấy tờ, đúng trình tự”- ông Hiển lý giải.

Thế  là lình xình. Kết thúc mùa giải, bầu Hiển vào họp hội cổ động viên ở gầm cầu thang khán đài A, hai bên vẫn không tìm được tiếng nói chung. Khi phía dưới xôn xao đòi hỏi quyền lợi, bầu Hiển lạnh tanh: “ai biểu các anh đòi cắt đuôi SHB”, rồi ra thẳng xe rời buổi họp. Báo hại ông Tổng giám đốc Bùi Xuân Hòa ở lại bị cổ động viên mắng không tiếc lời, ném trả áo hội cổ động viên với tuyên bố tẩy chay!

Cuộc chạy đua tranh “quyền lực”

Mới  đây, Hội cổ động viên SHB Đà Nẵng (những thành viên cũ năm 2009) đã lập một đề án thành lập Hội cổ động viên Đà Nẵng, bỏ hẳn tên SHB, gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng, sau đó đề án được chuyển sang Sở Nội vụ Đà Nẵng hiện đang xem xét.

Được biết, họ đã tìm được một số nhà tài trợ với số tiền lên đến nửa tỷ đồng. Nếu được Sở Nội vụ, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đồng ý, thì từ năm 2010 trở đi, tất cả băng rôn biểu ngữ hay khẩu hiệu cổ vũ đều chỉ dành cho bóng đá Đà Nẵng, không liên quan đến cái tên SHB.

Ngay lập tức, phía SHB cũng gửi một lá đơn tới Sở Nội vụ đề nghị xem xét lại những “động cơ” của hội cổ động viên chưa được công nhận chính thức. Đội bóng đá chuyển giao cho SHB, không ai được phép dùng thương hiệu SHB Đà Nẵng để kêu gọi tài trợ hoạt động riêng. Đồng thời, cũng xin phép thành lập Hội cổ động viên SHB Đà Nẵng với một nhóm thành viên mới, kể cả những ai trong nhóm hội cổ động viên cũ thấy có thiện chí với SHB Đà Nẵng cũng có quyền sinh hoạt.

Nếu được đồng ý, bầu Hiển cũng sẽ có tên trong thành phần chủ chốt. SHB Đà Nẵng cũng tuyên bố nếu hội cổ động viên kia được các cơ quan chức năng thành phố Đà Nẵng đồng ý cho hoạt động, có con dấu tài khoản riêng, phía Công ty cổ phần thể thao SHB Đà Nẵng không chịu trách nhiệm về các hành vi liên quan.

Một cuộc chạy đua không mấy hay ho giữa hai bên, chẳng có lợi ích gì cho đội bóng SHB Đà Nẵng nếu tình trạng này kéo dài. Hy vọng, hai bên thực sự ngồi lại với nhau trên cơ sở cầu thị, chịu lắng nghe ý kiến của nhau nhằm hướng đến quyền lợi lớn nhất là đội bóng. Một đội bóng chuyên nghiệp muốn phát triển tích cực không thể tách rời với hội cổ động viên, được ví như “tiền đạo” trong mô hình phát triển của AFC, và ngược lại./.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục