Căng thẳng Hàn Quốc-Nhật Bản: Kẻ tám lạng, người nửa cân

Hàn Quốc đang tìm kiếm một giải pháp trong khuôn khổ phán quyết của Tòa án Tối cao, trong khi Nhật Bản đang bảo vệ một cách tuyệt vọng cơ chế đạt được năm 1965 - một cuộc cạnh tranh khốc liệt.
Biển thông báo "Chúng tôi không bán hàng hóa Nhật bản" được treo tại một cửa hàng ở Seoul, Hàn Quốc ngày 17/7/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Biển thông báo "Chúng tôi không bán hàng hóa Nhật bản" được treo tại một cửa hàng ở Seoul, Hàn Quốc ngày 17/7/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo bình luận của nhật báo The Hankyoreh (Hàn Quốc) ngày 1/7, Cơ quan giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hôm 29/6 vừa qua đã tổ chức cuộc họp đầu tiên để bắt đầu một quy trình giải quyết tranh chấp về kiểm soát xuất khẩu mà Nhật Bản áp đặt đối với Hàn Quốc từ tháng 7/2019.

Tuy nhiên, cuộc họp (được tổ chức theo yêu cầu của nguyên đơn Hàn Quốc) đã bị hoãn vào phút chót do phía bị đơn Nhật Bản kiên quyết từ chối thành lập Ban hội thẩm - giai đoạn đầu tiên của quy trình.

Nhật Bản được cho là đang “ngoan cố” ngăn cản quy trình này khi biết rằng cơ chế này sẽ không thể hoạt động nếu thiếu sự nhất trí của các quốc gia thành viên WTO.

Giữa Hàn Quốc và Nhật Bản hiện cũng tồn tại nhiều bất đồng về một số vấn đề nhạy cảm, bao gồm tranh cãi gần đây về vấn đề xuyên tạc lịch sử liên quan một cuộc triển lãm về đảo Hashima (còn gọi là đảo Battleship, được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào tháng 7/2015), một chứng tích về thời kỳ lao động cưỡng bức giai đoạn trước và trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Hai nước dường như đã bắt đầu quay lại giai đoạn cãi lộn, đánh dấu sự kết thúc “giai đoạn tạm nghỉ” khi đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở khu vực Đông Á từ đầu tháng 3 năm nay.

Ngày 1/7/2020 đánh dấu tròn một năm kể từ khi quan hệ Hàn Quốc-Nhật Bản bắt đầu xấu đi khi Tokyo áp đặt lệnh kiểm soát xuất khẩu đối với 3 mặt hàng vật liệu công nghệ cao sang thị trường Hàn Quốc (gồm khí ăn mòn, nhựa nhiệt dẻo và chất cản màu) - những vật liệu quan trọng được sử dụng trong sản xuất chíp bán dẫn và màn hình.

Theo đó, thay vì được “cấp phép toàn diện,” các doanh nghiệp Nhật Bản phải xin cấp phép từng đơn hàng riêng biệt khi xuất khẩu các mặt hàng này sang Hàn Quốc.

Lý do được Tokyo đưa ra là nhằm “trả đũa” phán quyết của Tòa án Tối cao Hàn Quốc yêu cầu doanh nghiệp Nhật Bản bồi thường cho những nạn nhân bị cưỡng ép lao động thời chiến.

Tháng Tám cùng năm, Tokyo cũng loại Seoul khỏi “Danh sách Trắng” các đối tác thương mại được hưởng ưu đãi xuất khẩu.

Đáp lại, Chính phủ Hàn Quốc công bố hủy bỏ Hiệp định chia sẻ thông tin quân sự chung Hàn-Nhật (GSOMIA) và chuyển bất đồng từ vấn đề kinh tế sang vấn đề an ninh quốc gia.

Ba tháng sau đó, Hàn Quốc đã chủ động nhượng bộ để tránh một rạn nứt không đáng có trong quan hệ song phương với Nhật Bản khi công bố hoãn có điều kiện thời hạn hết hiệu lực GSOMIA.

Căng thẳng Hàn Quốc-Nhật Bản: Kẻ tám lạng, người nửa cân ảnh 1Quan chức cấp cao Bộ Thương mại Hàn Quốc (bên phải) trong cuộc đàm phán cấp chuyên viên với những người đồng nhiệm Nhật Bản về việc Tokyo siết chặt quy chế xuất khẩu đối với ba mặt hàng nguyên liệu công nghệ cao sang Seoul, tại Tokyo ngày 12/7/2019. (Ảnh: KYODO/TTXVN)

Tuy nhiên, đến nay vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy mối quan hệ này sẽ được cải thiện.

Các chuyên gia hiện đều chung quan điểm rằng việc hàn gắn và tiến tới bình thường hóa quan hệ song phương Hàn-Nhật đòi hỏi hai bên phải có sự hòa giải và thỏa hiệp liên quan phán quyết mới đây của Tòa án Tối cao Hàn Quốc về việc đền bù cho lao động bị cưỡng bức thời chiến - điểm mấu chốt làm nảy sinh mâu thuẫn giữa Seoul và Tokyo.

[Hàn Quốc gia hạn áp thuế chống bán phá giá đối với thép Nhật Bản]

Tuy nhiên, triển vọng cho một thỏa hiệp như vậy là rất viển vông khi cả hai đều đòi hỏi đối phương phải có sự nhượng bộ trong khi vẫn khẳng định bất đồng này có thể phá hủy lòng tin giữa hai nước.

Sự bế tắc trong các cuộc đàm phán giữa Seoul và Tokyo được minh họa rõ nét bằng cuộc khẩu chiến giữa hai nhà lãnh đạo ngay từ đầu năm nay.

Trong cuộc họp báo nhân dịp Năm Mới, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nhấn mạnh cam kết tìm giải pháp thông qua đối thoại.

Câu trả lời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe 6 ngày sau đó lại mang tính cực đoan hơn khi nhấn mạnh: “Cam kết giữa hai quốc gia cần phải được thực hiện,” theo đó, Thủ tướng Shinzo Abe yêu cầu Hàn Quốc tuân thủ một thỏa thuận yêu sách (Hiệp ước về quan hệ cơ bản giữa Hàn Quốc và Nhật Bản) được ký ngày 12/6/1965, trong đó hai nước tuyên bố tất cả các vấn đề tồn đọng “cuối cùng đã được giải quyết triệt để.”

Giáo sư Yang Gi-ho của Đại học Sungkonghoe (Hàn Quốc) nói: “Kể từ khi đưa ra lời đề nghị đầu tiên vào tháng 6/2019, Chính phủ Hàn Quốc sau đó đã nhiều lần nhắc lại với sự nhượng bộ, song phía Nhật Bản vẫn cố chấp từ chối.”

Mặc dù vậy, Nhà Xanh (Phủ Tổng thống Hàn Quốc) vẫn linh hoạt trong các cuộc thảo luận ngoại giao, chỉ nhấn mạnh vào tiêu chuẩn tối thiểu rằng các công ty Nhật Bản phải thanh toán các khoản tiền đền bù cho các nguyên đơn Hàn Quốc.

Trong khi đó, theo Giáo sư Hideki Okuzono của Đại học Shizuoka (Nhật Bản), “Tokyo cam kết thực hiện theo ‘cơ chế’ đạt được năm 1965, vốn được coi là nền tảng của mối quan hệ hiện nay với Seoul. Thời điểm mà các khoản tiền có được từ hoạt động thanh lý tài sản (vốn thuộc về các công ty Nhật Bản ở Hàn Quốc) được trao cho các nguyên đơn, những nội dung cấu thành thỏa thuận trên sẽ bị vô hiệu hóa.”

Tóm lại, Hàn Quốc đang tìm kiếm một giải pháp trong khuôn khổ phán quyết của Tòa án Tối cao, trong khi Nhật Bản đang bảo vệ một cách tuyệt vọng cơ chế đạt được năm 1965.

Theo nhận định của tờ The Hankyoreh, đây thực sự là một cuộc cạnh tranh khốc liệt và khó có thể đạt được một thỏa hiệp làm hài lòng cả đôi bên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục