Căng thẳng Mỹ-Trung leo thang có thể đẩy nhanh quốc tế hóa đồng NDT

Một khi Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt tài chính đối với Trung Quốc trên phạm vi tương đối rộng và cường độ tương đối mạnh, thì tiến trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ chắc chắn sẽ tăng tốc.
Căng thẳng Mỹ-Trung leo thang có thể đẩy nhanh quốc tế hóa đồng NDT ảnh 1Đồng nhân dân tệ tại một ngân hàng ở Giang Tô, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang Fox News đưa tin, cuối tháng Sáu, Hạ nghị sỹ Mỹ Ann Wagner cáo buộc Trung Quốc tìm cách che giấu nguồn gốc dịch COVID-19, nên bà sẽ cố gắng đưa ra một dự luật để bồi thường cho người dân Mỹ, trừng phạt các quan chức Trung Quốc.

Theo báo Liên hợp buổi sáng, mặc dù dự luật này đã bị đảng Dân chủ phủ quyết khi đưa ra thảo luận ở Quốc hội, nhưng các biện pháp được bà Ann Wagner đề cập trong dự luật rất đáng chú ý.

Các biện pháp này bao gồm đóng băng tài sản của Trung Quốc ở Mỹ để gây sức ép đạt được thỏa thuận bồi thường; cấm các quỹ tiết kiệm của Mỹ đầu tư ở Trung Quốc; hủy bỏ tư cách vay vốn phát triển của Trung Quốc ở Ngân hàng Thế giới (WB), hủy bỏ địa vị “quốc gia đang phát triển” của Trung Quốc trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Cùng với quan hệ Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng, câu hỏi liệu Mỹ có áp dụng các biện pháp trừng phạt tài chính với Trung Quốc hay không đã sớm trở thành chủ đề nóng, và rõ ràng nội bộ nước Mỹ vẫn chưa đạt được đồng thuận.

Đầu tháng 1/2021, Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson của Mỹ (PIIE) công bố báo cáo chính sách có tên gọi “Cảnh báo về các biện pháp trừng phạt tài chính của Mỹ đối với Trung Quốc.”

Báo cáo khuyến nghị Chính quyền của Tổng thống Joe Biden nên thận trọng trong việc áp dụng các biện pháp trừng phạt tài chính đối với Trung Quốc. Trong thời gian chưa đến nửa năm, đã có Hạ nghị sỹ tìm cách thông qua lập pháp để trừng phạt tài chính Trung Quốc, điều này chứng tỏ phe “diều hâu” chống Trung Quốc ở Mỹ đang rục rịch hành động về vấn đề này.

[Trung Quốc bắt đầu tìm cách kiềm chế đà tăng của đồng nhân dân tệ]

Trên thực tế, Mỹ đã sớm áp dụng các lệnh trừng phạt tài chính hạn chế đối các cá nhân và doanh nghiệp Trung Quốc, chẳng hạn trong các vấn đề Tân Cương và Hong Kong (Trung Quốc), Iran.

Do đó, điều đáng quan tâm trong thời gian tới là khi nào thì phạm vi đối tượng trừng phạt sẽ mở rộng, và nội dung trừng phạt tài chính sẽ xuất hiện những thay đổi mới nào. Vấn đề trực tiếp liên quan là Trung Quốc sẽ ứng phó ra sao, áp lực “đứng mũi chịu sào” đối với đồng nhân dân tệ sẽ ngày càng lớn.

Một khi xảy ra tình hình xấu nhất (chẳng hạn như Mỹ cấm các ngân hàng có vốn nhà nước Trung Quốc sử dụng đồng USD), thì liệu đồng nhân dân tệ và cơ sở hạ tầng đồng bộ có thể phát huy toàn bộ chức năng của đồng tiền quốc tế, bảo đảm sự vận hành hiệu quả của nền kinh tế Trung Quốc hay không. Đằng sau câu hỏi này có liên quan đến vấn đề mục tiêu trung và dài hạn của chiến lược quốc tế hóa đồng nhân dân tệ.

Thực tế và dự báo trừng phạt tài chính đối với Trung Quốc

Theo quan điểm của PIIE, trong mấy thập niên qua, Mỹ luôn sử dụng biện pháp trừng phạt kinh tế để gây sức ép với các đối thủ bên ngoài, cách làm này được tăng cường dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama và Donald Trump.

Trước đây, Mỹ thường dựa vào các biện pháp trừng phạt thương mại, nhưng những năm gần đây lại chủ yếu áp dụng các biện pháp trừng phạt tài chính nhằm vào Iran và Nga.

Các biện pháp trừng phạt tài chính bao gồm đóng băng tài sản doanh nghiệp hoặc cá nhân bị trừng phạt, cấm cung cấp viện trợ cho đối tượng bị trừng phạt, ngưng cấp các khoản vay thông qua các tổ chức tài chính quốc tế, cấm các công ty tài chính Mỹ giao dịch với đối tượng bị trừng phạt.

Phương thức trừng phạt tài chính của Mỹ chủ yếu thông qua “Danh sách công dân chỉ định đặc biệt và nhân viên bị cấm” (SDN).

Trường hợp điển hình về tổ chức tài chính của Trung Quốc bị trừng phạt là Ngân hàng Kunlun với nguyên nhân cung cấp dịch vụ tài chính quy mô lớn hoặc hỗ trợ các giao dịch giá trị lớn cho nhiều ngân hàng bị trừng phạt của Iran.

Còn ví dụ tương đối điển hình trong số các cá nhân bị trừng phạt là Trưởng Khu hành chính đặc biệt Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga. Trả lời phỏng vấn báo chí, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga nói rằng không có ngân hàng nào cung cấp dịch vụ cho bà, nên bà phải nhận lương và tiêu dùng mua sắm bằng tiền mặt.

Ngày 5/6, khi gặp gỡ giới truyền thông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga nhấn mạnh, khả năng là cả đời bà sẽ bị Mỹ trừng phạt vì theo kinh nghiệm của những quan chức Iran bị Mỹ trừng phạt, họ sẽ tiếp tục bị trừng phạt ngay cả khi không còn tại vị.

Thực lực tài chính của Mỹ rất mạnh, đồng USD giữ vị trí thống trị tiền tệ quốc tế, quan hệ bất đối xứng và phụ thuộc lẫn nhau giữa Mỹ và các nước khác là nguồn gốc sức mạnh tài chính tiền tệ của Mỹ. Muốn tránh bị trừng phạt, có ba sự lựa chọn.

Một là tuân theo các quy định của Mỹ; hai là cố gắng tách khỏi hệ thống tài chính và tiền tệ của Mỹ (Nga, Iran đã hành động); ba là phát triển thực lực tài chính tiền tệ lớn mạnh đến mức có thể cạnh tranh với Mỹ và đồng USD.

Trong thời gian tới, có bao nhiêu khả năng Mỹ sẽ thực hiện các biện pháp trừng phạt tài chính trên phạm vi rộng hơn và ảnh hưởng lớn hơn đối với Trung Quốc? Khả năng này không thấp, khoảng trên 50%.

Khi phân tích dưới 3 góc độ “thiên, địa, nhân,” có thể thấy “thiên” đại diện cho cơ hội và xu thế lớn, các nhân tố như đại dịch COVID-19 khiến cho thế giới về cơ bản chuyển từ “hợp tác” sang “chia rẽ.”

Nền kinh tế Trung Quốc chuyển đổi sang phụ thuộc vào “tuần hoàn lớn trong nước” (tiêu thụ nội địa). Khi Trung Quốc trở thành đối thủ cạnh tranh số một và mối đe dọa chủ yếu của Mỹ, theo thông lệ Mỹ sẽ từng bước cô lập Trung Quốc, và “tách rời” trong lĩnh vực tài chính có thể là nước cờ cuối cùng của cái gọi là chiến lược “tách rời” kinh tế. 

“Địa” đại diện cho địa chính trị và các điều kiện cụ thể khác, những vấn đề như Đài Loan (Trung Quốc), Hong Kong (Trung Quốc), Tân Cương, nguồn gốc dịch bệnh… đều có thể là lý do tiềm năng cho các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Báo cáo của PIIE đã đề cập rất rõ ràng: “Nên tránh đưa các ngân hàng và thực thể khác có tầm quan trọng hệ thống toàn cầu vào danh sách SDN trong bối cảnh chưa phân tích đầy đủ và kiểm soát những hậu quả tiềm tàng đối với lợi ích của Mỹ và thị trường tài chính quốc tế.”

Trong số 30 ngân hàng có tầm quan trọng trong hệ thống toàn cầu hiện nay, có 4 ngân hàng của Trung Quốc (Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng Công thương, Ngân hàng Xây dựng).

Rất khó để có thể đảm bảo các Tổng thống Mỹ sau ông Joe Biden sẽ không mô phỏng cách mà ông Trump đã làm, ví dụ như phát động một cuộc chiến tranh tài chính tiền tệ với Trung Quốc, giống như cuộc chiến thương mại. 

Mục tiêu trung và dài hạn của chiến lược quốc tế hóa đồng nhân dân tệ

Trung Quốc cần đẩy nhanh tiến trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ. Tuy nhiên, trên thực tế, Bắc Kinh chưa bao giờ đặt mục tiêu phát triển quá cụ thể cho tiến trình này. Nhà kinh tế Mỹ Benjamin Cohen cho rằng đây là biểu hiện của việc Trung Quốc thiếu chiến lược quốc tế hóa đồng nhân dân tệ rõ ràng. Rốt cuộc có cần thiết lập mục tiêu hay không?

Và mục tiêu như thế nào mới mang tính khả thi? Những năm gần đây, ngày càng nhiều chuyên gia và học giả Trung Quốc tham gia phân tích, thảo luận và dự báo vấn đề này. 

Đầu năm 2021, Phó Thống đốc Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) Vương Vĩnh Lợi nhấn mạnh, mục tiêu dài hạn của quốc tế hóa đồng nhân dân tệ là đồng nhân dân tệ chiếm trên 20% tỷ trọng thanh toán và 30% dự trữ quốc tế.

Mục tiêu 10 năm là đến năm 2029 (10 năm lần thứ hai quốc tế hóa đồng nhân dân tệ) tỷ trọng đồng nhân dân tệ trong dự trữ quốc tế sẽ vượt 10%, tương đương với tỷ trọng 10,92% được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ấn định khi đồng nhân dân tệ chính thức được đưa vào giỏ tiền tệ Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) vào năm 2016.

Theo các học giả Trương Minh và Vương Triết, chỉ cần kinh tế Trung Quốc có thể tiếp tục duy trì tăng trưởng tốc độ cao, thị trường tài chính Trung Quốc tiếp tục tăng cường chiều rộng, chiều sâu và tính thanh khoản, thì Trung Quốc có thể tránh nguy cơ xảy ra khủng hoảng hệ thống tài chính.

Đến năm 2030 hoặc 2035, đồng nhân dân tệ có triển vọng vượt qua đồng bảng Anh và đồng yen Nhật trên các phương diện tỷ trọng đồng tiền thanh toán, đồng tiền giao dịch và đồng tiền dự trữ. Khi đó, nhân dân tệ có thể trở thành đồng tiền quốc tế lớn thứ ba chỉ xếp sau USD và đồng euro.

Kết hợp những quan điểm nói trên có thể phát hiện hai điểm đồng thuận. Một là, năm 2029-2030 là một thời điểm then chốt. Hai là, lúc đó đồng nhân dân tệ có thể vượt qua bảng Anh và yen Nhật Bản. Tuy nhiên, có một số quan điểm không đồng ý, đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ đang bước vào một cuộc cạnh tranh chiến lược toàn diện.

Trước hết, tốc độ phát triển từ cạnh tranh đến đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc quyết định tốc độ quốc tế hóa đồng nhân dân tệ. Nếu trạng thái cạnh tranh vượt qua trạng thái đối đầu, thì tiến trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ sẽ tiếp tục phát triển chậm, nghĩa là duy trì tốc độ tăng trưởng hiện nay (dự kiến ít nhất đến năm 2039-2045, đồng nhân dân tệ mới có thể vượt qua bảng Anh và yen Nhật).

Nếu trạng thái đối đầu trở thành xu thế chính, thì tiến trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ sẽ tăng tốc (dự kiến đồng nhân dân tệ có thể vượt qua đồng bảng Anh hoặc yen Nhật trước năm 2029).

Trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung nghiêng về phía đối đầu, ngày 27/3, Trung Quốc và Iran ký thỏa thuận 25 năm. Theo tiết lộ của giới truyền thông quốc tế, thỏa thuận này cho phép Trung Quốc sử dụng đồng nhân dân tệ để mua dầu mỏ của Iran.

Việc sử dụng đồng nhân dân tệ để định giá và thanh toán dầu mỏ có thể tác động trực tiếp đối với địa vị độc quyền của đồng USD trong giao dịch dầu mỏ từ trước đến nay.

Một khi Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt tài chính đối với Trung Quốc trên phạm vi tương đối rộng và cường độ tương đối mạnh, thì tiến trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ chắc chắn sẽ tăng tốc. 

Thứ hai, mức độ phụ thuộc lẫn nhau về tài chính và tiền tệ giữa Mỹ và Trung Quốc mới là công cụ ổn định lớn nhất của quan hệ Mỹ-Trung. Một khi Mỹ sử dụng quyền lực tài chính (cắt đứt kênh huy động vốn), quyền lực tiền tệ (cấm Trung Quốc sử dụng đồng USD) để trừng phạt, thì Trung Quốc buộc phải đáp trả, và việc bán tháo ồ ạt tài sản USD, cấm sử dụng USD trong hoạt động ngoại thương là những biện pháp có khả năng xảy ra.

Khi Mỹ mất đi khách hàng sử dụng USD lớn nhất, thị phần quốc tế của USD sẽ giảm mạnh và thị phần của đồng nhân dân tệ được nâng cao.

Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt là việc đồng nhân dân tệ thực sự trở thành đồng tiền quốc tế có phù hợp với nhu cầu ổn định chính trị trong nước và phát triển kinh tế của Trung Quốc hay không.

Mối quan tâm cốt lõi của Trung Quốc nằm ở trong nước, mục đích là đảm bảo ổn định tài chính trong nước, ổn định tỷ giá đồng nhân dân tệ, kết quả là kiểm soát vốn nghiêm ngặt và nguồn dự trữ ngoại hối (USD) khổng lồ.

Mối quan tâm cốt lõi của Mỹ nằm ở thị trường quốc tế, mục đích là đảm bảo vốn có thể lưu thông toàn cầu và chủ yếu sử dụng USD, kết quả là tài chính toàn cầu không ổn định và núi nợ ngày càng cao. Chỉ cần cục diện này không thay đổi, thì địa vị của USD và đồng nhân dân tệ sẽ không có sự thay đổi cơ bản.

Một vấn đề khác cần thảo luận là chỉ số nào có thể phản ánh rõ hơn thực lực và địa vị của đồng tiền quốc tế, là đồng tiền dự trữ, đồng tiền định giá hay đồng tiền thanh toán? Giới nghiên cứu luôn tranh cãi đối với vấn đề này, đồng thuận cơ bản là cả 3 chỉ số đều rất quan trọng, nếu cần phải chọn chỉ số quan trọng nhất, phần lớn quan điểm cho rằng là địa vị của đồng tiền dự trữ.

Theo số liệu mới nhất của IMF công bố ngày 30/6, trong quý 1/2021, tỷ trọng đồng USD trong dự trữ ngoại hối đã tăng lên 59,5% từ mức 58,9% của quý trước đó, đạt 6.990 tỷ USD. Trong khi đó, đồng nhân dân tệ tăng từ 2,2% lên 2,4%, đạt 287 tỷ USD. 

Dự trữ toàn cầu của đồng USD đạt đỉnh vào quý 2/2001 với tỷ trọng 72,7%, sau đó dần sụt giảm, trong đó một nguyên nhân quan trọng là sự xuất hiện của đồng euro. Đồng euro từng được coi là đồng tiền quốc tế có thể thách thức địa vị của USD, kể từ khi chính thức đưa vào lưu thông năm 1999, dự trữ toàn cầu của đồng euro ghi nhận đạt mức cao nhất 28% vào năm 2009, nhưng đến quý 1/2021, tỷ trọng đã giảm xuống còn 20,6%. 

Điều này cũng đồng nghĩa với việc đồng euro đã thất bại trong cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và châu Âu về địa vị đồng tiền dự trữ, châu Âu không chiếm được thị phần của USD do các nước lớn dự trữ ngoại hối như Trung Quốc, Nhật Bản đang nắm giữ USD…

Xét từ góc độ của đồng nhân dân tệ, tiến trình quốc tế hóa đã diễn ra 12 năm, chiếm được 2,4% thị phần, kết quả này xem ra có phần đáng thất vọng. Tuy nhiên, nếu cộng thêm một điều kiện là Trung Quốc thúc đẩy quốc tế hóa đồng NDT trong bối cảnh kiểm soát vốn nghiêm ngặt, thì quả thực đây là một sự đổi mới đáng chú ý.

Tuy nhiên, xét về dài hạn, nếu muốn đạt được tỷ trọng dự trữ 30%, thì Bắc Kinh cần phải giải quyết vấn đề kiểm soát vốn. 

Tóm lại, mức độ quốc tế hóa của đồng nhân dân tệ hiện có phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế của Trung Quốc trước đây, song hiện nay môi trường bên ngoài đã thay đổi, Mỹ đang chuẩn bị thực hiện các biện pháp trừng phạt tài chính đối với Trung Quốc. Vì vậy, cần chờ xem liệu tiến trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ đã đến lúc cần tăng tốc hay chưa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục