Căng thẳng Nga-Iran sẽ dẫn tới thỏa thuận Mỹ-Israel-Nga về Syria?

Trong số những viễn cảnh có thể nảy sinh, một số nhà phân tích tin rằng sẽ có một thỏa thuận liên quan tới việc Nga đẩy Iran ra khỏi Syria - một yêu cầu then chốt của Mỹ và Israel.
Các lực lượng Syria trong cuộc đụng độ với phiến quân tại khu vực Jabriya, tỉnh Hama, ngày 28/5 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Các lực lượng Syria trong cuộc đụng độ với phiến quân tại khu vực Jabriya, tỉnh Hama, ngày 28/5 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo mạng tin eurasiareview, trong bối cảnh Israel sẽ là nước chủ nhà tổ chức cuộc gặp chưa từng có tiền lệ giữa các cố vấn an ninh quốc gia của Mỹ, Nga và Israel, những nỗ lực trong tuần qua của Ngoại trưởng Đức Heiko Maas và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhằm làm trung gian hòa giải giữa Mỹ và Iran có thể sẽ ít thu hút sự chú ý hơn.

Cuộc gặp giữa các cố vấn an ninh quốc gia, diễn ra trong khi các lực lượng của Syria và Nga liên tục tấn công Idlib - thành trì cuối cùng của lực lượng nổi dậy tại Syria - càng trở nên quan trọng khi quan hệ giữa Moskva và Tehran đang có dấu hiệu căng thẳng.

Hàng trăm người đã thiệt mạng và hàng nghìn người bị mất nhà cửa trong các cuộc tấn công mới đây nhất, mà mục tiêu vẫn là các bệnh viện và khu dân cư.

Trong một động thái được cho là mệnh lệnh chỉ dẫn cho Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã viết một dòng tweet hồi tuần trước: "Có tin Nga, Syria và ở quy mô ít hơn là Iran đang đánh bom tỉnh Idlib ở Syria và xảy ra một cuộc tàn sát bừa bãi nhằm vào những dân thường vô tội. Thế giới đang chứng kiến một vụ giết chóc. Mục đích là gì, bạn sẽ được gì? Dừng lại đi!."

Mặc dù hầu như không ai mong đợi cuộc gặp giữa các cố vấn an ninh quốc gia tại Jerusalem trong tháng này sẽ ngay lập tức đạt được những kết quả, song các quan chức Mỹ và Israel hy vọng rằng cuộc gặp có thể chuẩn bị cơ sở cho một thỏa thuận nhằm làm suy yếu mối quan hệ giữa Nga và Iran và nếu không thể chấm dứt cũng sẽ làm giảm bớt sự hiện diện của Iran ở Syria.

Trong số những viễn cảnh có thể nảy sinh, một số nhà phân tích tin rằng sẽ có một thỏa thuận liên quan tới việc Nga đẩy Iran ra khỏi Syria - một yêu cầu then chốt của Mỹ và Israel - để đổi lấy việc gỡ bỏ ít nhất một số lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu chống lại Nga và Mỹ chấp nhận chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Thủ tướng Israel, ông Benyamin Netanyahu, đã bác bỏ một đề xuất tương tự của Nga vào tháng 11/2018.

Một quan chức cấp cao trong chính quyền Trump nói: "Thực tế là Nga nhận thấy giá trị của các cuộc đối thoại này, họ sẵn sàng làm điều đó một cách công khai, tôi cho rằng điều đó khá là quan trọng. Và do vậy chúng tôi hy vọng rằng họ (người Nga) sẽ tới cuộc gặp với một số đề xuất mới - những đề xuất có thể cho phép chúng tôi đạt được tiến triển."

Các quan chức cho rằng Nga gần đây từ chối bán cho Iran hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 tiên tiến nhất của nước này là bởi điều đó có thể làm gia tăng căng thẳng khu vực và đây là sự ngầm chấp thuận của Nga đối với các cuộc tấn công quân sự của Israel nhằm vào các mục tiêu Iran và Hezbollah (lực lượng theo Hồi giáo dòng Shiite của Lebanon) đang ở Syria, để từ đó mở ra "cánh cửa" có thể đạt được một thỏa thuận.

Iran đã phủ nhận việc muốn mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga, trong khi đó, Nga chính thức yêu cầu Israel chấm dứt các cuộc tấn công và tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của Syria.

[Moskva: Các biện pháp trừng phạt không cản trở hợp tác Nga-Iran]

Các cuộc thảo luận của ông Bolton với Meir Ben-Shabbat - cố vấn an ninh quốc gia Israel và Nikolay Patrushev - người đứng đầu hội đồng an ninh của Nga, diễn ra ở một thời điểm không thể tồi tệ hơn đối với Iran, khi nước này đang phải chật vật đối phó với những tác động từ các lệnh trừng phạt hà khắc của Mỹ sau khi chính quyền ông Trump năm 2015 rút khỏi thỏa thuận quốc tế nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Tehran.

Trong một bài phân tích được đăng hồi tháng trước bởi Viện Nghiên cứu an ninh quốc gia (INSS) ở Tel Aviv, hai nhà phân tích Udi Dekel và Carmit Valensi đã lập luận rằng bất chấp những tuyên bố công khai trái ngược, Nga cũng giống Israel, phản đối việc các lực lượng Mỹ rút khỏi Syria.

Sau tuyên bố ban đầu hồi tháng Hai vừa qua về việc rút toàn bộ quân, ông Trump đã đồng ý để hàng trăm lính Mỹ ở lại Syria.

Ông Dekel và bà Valensi cho rằng việc Mỹ rút quân sẽ giúp Iran mạnh lên và buộc Nga phải cho phép Iran kiểm soát các giếng dầu ở miền Đông Syria.

Viết trên tờ Haaretz, nhà báo Zvi Bar’el cho rằng Nga và Iran có quan điểm khác nhau về giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến ở Syria.

Ông Bar’el nói: "Nga không có ý định chỉ đơn giản trả lại Syria cho ông Assad kiểm soát." Ông nói thêm rằng Nga coi Syria là cơ sở để củng cố mối quan hệ gần gũi hơn với vùng Vịnh và Ai Cập.

Ngược lại, Iran hy vọng có thể thu lợi từ những khoản đầu tư lớn vào Syria nhằm duy trì ảnh hưởng của mình ở Lebanon, chống lại các tham vọng trong khu vực của Saudi Arabia và giúp nước này tiếp cận vùng Địa Trung Hải.

Rất nhiều người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột giữa lực lượng phiến quân ủng hộ Iran và các lực lượng Nga ở Aleppo và Deir az-Zor hồi tháng Tư vừa qua.

Có tin tức rằng các lực lượng của Nga tháng trước đã đẩy các tay súng theo Hồi giáo dòng Shiite khỏi các khu vực gần hai sân bay quốc tế của Aleppo và Damascus.

Ibrahim Al-Badawi, một nhà báo người Syria ủng hộ chế độ của ông Assad, đưa tin rằng các lực lượng an ninh của Nga và Syria đã bắt giữa các nhà hoạt động Syria ủng hộ Iran.

Căng thẳng Nga-Iran sẽ dẫn tới thỏa thuận Mỹ-Israel-Nga về Syria? ảnh 1Binh sỹ Syria gác tại thị trấn Kafr Houd, tỉnh Hama, sau khi giành quyền kiểm soát khu vực này từ phiến quân ngày 9/6 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ông Al-Badawi nói thêm rằng việc cải tổ các vị trí cấp cao trong bộ máy an ninh của Syria gần đây là nhằm làm suy yếu vị trí của ông Maher al-Assad - em trai của Tổng thống Assad, chỉ huy lực lượng Vệ binh Cộng hòa và chỉ huy Sư đoàn thiết giáp số 4 của quân đội. Ông Maher al-Assad được cho là một nhân vật rất gần gũi với Iran.

Ông Al-Badawi viết rằng Nga và Iran "mỗi nước đều đang nỗ lực tăng cường ảnh hưởng của mình trong các bộ máy an ninh của Syria và trong các lực lượng dân quân chiến đấu trên chiến trường, trong khi đó cũng tìm cách làm suy yếu ảnh hưởng và sự hiện diện của nước kia...

Những bất đồng (từng) bị che dấu giữa các đồng minh của Syria hiện đang được phơi bày công khai. Không còn là bí mật nữa việc Nga - đáp lại yêu cầu rõ ràng từ vùng Vịnh - mong muốn làm suy yếu sự hiện diện của Iran."

Cuộc đàm phán giữa các cố vấn an ninh quốc gia sắp diễn ra tại Jerusalem có thể sẽ là cuộc thử nghiệm để xem liệu Nga có chấp nhận yêu cầu của Israel hay không về việc không trao cho Syria quyền kiểm soát toàn bộ hệ thống chống tên lửa S-300, tương đương với cụm tên lửa Patriot của Mỹ, mà Moskva đã bán và chuyển giao của Syria.

Các quan chức của Israel đã cảnh báo những người đồng cấp Nga rằng một khi S-300 nằm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của các lực lượng Syria thì hệ thống này sẽ trở thành một mục tiêu hợp pháp.

Israel và Nga cách đấy 4 năm đã nhất trí phối hợp các động thái quân sự liên quan tới Syria nhằm tránh xảy ra tình trạng vô tình bắn lẫn nhau.

Tuy nhiên, Israel năm ngoái đã bác bỏ một đề xuất của Nga nhằm đảm bảo rằng các lực lượng của Iran sẽ không di chuyển vào khu vực cách Cao nguyên Golan 100km.

Cao nguyên này đã bị Israel chiếm đóng trong chiến tranh Trung Đông năm 1967 và gần đây được Mỹ công nhận là lãnh thổ của Israel. Nếu chấp nhận đề xuất này của Nga, có nghĩa là Israel sẽ ngầm công nhận sự hiện diện của Iran ở Syria.

Ông Dekel và bà Valensi nhấn mạnh trong bài phân tích của họ rằng các lực lượng của Israel đã giảm số lượng các vụ tấn công nhằm vào các mục tiêu Iran ở Syria, trong một nỗ lực nhằm nâng cao khả năng tận dụng các căng thẳng giữa Nga và Iran.

Hai tác giả này viết: "Đây là cơ hội cho phép Israel... cùng với Nga và Mỹ... thử tạo ra một công thức và tìm ra những lợi ích chung với hai siêu cường này, trong đó trọng tâm nhất là gia tăng sự ổn định tại Syria, thể chế hóa các cải cách chính phủ ở Syria và giảm ảnh hưởng của Iran tại đây"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục