Căng thẳng Nga-Ukraine có thể lan rộng

Các nhà phân tích và nghiên cứu chính trị Ukraine đánh giá cuộc xung đột Ukraine-Nga từ lĩnh vực ngoại giao có thể lan nhanh sang các ngành khác.
Ngày 17/8, "Báo Độc lập" (Nga), viết rằng các nhà phân tích và nghiên cứu chính trị Ukraine đánh giá cuộc xung đột Ukraine-Nga từ lĩnh vực ngoại giao có thể lan nhanh sang các ngành khác như khí đốt và quân sự-quốc phòng.

Họ cũng cho rằng cuộc xung đột hiện nay với Nga giống như thời kỳ "Cách mạng Cam" năm 2004, có thể phân chia Ukraine thành hai khu vực - một bên là phía Đông và bán đảo Crym thân Nga, còn bên kia gồm các khu vực miền Trung và vùng Zakarpatie thân phương Tây.

"Báo Độc lập" viết Chủ tịch Quốc hội Ukraine Vladimir Litvin ngày 15/8 đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ chia rẽ đất nước thành hai khu vực chống đối nhau. Nói cách khác, Ukraine đang quay lại thời kỳ 2004 với sự phân cực và chia rẽ trong xã hội, gây nguy cơ chia rẽ đất nước.

Để ngăn chặn nguy cơ kể trên, ông Litvin, người đã tuyên bố sẽ ra tranh chức tổng thống mới của Ukraine vào đầu năm 2010, nêu sáng kiến triệu tập kỳ họp của Ủy ban liên nghị viện Ukraine-Nga vào đầu tháng Chín tới.

Mặc dù thời gian cụ thể và địa điểm họp chưa được xác định, nhưng ông Litvin xác nhận Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Sergey Mironov đã ủng hộ sáng kiến này.

Theo ông Litvin, tại kỳ họp này, lãnh đạo quốc hội hai nước có thể xem xét bình tĩnh và kỹ càng những vấn đề đang cản trở quan hệ Ukraine-Nga phục hồi và phát triển.

Trong khi đó, các chuyên gia Ukraine lại nghi ngờ về khả năng Ủy ban liên nghị viện Ukraine-Nga với mỗi đoàn 20 nghị sĩ, có thể làm nên "bước ngoặt" nhằm thay đổi tình thế.

Cũng theo "Báo Độc lập", mới đây, những nhân vật gần gũi Tổng thống Yushchenko đã "gióng chuông báo động" về khả năng "cuộc chiến ngoại giao" Ukraine/Nga sẽ lan sang lĩnh vực khí đốt, bất chấp ngày 15/8, Đại diện tổng thống Ukraine phụ trách các vấn đề an ninh năng lượng quốc tế, ông Bogdan Sokolovskyi, tuyên bố không có cơ sở để xung đột mới về khí đốt có thể xảy ra.

Theo ông Sokolovskyi, hiện các kho chứa ngầm của Ukraine đã được bơm 22 tỷ mét khối khí đốt và Tập đoàn dầu khí Ukraine "Naftogaz" có đủ khả năng trả nợ mua khí đốt đúng thời hạn.

Ông Sokolovskyi khẳng định trong tháng Tám này, Tập đoàn công nghiệp khí đốt của Nga "Gazprom" vẫn tiếp tục cung cấp cho "Naftogaz" lượng khí đốt bằng mức tháng Bảy qua là 3,2 tỷ mét khối.

Trước đó 1 ngày, Thủ tướng Ukraine Yulia Timoshenko thông báo Ukraine đang hoàn thành công tác chuẩn bị "sưởi ấm" cho mùa Đông 2009/2010 với các bể ngầm đã được bơm đầy khí đốt.

Thủ tướng Timoshenko nhấn mạnh lần đầu tiên trong nhiều năm qua, khí đốt hoàn toàn thuộc sở hữu và quyền quản lý của Nhà nước và "Naftogaz". Trước tháng Mười tới, lượng khí đốt tích trữ của Ukraine sẽ đạt mức 27 tỷ mét khối. Nhưng "nguy cơ xung đột" lại xuất phát từ thực tế được thể hiện qua tuyên bố của Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị "Naftogaz" Igor Didenko.

Theo nhà lãnh đạo này, hơn 1/2 lượng khí đốt dự phòng của Ukraine sẽ được sử dụng cho nhu cầu nội địa với giá bán cho các xí nghiệp công nghiệp Ukraine được quy định rất thấp. Trong khi đó, các tổ chức tài chính quốc tế vẫn "tiếp tục thảo luận" và "Naftogaz" vẫn chưa nhận được khoản tín dụng cần thiết để mua thêm khí đốt dự phòng.

Một vấn đề khác nảy sinh là mùa Xuân năm nay, "Gazprom" đã trả trước cho phía Ukraine tiền vận chuyển quá cảnh khí đốt Nga sang Tây Âu vào mùa Đông tới.

Các quan chức cao cấp tại Kiev thừa nhận số tiền đó đã được "Naftogaz" chi hết để thanh toán khí đốt mua của Nga. Giá trung chuyển khí đốt qua lãnh thổ Ukraine trong năm nay được xác định trên cơ sở có tính đến lượng khí đốt trung chuyển bình quân của những năm qua.

Nhưng Ủy ban Thống kê nhà nước Ukraine lại xác nhận khối lượng khí đốt trung chuyển qua lãnh thổ Ukraine đã giảm 37,1% trong thời kỳ tháng 1-tháng 7/2009. Điều đó có nghĩa là khoản tiền trả trước của phía Nga cho việc trung chuyển khí đốt Nga qua lãnh thổ Ukraine sang Tây Âu "còn đủ cho cả nửa năm 2010 tới".

Ông Didenko cho rằng "điều đó làm cho tình hình tài chính của "Naftogaz" đã trầm trọng lại càng trầm trọng thêm". Hiện hai bên chưa có "tranh luận gì" về đề tài này, nhưng nguy cơ xung đột khí đốt thì vẫn rình rập "Naftogaz" như thời gian qua.

Trong lĩnh vực quốc phòng, xung đột Ukraine-Nga có thể bùng nổ do liên quan đến hoạt động của Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (ODKB). Mới đây, nhà Tổng Thư ký ODKB Nikolai Bordiuzha đã đề nghị mở Trung tâm thông tin của ODKB tại thủ đô Kiev của Ukraine, nhưng phía Ukraine từ chối.

Sau khi quyền Ngoại trưởng Ukraine, ông Vladimir Handoghyi, tuyên bố Kiev không có ý định tham gia ODKB, thì Chủ tịch Ủy ban An ninh quốc gia của Quốc hội nước này, ông Anatolyi Grisenko khẳng định do không tham gia Hiệp ước Ta-sken (ám chỉ ODKB), nên trong quan hệ hợp tác quốc phòng và quân sự-kỹ thuật với các nước thành viên tổ chức này, Ukraine chỉ chủ trương phát triển quan hệ hai bên. Vì vậy, Kiev thấy không cần thiết phải thành lập trung tâm thông tin của ODKB trên lãnh thổ Ukraine.

Bài báo viết tiếp: Những vấn đề nổi cộm trên đây không chỉ làm cho ông Litvin phải lo ngại và nêu sáng kiến triệu tập kỳ họp của Ủy ban liên nghị viện Ukraine-Nga.

Có tin vào tháng Mười tới, hai ngoại trưởng Nga và Ukraine cũng sẽ gặp nhau. Một tin khác chưa được kiểm chứng là Thủ tướng Ukraine cũng chuẩn bị thăm Mátxcơva./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục