Căng thẳng ngoại giao tiếp tục leo thang giữa Belarus và Ba Lan

Theo biện pháp mới của Belarus, các xe tải chở hàng hóa của Ba Lan sẽ chỉ có thể vào hoặc rời khỏi Belarus thông qua các cửa khẩu trên biên giới thông thường của hai nước và không thể qua nước thứ 3.
Căng thẳng ngoại giao tiếp tục leo thang giữa Belarus và Ba Lan ảnh 1Các phương tiện xếp hàng dài chờ qua cửa khẩu Bobrowniki sau khi Ba Lan đóng cửa khẩu này, ngày 13/11/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 17/2, Belarus thông báo hạn chế các xe tải Ba Lan tiếp cận lãnh thổ nước này và trục xuất một nhân viên liên lạc sau khi Warsaw quyết định đóng một trong ba cửa khẩu với nước này.

Bộ Ngoại giao Belarus đã triệu đại biện Ba Lan tới để bày tỏ phản đối quyết định của Warsaw, gọi đây là hành động đơn phương, thiếu tính nhân đạo.

Theo biện pháp mới của Belarus, các xe tải chở hàng hóa của Ba Lan sẽ chỉ có thể vào hoặc rời khỏi Belarus thông qua các cửa khẩu trên biên giới thông thường của hai nước và không thể qua nước thứ ba như Litva hay Latvia.

Belarus cũng quyết định sẽ giảm nhân viên làm việc tại Lãnh sự quán Ba Lan ở Grodno về mức tương ứng với số nhân viên của Lãnh sự quán Belarus ở thành phố Bialystok của Ba Lan.

Quyết định này đồng nghĩa rằng sẽ có các quan chức ngoại giao Ba Lan bị trục xuất khỏi Belarus.

Bên cạnh đó, thông báo của Bộ Ngoại giao Belarus có đoạn nêu rõ nước này không nhận thấy việc liên lạc viên của Lực lượng Phòng vệ Biên giới Ba Lan hiện diện trên lãnh thổ Belarus là cần thiết.

Sau những động thái trên từ Minsk, Bộ trưởng Nội vụ Ba Lan Mariusz Kaminski chia sẻ trên Twitter rằng nếu phía Belarus muốn tiếp tục hành động theo hướng này và thực hiện những quyết định nêu trên thì Ba Lan cũng sẽ có động thái đáp trả nhằm vào các lái xe tải Belarus.

Trước đó, ngày 9/2, ông Kaminski thông báo nước này sẽ đóng cửa khẩu Bobrowniki với Belarus cho đến khi có thông báo mới để đảm bảo lợi ích quan trọng của an ninh quốc gia.

Thông báo trên trang Twitter, ông Kaminski nêu rõ: "Do lợi ích quan trọng của an ninh quốc gia, tôi quyết định đình chỉ việc qua lại cửa khẩu biên giới Ba Lan-Belarus ở Bobrowniki từ 12h00 ngày 10/2/2023 cho đến khi có thông báo tiếp theo."

Bobrowniki - cách thủ đô Warsaw của Ba Lan 200km về phía Đông Bắc - là một trong những cửa khẩu chính giữa hai nước.

Căng thẳng ngoại giao tiếp tục leo thang giữa Belarus và Ba Lan ảnh 2Cửa khẩu biên giới ở Kuznica, Sokolka, Podlaskie Voivodeship, Đông Bắc Ba Lan ngày 8/6/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Belarus ngày 10/2 cho rằng quyết định của Ba Lan đóng cửa khẩu biên giới giữa hai nước là "vô lý và nguy hiểm," có thể dẫn tới "thảm họa."

Ủy ban Biên giới Belarus nhấn mạnh: "Hành động của chính quyền Ba Lan có thể dẫn đến sự hỗn loạn ở hai bên biên giới."

Trong khi đó, Lực lượng Biên phòng Belarus cho biết sau khi quyết định đóng cửa khẩu biên giới có hiệu lực, chỉ hai cửa khẩu chính dọc biên giới dài 400km giữa hai nước được mở.

[Belarus phản ứng về quyết định của Ba Lan đóng cửa khẩu biên giới]

Với việc đóng thêm một cửa khẩu của Ba Lan, tình hình sẽ trở nên thảm họa khi nhiều người xếp hàng dài tại các cửa khẩu hiện nay khiến lượng người tại hai cửa khẩu còn lại sẽ tăng quá mức.

Đầu tháng 10/2022, hãng tin PAP của Ba Lan dẫn lời một quan chức chính phủ cấp cao của nước này cho biết Ba Lan đã hoàn thành xây dựng hàng rào biên giới với Belarus nhằm ngăn chặn tình trạng nhập cư trái phép.

Trong chia sẻ đăng trên mạng xã hội Twitter, Giám đốc An ninh quốc gia Ba Lan Stanislaw Zaryn viết: “Biên giới Ba Lan được bảo vệ tốt nhất ở châu Âu hiện nay.”

Căng thẳng ngoại giao tiếp tục leo thang giữa Belarus và Ba Lan ảnh 3Binh sỹ Ba Lan tuần tra tại biên giới với Belarus ở làng Tolcze, Podlaskie Voivodeship, Đông Bắc Ba Lan, ngày 8/6/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ba Lan xây dựng hàng rào biên giới nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng di cư bắt đầu từ mùa Xuân năm 2021. Tổng chi phí xây dựng hàng rào biên giới với Belarus vào khoảng 330 triệu euro (hơn 323 triệu USD).

Hàng rào dài 186km, có kết cấu bằng thép cao 5m và phía trên có dây thép gai. Trong giai đoạn đầu tư tiếp theo, Ba Lan dự kiến sẽ bổ sung “hàng rào điện tử” bao gồm hệ thống camera, thiết bị giám sát nhiệt và cảm biến.

Ba Lan đã trở thành nơi trú ẩn chính của những người chống đối Tổng thống Alexander Lukashenko của Belarus.

Warsaw cũng là một trong những lực lượng ủng hộ nhiệt thành nhất của Kiev kể từ khi Nga, đồng minh quan trọng của Belarus, phát động "chiến dịch quân sự" ở Ukraine vào tháng 2/2022.

Quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Ba Lan và Belarus tiếp tục leo thang ngày 8/2 khi một nhà báo gốc Ba Lan bị tòa án Belarus kết án 8 năm tù giam.

Theo Bộ trưởng Nội vụ Ba Lan Mariusz Kaminski, do việc nhà báo này bị kết án tù, ông sẽ đề nghị chính phủ mở rộng danh sách trừng phạt Belarus./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục