Căng thẳng thương mại được thảo luận chính ở Hội nghị cấp cao ASEAN

Lãnh đạo các nước Đông Nam Á sẽ phân tích tác động của căng thẳng thương mại Mỹ-Trung tại Hội nghị cấp cao ASEAN diễn ra trong hai ngày 22-23/6 tới tại Thái Lan.
Căng thẳng thương mại được thảo luận chính ở Hội nghị cấp cao ASEAN ảnh 1(Nguồn: thcasean.org)

Lãnh đạo các nước Đông Nam Á sẽ phân tích tác động của căng thẳng thương mại Mỹ-Trung tại Hội nghị cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) diễn ra trong hai ngày 22-23/6 tới, tại Bangkok của Thái Lan.

Thương mại sẽ là một trong những chủ đề chính trong hội nghị lần này, khi căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã buộc nhiều nhà sản xuất lớn phải chuyển từ Trung Quốc sang Đông Nam Á và phủ bóng lên triển vọng thương mại tự do.

Chuyên gia nghiên cứu Drew Thompson của Trường Chính sách công Lý Quang Diệu ở Singapore cho rằng ASEAN là một trong những bên được hưởng lợi nhiều nhất từ tình hình căng thẳng nói trên.

Nhiều công ty, trong đó có “ông lớn” của thị trường giày chạy bộ Brooks Running Company và nhà sản xuất máy giặt Haier, đã bắt đầu chuyển khỏi Trung Quốc để tìm kiếm những thị trường thân thiện hơn và có mức thuế thấp hơn.

[Trung Quốc kêu gọi Mỹ tạo điều kiện cần thiết cho đàm phán thương mại]

Trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ ngày càng leo thang, Bắc Kinh đang thúc đẩy việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), hiệp định bao gồm 10 nước ASEAN, cùng với Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

Đây là hiệp định kết nối khoảng một nửa dân số thế giới và được xem là cách để Trung Quốc phác họa kiến trúc thương mại ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, sau khi Mỹ quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Những người ủng hộ RCEP hy vọng hiệp định này được ký kết trước cuối năm nay.

Tuy nhiên, không có nhiều kỳ vọng tiến trình đàm phán RCEP sẽ đạt được những bước tiến cụ thể tại Bangkok, dù các nhà đàm phán hiệp định này dự kiến sẽ nhóm họp vào ngày 22/6 tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục