Căng thẳng Trung Đông lắng xuống, dầu thô giảm giá

Sáng 24/9, giá dầu tại thị trường châu Á giảm sâu hơn trong bối cảnh những lo ngại về tình hình căng thẳng tại Trung Đông lắng xuống.
Sáng 24/9, giá dầu tại thị trường châu Á giảm sâu hơn, trong bối cảnh những lo ngại về tình hình căng thẳng tại Trung Đông lắng xuống. Song số liệu kinh tế tích cực từ châu Âu và Trung Quốc đã phần nào giảm bớt đà đi xuống của mặt hàng này.

Tại Sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ New York giao tháng 11/2013 đã giảm 19 xu xuống 103,40 USD/thùng; còn giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn giảm 13 xu xuống 108,03 USD/thùng.

Chuyên gia Teoh Say Hwa, thuộc Phillip Futures, tại Singapore, nhận định sản lượng dầu mỏ của Iran cao hơn và sự cải thiện trong quan hệ Mỹ-Iran đã giúp xoa dịu những lo ngại về sự căng thẳng nguồn cung.

Các quan chức Iraq cho biết quốc gia sản xuất sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai tại Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) này đã khôi phục sản lượng về mức bình thường, sau khi hoàn thành việc sửa chữa các đường ống.

Mới đây, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố sẵn sàng thương lượng với Mỹ về chương trình hạt nhân của nước này.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Teoh, đà giảm của giá dầu đã bị hạn chế trước các số liệu tích cực về kinh tế Trung Quốc và Khu vực đồng euro (Eurozone).

HSBC cho biết trong tháng 9/2013, Chỉ số quản lý sức mua (PMI) của Trung Quốc ở mức cao nhất trong sáu tháng qua (51,2) và của Khu vực đồng euro (Eurozone) lên mức cao nhất trong 27 tháng (52,1).

Trước đó, trong phiên giao dịch 23/9, giá dầu thế giới cũng đi xuống, vào thời điểm những quan ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung tại "chảo dầu" Trung Đông dịu bớt. Chốt phiên này, giá dầu ngọt nhẹ New York giao tháng 11/2013 giảm 1,16 USD xuống 103,59 USD/thùng; còn giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn giảm 1,06 USD xuống 108,16 USD/thùng.

Sau khi Tổng thống Rouhani tuyên bố sẵn sàng thương lượng với Mỹ về chương trình hạt nhân, còn Syria đồng ý phá hủy kho vũ khí hóa học, báo chí Mỹ đã nói đến một thỏa thuận ngoại giao có thể có liên quan đến hai vấn đề lớn hiện nay ở khu vực Trung Đông.

Các chuyên gia đánh giá lợi ích về dầu mỏ đang là động lực lớn thúc đẩy Mỹ đối thoại với Iran. Nhiều người hy vọng nếu cuộc gặp sắp tới giữa những người đứng đầu hai quốc gia này được tổ chức, đây sẽ là những viên gạch đầu tiên của con đường bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ với Iran./.

T.M (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục