Cảnh báo loại tội phạm gọi điện báo nợ cước để lừa đảo

Tình hình tội phạm lừa đảo bằng thủ đoạn gọi điện thông báo nợ cước rồi giả danh các cơ quan pháp luật để đe dọa người dân chuyển tiền vào các tài khoán ATM, đang có dấu hiệu trở lại.

Ngày 25/11, Thượng tá Cao Xuân Lợi - Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tình hình tội phạm lừa đảo bằng thủ đoạn gọi điện thông báo nợ cước, sau đó giả danh các cơ quan pháp luật để đe dọa người dân rồi yêu cầu bị hại chuyển tiền vào các tài khoản ATM để chiếm đoạt, đang có dấu hiệu trở lại trong những tháng gần đây.

Đây là loại tội phạm xuất hiện từ cuối năm 2013 do người Đài Loan (Trung Quốc) cấu kết với người Việt Nam. Tính đến nay, đã có hàng trăm người bị hại với tổng số thiệt hại trên 20 tỷ đồng.

Công an Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã tập trung đấu tranh, bắt giữ và khởi tố hơn 70 bị can, trong đó có 15 đối tượng là người Đài Loan.

Trước đó, vào ngày 22/11, Đội 8 Phòng PC46 phối hợp với Công an quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, bắt khẩn cấp 5 đối tượng nằm trong đường dây giả danh công an gọi điện lừa đảo.

Các đối tượng gồm Liu Wei Chun (34 tuổi, người Đài Loan), Dương Thị Nguyệt (33 tuổi, vợ Chun, ngụ tỉnh Bạc Liêu), Nguyễn Văn Mộng (36 tuổi, ngụ tỉnh Bạc Liêu), Lê Nguyễn Kiều Xuân (30 tuổi, ngụ tỉnh Bạc Liêu), Huỳnh Hoàng Minh (34 tuổi, ngụ tỉnh Bạc Liêu).

Mộng, Xuân, Minh có nhiệm vụ sử dụng chứng minh nhân dân của bản thân và nhiều người khác mở 24 tài khoản tại các ngân hàng. Những tài khoản này được đưa cho Nhựt (chồng cũ của Nguyệt đang bỏ trốn) và Nguyệt để cung cấp cho đường dây lừa đảo sử dụng vào việc nhận, chuyển tiền lừa đảo rồi rút ra chiếm đoạt. Ngoài ra, Nguyệt cũng tự mình “huy động” và cung cấp hơn 40 tài khoản giao cho đồng bọn trong đường dây lừa đảo.

Xa hơn vào ngày 9/11, PC46 cũng bắt 4 đối tượng trong đường dây tương tự, ngụ tại Hải Phòng và Quảng Ninh. Các đối tượng lừa đảo thường rút tiền ở những tỉnh, thành phố rất xa nơi mà bị hại (đa số là ở Thành phố Hồ Chí Minh) sinh sống.

Một điểm đáng lưu ý trong những vụ lừa đảo này là việc các đối tượng có thể dễ dàng mở hàng chục thẻ ngân hàng bằng những chứng minh nhân dân của người khác mà chúng thu gom được.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, trong những trường hợp này, các ngân hàng thương mại đang gặp khó khi mà lượng khách giao dịch hàng ngày rất đông, các ngân hàng không có khả năng phát hiện hay phân biệt chính xác giấy tờ tùy thân của khách hàng là thật hay giả

Ông Minh cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ rà soát lại các quyết định, nếu có chỗ nào chưa chặt chẽ sẽ sớm chỉnh lý, bổ sung, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cần phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan công an.

Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cần quán triệt thủ đoạn của bọn tội phạm cho nhân viên ngân hàng, đồng thời truy cứu trách nhiệm nếu nhân viên làm không kỹ quy trình, vô tình tiếp tay cho bọn tội phạm lừa đảo.

Theo Quyết định số 20/2007/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về Quy chế phát hành, thanh toán, sử dụng và cung cấp dịch vụ hỗ trợ hoạt động thẻ ngân hàng, tại Điều 11 - Điều kiện để sử dụng thẻ, có quy định: Việc sử dụng thẻ phải có hợp đồng sử dụng thẻ giữa chủ thẻ và Tổ chức phát hành thẻ.

Chủ thẻ phải đáp ứng những điều kiện sau: Đối với chủ thẻ chính là cá nhân phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật; trường hợp sử dụng thẻ ghi nợ phải có tài khoản tiền gửi thanh toán mở tại tổ chức phát hành thẻ; các điều kiện khác do tổ chức phát hành thẻ quy định.

Đối với chủ thẻ chính là tổ chức, phải có đủ các điều kiện sau: là pháp nhân; các điều kiện khác do tổ chức phát hành thẻ quy định.

Dựa trên Quyết định này, các ngân hàng thương mại ban hành quy chế phát hành thẻ của mình và theo tìm hiểu được biết, nhiều ngân hàng không hề có quy định nào bắt buộc người mở thẻ chỉ có thể sử dụng chứng minh nhân dân “chính chủ” để mở thẻ.

Điều này phát sinh một thực tế là tại một số ngân hàng thương mại, vì muốn đạt doanh số mở thẻ nhanh chóng, nhiều nơi đã lơ là và dễ bị “mắc bẫy” chiêu bài xưng là nhân viên du lịch đi mở tài khoản cho khách hàng, thầy giáo mở tài khoản cho cả lớp…; bọn lừa đảo có thể mang một lượng lớn chứng minh nhân dân để mở hàng loạt tài khoản.

Đại diện Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình cho biết, trong một vụ án tương tự, Ngân hàng ​Thương mại Cổ phần An Bình đã kịp thời phong tỏa tài khoản chứa số tiền 1,3 tỷ đồng của bị hại khi nhân viên phát hiện được biểu hiện khả nghi của đối tượng tới rút tiền.

Tuy nhiên, vị đại diện cũng thừa nhận “chiến công” này có chút may mắn khi phụ thuộc nhiều vào sự cảnh giác của cá nhân từng nhân viên, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục đào tạo nhân viên giao dịch của mình nắm chắc những thủ đoạn của bọn lừa đảo, nâng cao cảnh giác và kịp thời phối hợp với cơ quan công an.

Chị Lê Thị Tuyết Anh, Phó Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ - Trung tâm kinh doanh của VNPT Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, người dân cần đề cao cảnh giác khi nhận được cuộc gọi nhắc nợ cước

VNPT Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định không nhắc nợ qua hộp thư ghi âm tự động nào. Hàng tháng, nhân viên thu cước sẽ đến từng khách hàng để gửi thông báo cước, nợ cước, thu cước; sau khi thanh toán xong, nhân viên sẽ cung cấp hóa đơn cước dịch vụ cho khách hàng.

Công an Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo những cá nhân đã cung cấp thẻ tài khoản cho các băng nhóm tội phạm sử dụng để nhận, chuyển tiền lừa đảo thì người mở tài khoản sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục