Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh vùng núi phía Bắc, Tây Bắc

Thông tin từ Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung Ương, bão số 3 đổ bộ, đến nay chưa có thiệt hại về người, tuy nhiên hàng nghìn hécta lúa mùa ở các địa phương bị gẫy đổ và nguy cơ lũ lụt trên sông.
Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh vùng núi phía Bắc, Tây Bắc ảnh 1Cơn bão số 11 năm 2013 đã làm tốc mái nhà dân tại Quảng Nam. (Ảnh: Nguyễn Văn Sơn/TTXVN)

Đến 4 giờ rạng sáng ngày hôm nay (17/9), vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 22,0 độ Vĩ Bắc; 105,5 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực Trung du Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7, giật cấp 8, cấp 9.

Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25-30km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.

Theo diễn biến của bão, đại diện Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương nhận định: do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, từ tối ngày hôm qua (16/9) ở các tỉnh Đông Bắc Bắc Bộ đã có mưa vừa, mưa to đến rất to.

Bởi vậy, trên hệ thống sông Hồng–sông Thái Bình từ ngày 17 đến ngày 20/9, sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 3-6m, ở hạ lưu từ 2-3m; lưu lượng lớn nhất đến hồ Sơn La có khả năng lên mức 5.000m3/s, đến hồ Hòa Bình có khả năng lên mức 4.000m3/s.

Mực nước trên sông Thao tại Yên Bái có khả năng lên trên mức báo động 2 (31m), sông Lô tại Tuyên Quang lên trên mức báo động 1 (22m); sông Lục Nam tại Lục Nam lên trên mức báo động 2 (5,3m); sông Cầu tại Đáp Cầu, sông Thương tại Phủ Lạng Thương ở mức dưới báo động 2(5,3m).

Đại diện Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương cảnh báo sẽ có lũ trên hệ thống các sông tại các tỉnh Bắc Bộ. 

Đặc biệt, lũ quét và sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra ở các tỉnh vùng núi phía Bắc và Tây Bắc như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Bắc Kạn, Thái Nguyên.

Theo đại diện Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung Ương, đến nay chưa có sự ghi nhận thiệt hại về người, tuy nhiên hàng nghìn ha lúa mùa tại các địa phương bị gẫy đổ và một số tỉnh, thành xảy ra ngập úng trên diện rộng, một số tàu thuyền lồng bè nuôi trồng thủy sản thiệt hại khi bão số 3 đổ bộ vào bờ.

Tỉnh Quảng Ninh là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh, thiệt hại ban đầu do bão số 3 tính đến 22 giờ ngày 16/9 đã có 5 nhà bị tốc mái (Móng Cái 2 nhà, Đầm Hà 3 nhà), 3 bè cá bị chìm (Vân Đồn), nhiều cây và một số cột điện hạ thế tại thành phố Móng Cái bị đổ và gần 5.000ha lúa vụ Mùa bị đổ.

Tại Hải Phòng, một tàu cá có số hiệu NA9968 neo tránh bão ở đảo Cát Bà bị đứt dây neo. Hiện, Bộ đội Biên phòng Hải Phòng đã tiếp cận đưa người bị thương đi cấp cứu và lai dắt tàu bị nạn về bờ.

Tại một số địa phương khác như Nam Định, các tỉnh vùng đồng bằng  cũng chịu một số ảnh hưởng do mưa lớn gây ngập nhiều khu vực, nhiều diện tích lúa bị ngã đổ, tuy nhiên, do chủ động việc tiêu nước đệm nên tình hình  ngập úng đã được hạn chế.

Hiện, các địa phương đang tiếp tục kiểm tra, thống kê thiệt hại do mưa, bão.

Theo báo cáo của các địa phương, đến 16 giờ ngày hôm qua (16/9), các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình và Nam Định đã di dời 55.002 người ra khỏi các khu vực nguy hiểm, các nhà yếu và trên các lồng bè, khu nuôi trồng thủy, hải sản. Trong số đó, tỉnh Quảng Ninh đã di dời 10.320 người từ Móng Cái đến Quảng Yên; thành phố Hải Phòng đã di dời 14.577 người; tỉnh Thái Bình đã di dời 21.805 người; tỉnh Nam Định đã di dời trên 8.300 người ở các huyện Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Hải Hậu.

Các địa phương và Bộ đội Biên phòng cũng đã thông báo, kiểm tra, hướng dẫn, sắp xếp neo đậu cho 33.829 phương tiện, lồng bè, lều chòi canh, hộ dân ngoài đê nuôi trồng thủy sản, với khoảng 120.568 người từ vĩ tuyến 17 trở lên phía Bắc biết diễn biến của bão vào nơi neo đậu hoặc chủ động di chuyển phòng tránh bão.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục