Cảnh báo nguy cơ Eurozone tan rã trong cuộc suy thoái mới

Khu vực Đồng tiền chung châu Âu cần phải củng cố sức mạnh thông qua các hoạt động cải cách, nếu không sẽ phải đối mặt nguy cơ tan vỡ khi xảy ra một cuộc khủng hoảng kinh tế mới.
Cảnh báo nguy cơ Eurozone tan rã trong cuộc suy thoái mới ảnh 1(Nguồn: thecommentator)

Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cần phải củng cố sức mạnh thông qua các hoạt động cải cách, nếu không sẽ phải đối mặt nguy cơ tan vỡ khi xảy ra một cuộc khủng hoảng kinh tế mới.

Ông Benoit Coeure - một thành viên của Ban Giám đốc điều hành Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã đưa ra cảnh báo trên tại một hội nghị diễn ra ngày 2/2, tại thủ đô Ljubljana, Slovenia.

Tại hội nghị nói trên, ông Coeure dẫn lại báo cáo của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố hồi tuần trước cho thấy tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Eurozone trong năm 2017 là 2,5% - mức tăng mạnh nhất trong 10 năm qua.

Theo đánh giá của ông, đây là dấu hiệu cho thấy kinh tế Eurozone dường như cuối cùng đã thoát khỏi sự ảm đạm kéo dài từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008.

Tuy nhiên, ông cảnh báo nguy cơ Eurozone phải hứng chịu sự tổn thất lớn về kinh tế và xã hội, khi một cuộc suy thoái mới, thậm chí với mức độ nhỏ, xảy ra.

Ông cho rằng đây sẽ là phép thử đối với sức mạnh đoàn kết của khu vực này.

[Tỷ lệ thất nghiệp tại Eurozone xuống thấp kỷ lục trong 9 năm qua]

Mặt khác, theo nhận định của ông, tàn dư của cuộc khủng hoảng tài chính trước đó cho đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm và những vấn đề gốc rễ không thể được tháo gỡ triệt chỉ bằng sự tăng trưởng tích cực về kinh tế trong vài năm.

Quan chức thuộc Ngân hàng Trung ương Pháp này đưa ra ba "tuyến phòng vệ" mà theo ông, các nhà hoạch định chính sách cần củng cố để đảm bảo Eurozone đủ sức chống đỡ trước mọi nguy cơ trong tương lai.

Đó là các thị trường tài chính và ngành dịch vụ trên toàn châu Âu cần gắn kết chặt chẽ hơn trên để đối phó mọi nguy cơ tiềm ẩn mà không cần sự trợ giúp của các nguồn ngân sách.

Tiếp đến, chính phủ các nước cần tạo dựng "khoảng không tài chính," tức là giảm chi ngân sách để xây dựng quỹ dự phòng ứng phó với những biến động.

Sau cùng, Eurozone cần "một công cụ tài chính giúp khu vực này đối phó với các cơn sốc lớn mà không phải phụ thuộc vào ECB."

Ông hối thúc các nước thành viên nhanh chóng thực hiện đề xuất nói trên, bởi theo ông, đây là những giải pháp thiết thực phần nào hỗ trợ ECB thoát khỏi nguy cơ bội chi.

Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008, ECB đã duy trì mức lãi suất thấp kỷ lục, huy động được gần 2.300 tỷ euro từ các chính phủ và trái phiếu, thực hiện đúng cam kết năm 2012 của Chủ tịch ECB Mario Draghi về việc sẽ làm tất cả để bảo vệ Eurozone.

Theo đánh giá của ông Coeure, các nước thành viên Eurozone mới chỉ hành động trong khuôn khổ nhiệm vụ, do đó, nếu không có chương trình cải cách sâu rộng, cuộc khủng hoảng kế tiếp có thể buộc ECB thử nghiệm sức chịu đựng tối đa của thể chế tài chính này.

So với năm 2007 - thời điểm kinh tế toàn cầu bước vào thời kỳ suy thoái- hiện nay, kinh tế Eurozone nói riêng và thế giới nói chung bắt đầu bước vào thời kỳ phục hồi và tăng trưởng trở lại.

Cụ thể, kinh tế Eurozone trong năm 2017 ghi nhận tăng trưởng 2,5% - mức cao nhất trong 10 năm qua, trong khi tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm xuống mức thấp nhất trong cùng thời gian nói trên.

Những thông tin lạc quan này đã mang đến kỳ vọng kinh tế khu vực này sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tiếp theo, song giới phân tích hoài nghi về khả năng tăng trưởng bền vững của những nước này thuộc khu vực này do biến động của tình hình kinh tế, chính trị của mỗi nước thành viên, đặc biệt sau khi Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục