Cảnh báo những nguy cơ với lao động nữ nhập cư

Công việc không ổn định, thu nhập thấp, đời sống tinh thần thiếu thốn là những nguyên nhân chính khiến nữ lao động nhập cư “dễ bị xô đẩy” và rơi vào nguy cơ bị lạm dụng, dụ dỗ tham gia mua bán dâm, tạo cơ hội nảy sinh thuận lợi cho nạn buôn bán người.

Công việc không ổn định, thu nhập thấp, đời sống tinh thần thiếu thốn là những nguyên nhân chính khiến nữ lao động nhập cư “dễ bị xô đẩy” và rơi vào nguy cơ bị lạm dụng, dụ dỗ tham gia mua bán dâm, tạo cơ hội nảy sinh thuận lợi cho nạn buôn bán người.
 
Từ kết quả điều tra của mình, hai tổ chức phi chính phủ là ActionAid Việt Nam và Trung tâm Hợp tác phát triển nguồn nhân lực đã dóng hồi chuông cảnh báo này tại một hội thảo tổ chức ở Hà Nội ngày 19/12.
 
Nghiên cứu được tiến hành tại hai huyện Đông Anh và Gia Lâm (Hà Nội) cho thấy, hầu hết lao động nữ nhập cư còn rất trẻ, chưa kết hôn, di cư vì lý do kinh tế và phần lớn không xác định sẽ di cư lâu dài. Trong số lao động nữ thuộc diện điều tra, có tới tên 65% chưa qua lớp đào tạo nào.
 
Những lao động nữ này phải đối mặt với nhiều vấn đề tại nơi làm việc như sự bảo đảm việc làm thấp, tiền lương thấp, bị làm thêm giờ, không được ký hợp đồng và đóng bảo hiểm xã hội. Tại nơi cư trú, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ thiết yếu còn thiếu, nhiều tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp. Những lao động này cũng ít được tham gia các hoạt động văn hóa và giải trí.
 
Ông Vũ Minh Tiến, trưởng nhóm nghiên cứu, cho rằng sự thiếu bảo đảm các quyền của người lao động nhập cư tại nơi làm việc và nơi cư trú kéo theo hệ lụy tất yếu là tạo môi trường thuận lợi nảy sinh nạn buôn bán người trong cộng đồng lao động nữ nhập cư, nếu không có những hành động thiết thực và hiệu quả.ngay từ bây giờ.
 
Từ thực tế này, nhóm nghiên cứu đã đề xuất 4 nhóm giải pháp, trong đó tập trung nâng cao nhận thức cho chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể về vai trò, trách nhiệm trong giải quyết vấn đề lao động nữ nhập cư; tuyên truyền phổ biến cho lao động nữ nhập cư về vấn nạn buôn bán người đồng thời cung cấp thông tin và kỹ năng cần thiết để họ có thể giải quyết những vấn đề khi xảy ra với mình.
 
Cùng với việc tiếp tục hoàn thiện các chính sách pháp luật đảm bảo quyền của lao dộng nữ nhập cư tại nơi làm việc và nơi cư trú, nghiên cứu cũng kiến nghị chính quyền địa phương cần có chính sách hỗ trợ quan tâm đến lao động nhập cư, đặc biệt khi họ gặp khó khăn vì mất việc làm.
 
Đánh giá cao kết quả nghiên cứu này, ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng đây sẽ là một trong những tài liệu tham khảo cho các cơ quan chức năng của Quốc hội và Chính phủ Việt Nam trong quá trình nghiên cứu xây dựng chính sách pháp luật đảm bảo quyền lợi cho người lao động nhập cư, đặc biệt là lao động nữ tránh khỏi nạn buôn bán người.
 
Theo số liệu của Ban Chỉ đạo liên ngành về phòng chống buôn bán người Việt Nam, từ năm 1998 đến nửa đầu năm 2008, đã có trên 7.000 nạn nhân là phụ nữ và trẻ em bị buôn bán; phần lớn trong số này bị dụ dỗ bằng những lời hứa hẹn có công việc tốt, mức lương cao hoặc được đưa đi làm việc ở nước ngoài./.
 
Hồng Hạnh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục