Cảnh báo về sự chuyển hóa đô thị tại châu Á-Thái Bình Dương

Sự gia tăng số người nghèo thành thị, chi phí sinh hoạt đắt đỏ, tình trạng nhiều người không được tiếp cận các dịch vụ thỏa đáng là một vài trong số rất nhiều thách thức đối với dân cư thành thị.
Cảnh báo về sự chuyển hóa đô thị tại châu Á-Thái Bình Dương ảnh 1Đường phố Jakarta. (Nguồn: Getty Images)

Liên hợp quốc ngày 19/10 đã công bố báo cáo mới về những thay đổi chưa từng có về dân số tại những khu vực đô thị ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi chiếm 17% tổng số siêu đô thị (thành phố lớn có trên 10 triệu dân) của thế giới.

Bên cạnh việc nêu bật những tiến bộ mà khu vực đã đạt được trong tiến trình chuyển hóa đô thị, báo cáo cũng nhấn mạnh đến việc cần phải hành động khẩn cấp để những tiến bộ đó có tính bền vững hơn.

Phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc dẫn báo cáo cho biết mặc dù động lực kinh tế hiện nay tại các đô thị đã giúp làm tăng quy mô tầng lớp trung lưu, song sự bất bình đẳng về thu nhập và khoảng cách giàu nghèo trong xã hội vẫn ngày một lớn.

Việc làm cho thành niên, sự gia tăng số người nghèo ở thành thị, chi phí sinh hoạt ở thành thị ngày một đắt đỏ, tình trạng nhiều người không được tiếp cận các dịch vụ và chỗ ở thỏa đáng là một vài trong số rất nhiều thách thức đang đặt ra đối với dân cư thành thị.

Báo cáo cũng nhấn mạnh đến những thách thức như các cuộc khủng hoảng khói bụi và ô nhiễm nguồn nước tại nhiều thành phố ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Người dân tại những thành phố này cũng dễ bị tổn thương trước thiên tai và những thay đổi khí hậu, đặc biệt người nghèo có nhiều nguy cơ bị thiệt hại nhất. Do đó, các chính phủ khu vực cần có những thay đổi cần thiết để các đô thị có tương lai bền vững hơn, trong đó vai trò của các thành phố phải được gắn với triển vọng phát triển chung của quốc gia, của khu vực và của cả thế giới.

Cũng theo báo cáo trên, tới năm 2018, dự kiến sẽ có tới hơn nửa dân số trong khu vực Á-Thái Bình Dương sống tại các khu đô thị. Tới năm 2040, số dân chuyển đến sinh sống tại các thành phố của khu vực này sẽ là hơn 1 tỷ người và đến năm 2050, dân số thành thị tại khu vực trên sẽ lên đến 3,2 tỷ người.

Hiện, khu vực này có 17 siêu đô thị và tới năm 2030 con số này sẽ là 22 thành phố "khủng."

Báo cáo cũng nhấn mạnh đến Chương trình Nghị sự phát triển bền vững 2030 vừa được Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua, trong đó đảm bảo tính bền vững của tiến trình chuyển hóa đô thị là một trong 17 mục tiêu.

Báo cáo có tên "Tình trạng của các thành phố ở châu Á-Thái Bình Dương trong năm 2015: Tiến trình chuyển hóa đô thị từ số lượng sang chất lượng" do Ủy ban Kinh tế xã hội châu Á-Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (ESCAP) và Tổ chức Định cư con người Liên hợp quốc (UN HABITAT) soạn thảo và công bố nhân dịp Diễn đàn Đô thị châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 6 (APUF-6) diễn ra tại thủ đô Jakarta, Indonesia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục