Cảnh báo việc coi nhẹ an ninh lương thực

Các chuyên gia của Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), các viện nghiên cứu và ngân hàng quốc tế lại lên tiếng cảnh báo các hậu quả nghiêm trọng của nguy cơ coi nhẹ an ninh lương thực trên thế giới hiện nay.

Các chuyên gia của Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), các viện nghiên cứu và ngân hàng quốc tế lại lên tiếng cảnh báo các hậu quả nghiêm trọng của nguy cơ coi nhẹ an ninh lương thực trên thế giới hiện nay.
 
Theo đánh giá của FAO, năm 2009 có hơn 1 tỷ người trên thế giới bị thiếu ăn, so với 963 triệu người năm 2008. Trước khi giá lương thực tăng, bình quân mỗi năm có 850 triệu người thiếu ăn. Sau khi lên tới mức cao nhất vào đầu năm 2008, giá lương thực thế giới đã giảm, nhưng vẫn cao hơn khoảng 19% so với trung bình năm 2006.

Số liệu của FAO cũng cho biết mỗi năm thế giới chỉ cần chi thêm ít nhất khoảng 30 tỷ euro để đẩy lùi nạn đói, bằng cách khuyến khích sản xuất hộ gia đình.
 
Tờ "Thời báo Tài chính" (Anh) chỉ ra rằng cuộc khủng hoảng lương thực, có thể biến thành khủng hoảng cơ cấu nếu không hành động kịp thời, "gây ra những hậu quả nghiêm trọng không chỉ đối với quan hệ thương mại, mà ảnh hưởng cả tới quan hệ xã hội và quốc tế, hai yếu tố tác động trực tiếp tới an ninh và sự ổn định của chính trị quốc tế".

Tại một cuộc hội thảo diễn ra gần đây do Ngân hàng Trung ương Pháp tổ chức, nhiều đại biểu châu Phi đã nhấn mạnh những hậu quả nghiêm trọng mà tình trạng lạm phát giá lương thực có thể gây ra: kích động làn sóng di cư, bạo loạn, chủ nghĩa khủng bố, khuyến khích thay thế cây lương thực bằng thuốc phiện, như tại Tây Phi, hay cướp biển, như ở Somalia, chưa kể các cuộc chiến tranh do nạn đói gây ra.
 
Tại Hội nghị G-20 diễn ra mới đây ở London, an ninh lương thực đã không được đưa lên thành chủ đề ưu tiên, mặc dù Mỹ tuyên bố sẽ tăng gấp đôi viện trợ để tăng sản lượng lương thực tại các khu vực nghèo đói, còn Pháp tỏ ý muốn thành lập một quỹ đầu tư để hỗ trợ phát triển nông nghiệp châu Phi. Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế và chiến lược của Pháp (IRIS), cho biết: "An ninh lương thực đã bị coi nhẹ từ 30 năm nay".

Hai yếu tố gây bất ổn về chính trị có thể phát sinh từ nông nghiệp là bế tắc của cuộc đàm phán trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) kéo dài từ 10 năm nay; mâu thuẫn xã hội do giá lương thực đắt đỏ có thể gây ra làn sóng bất mãn, thách thức sự ổn định của nhà nước.
 
Jaques Carle, Phó Giám đốc Quỹ nghiên cứu MOMA của Pháp tính toán giá một tấn lúa mỳ có thể sẽ dao động từ 80 đến 320 euro trong vài năm tới. Trong những điều kiện như vậy, rất khó hy vọng sản lượng lương thực thế giới ổn định vì nhà sản xuất có xu hướng điều chỉnh lượng hạt gieo căn cứ vào giá cả.

Một vấn đề khác cản trở sự gia tăng sản lượng lương thực và làm tăng các rủi ro biến động giá cả là khả năng vay vốn của người sản xuất bị hạn chế do khủng hoảng tài chính.
 
WTO dự báo trao đổi mậu dịch toàn thế giới sẽ giảm mạnh vào năm 2009. Kịch bản này gây lo ngại cho các nhà nhập khẩu lương thực, trong đó có các nước nghèo. Chủ tịch Ngân hàng các quốc gia Trung Phi Philibert Andzemb nhấn mạnh: "Năm 2008, một số nước có thể đưa ra giải pháp cho an ninh lương thực vì có thặng dư ngân sách nhờ nguồn thu nhập từ dầu mỏ tăng. Nhưng năm 2009, họ không còn khả năng can thiệp đó nữa"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục