Cánh buồm bay qua giấc mơ

Xiếc làm những giấc mơ trong DFS9 thêm kỳ diệu

Sẽ có những giấc mơ bay lên qua hình thể nghệ sĩ xiếc, mỗi ước mơ nhỏ tụ lại trên con thuyền căng buồm lớn ở Đẹp Fashion Show 9.
Xiếc Việt Nam thời gian qua đã gặt hái được nhiều thành công trên trường quốc tế, mở ra hy vọng cho một tương lai tỏa sáng của xiếc Việt. Chính vì vậy, Đẹp Fashion Show 9 (DFS9), một chương trình thời trang hoành tráng được công chúng chờ đợi, đã chọn xiếc để giúp những "giấc mơ Đẹp" trở nên kỳ diệu.

Anh Ngô Lê Thắng - cháu ngoại của người khai sinh ra xiếc Việt Nam hiện đại, cố nghệ sĩ Tạ Duy Hiển. Anh đã được đánh giá là người có nhiều đóng góp quý báu cho nghệ thuật xiếc nước nhà qua việc dàn dựng cũng như dạy những tiết mục có trình độ cao. Nghệ sĩ Ngô Lê Thắng còn là người đã làm cho thế giới biết đến xiếc Việt Nam thông qua những học trò ưu tú của anh.

Phóng viên Vietnam+ đã có buổi trò chuyện với anh nhằm giúp độc giả hiểu hơn về xiếc và biểu diễn xiếc trong DFS9.

- Biết là anh muốn khán giả bất ngờ nên sẽ không muốn tiết lộ nhiều, nhưng xin phép hỏi anh rằng xiếc và thời trang sẽ "kết đôi" thế nào trong DFS9 lần này?  

Nghệ  sĩ Ngô Lê Thắng: Chủ đề của DFS9 là "Giấc mơ" do đó, chúng tôi sẽ thể  hiện những giấc mơ theo kịch bản của chương trình. Đó là những giấc mơ bay lên.

Nói thì đơn giản như thế nhưng đúng là phải xem mới thấy được hết vẻ đẹp của những giấc mơ này. Đó là ngôn ngữ hình thể. Ngôn ngữ nói của tôi hay ngôn ngữ viết của nhà báo cũng không thể tả được.

Chỉ có thể tóm tắt là từng giấc mơ nhỏ sẽ kết hợp thành giấc mơ chung về cái đẹp, về cống hiến và về tình yêu cuộc sống.

Tuy trên sân khấu chỉ có năm nghệ sĩ biểu diễn nhưng chúng tôi lại có tới hàng chục người phục vụ ở phía sau. Nghĩa là xiếc đã đến DFS9 với gần 20 người.

- Thưa anh, thông thường người xem cảm nhận xiếc qua những tiết mục như uốn dẻo, đu bay, lắc vòng... Trong DFS9, sẽ là tiết mục xiếc gì nâng giấc mơ thời trang bay lên?

Nghệ  sĩ Ngô Lê Thắng: Đó chính là cái hay của chương trình. Hay ở chỗ làm xiếc mà không phải là loại tiết mục nào của xiếc. Các nghệ sĩ xiếc dù có cả quá trình làm nghề cũng chưa hề diễn kiểu diễn viên múa như thế. Họ như nghệ sĩ múa đương đại. Song các nghệ sĩ múa đương đại lại không thể leo lên dây để múa, cũng không thể bay lên cùng các dải lụa được.

- Giấc mơ trong DFS9 sẽ gần gũi hay xa vời với khán giả, thưa anh?

Nghệ  sĩ Ngô Lê Thắng: Hai nghệ sĩ nam và ba nghệ sĩ nữ diễn trong chương trình lần này đều có “cái tôi” của mình rất rõ. Đó là thế mạnh riêng, sáng tạo riêng. Tôi ví dụ như về động tác hình thể có nghệ sĩ giỏi co ngắn, lại có nghệ sĩ trườn dài rất đẹp. Năm em là năm hình thái khác nhau, đến mức không dễ gì khen ai hơn ai.

Chính vì vậy, năm nghệ sỹ cùng với những cá tính riêng của mình sẽ đưa lại những giấc mơ nhỏ đa dạng, nhiều chiều, đầy xúc cảm. Mỗi khán giả đều có thể nhận thấy những giấc mơ của riêng mình trong những giấc mơ nhỏ mà các nghệ sỹ thể hiện.

Nhưng những giấc mơ nhỏ lại không tách bạch mà hợp lại trên con thuyền căng buồm ước mơ lớn. Con thuyền nghệ thuật đã đưa cái Đẹp lên ngôi. Chính vì vậy, giấc mơ tuy gần gũi nhưng không tầm thường mà trở nên kỳ diệu, lung linh.

Các nghệ sỹ xiếc sẽ phối hợp cùng các nghệ sĩ múa, các người mẫu để tạo nên một tổng thể thật hiệu quả.

- Nghe anh kể thấy nghề xiếc thật hấp dẫn. Nhưng nhiều người cho rằng, nghề xiếc rất “bạc” bởi tuổi đời của nó quá ngắn. Anh nghĩ sao về điều này?

Nghệ  sĩ Ngô Lê Thắng: Tôi nghĩ, nói nghề xiếc “bạc” cũng không đúng. Theo nghiệp nghệ thuật, thể thao thì đều như vậy. Dù tuổi đời của nghề xiếc có ngắn ngủi thật nhưng đã yêu xiếc thì phải chấp nhận “điều kiện kèm theo” của nó.

Hơn nữa, phải nhìn mặt nữa là tuy ngắn nhưng lại rất rực rỡ, vinh quang. Không chỉ vậy, nếu người diễn viên xiếc có tài và yêu nghề thì sau này có thể trở thành người đào tạo xiếc, tổ chức biểu diễn xiếc. Hoặc ít nhất sẽ  không bao giờ hết việc. Ví dụ như tham gia “phổ biến xiếc” trong huấn luyện nghiệp dư. Học xiếc về làm công tác phong trào ở các câu lạc bộ, các nhà văn hóa của quận huyện cũng rất dễ thành công.

Bởi vì ở trường xiếc học trò được huấn luyện toàn diện về văn hóa, múa, xiếc, thể thao nên có những người học xiếc sau lại chuyển sang làm các lĩnh vực khác. Xiếc là sự kết hợp giữa thể thao và nghệ thuật nên nếu ai là diễn viên xiếc tốt thì sẽ có sức khỏe và thẩm mỹ khá tốt. Bên cạnh đó là những đức tính rất cần trong cuộc sống cũng như sự kiên trì, dũng cảm.

Tuy nhiên, nghề nào cũng có sự đào thải tự nhiên. Chúng ta không nên nhìn những người thất bại nghề xiếc mà nghĩ nghề xiếc không nên theo bởi người thất bại là do họ không kiên trì, không cố gắng. Tôi khẳng định: Ở điều kiện xã hội như bây giờ, một người diễn viên xiếc giỏi, năng động thì có thể sống vui về tinh thần  khỏe về sức lực và mạnh và điều kiện vật chất.

- Được biết các khóa học sinh của anh sau khi ra trường họ đã lưu diễn ở nhiều nơi trên thế giới. Anh có thể điểm tên một vài người đã từng đoạt giải xiếc quốc tế hoặc đang tham gia vào các đoàn xiếc quốc tế?

Nghệ  sĩ Ngô Lê Thắng: Nhiều học sinh của tôi đã đoạt giải ở các Liên hoan xiếc quốc tế và Liên hoan xiếc Việt Nam…Có cháu mới 11 tuổi, tôi còn phải vừa dạy vừa dỗ nhưng cũng có học sinh chỉ kém tôi vài tuổi như Nguyễn Thành Dinh, Lê Trần Vân Anh. Hiện các em cũng đang làm việc tại đoàn xiếc huyền thoại Cirque Du Soleil của Pháp… Hay, gần đây,  trong Liên hoan xiếc ba nước Đông Dương, các học sinh Lào của tôi cũng đã đoạt huy chương vàng ở tiết mục đu quăng…

Học sinh được giải hay không cũng chỉ là một phần. Điều khiến tôi hạnh phúc nhất là dù đã ra trường rất lâu nhưng trò vẫn quý thầy. Thực sự có những khi tôi đã xúc động đến phát khóc. Có người tốt nghiệp từ năm 1994 nhưng đến giờ nhân dịp gì cũng gửi bưu ảnh chúc mừng và động viên thầy…

- Xin trân trọng cảm ơn anh!

Thúy Mơ-Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục