Cánh cửa đàm phán Mỹ-Triều Tiên vẫn chưa khép lại

Mỹ và Triều Tiên càng trì hoãn việc thiết lập một quá trình đàm phán nghiêm túc ở cấp độ làm việc lâu bao nhiêu, thì tình hình trên Bán đảo Triều Tiên sẽ càng khó lường và bất ổn bấy nhiêu.
Cánh cửa đàm phán Mỹ-Triều Tiên vẫn chưa khép lại ảnh 1(Nguồn: Koogle TV)

Theo trang mạng nationalinterest.org, Hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội hôm 27-28/2 vừa qua đã bị dừng lại một cách đột ngột.

Ông Trump đã từ chối lời đề nghị phá hủy Trung tâm nghiên cứu hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên để đối lấy việc giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt quan trọng. Ngược lại, ông Kim Jong-un nói không với lời đề nghị phi hạt nhân hóa hoàn toàn của ông Trump.

Lời đề nghị của ông Trump dường như đang quay lại với các chính sách cứng rắn của những tổng thống Mỹ tiền nhiệm. Và lời đề nghị này hoàn toàn khác biệt với thực tế từ 8 tháng trước, khi Triều Tiên từ chối trao cho Washington một lời tuyên bố hạt nhân, chứ đừng nói đến việc dỡ bỏ vũ khí hạt nhân. Chính sách leo thang sức ép để giảm leo thang nhằm mục đích thúc đẩy Triều Tiên đàm phán nghiêm túc.

Đáng chú ý, kể từ hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội, các tuyên bố của ông Trump và đội ngũ của ông, cùng việc đưa tin về hội nghị thượng đỉnh một cách tích cực của Triều Tiên, cho thấy không bên nào nhận thấy quan điểm của bên kia đã cứng rắn đến mức không thể thay đổi và rằng hai bên vẫn có thể đi đến một thỏa thuận. Thách thức chính là việc phải xác định các bước đi thực tế để các cuộc đàm phán trở về đúng hướng.

Mỹ chỉ đang giả bộ chứ không hề thay đổi chính sách

Sẽ là hợp lý nếu kết luận rằng chính sách Triều Tiên của Mỹ đã thay đổi đáng kể ở Hà Nội. Sau tất cả, thỏa thuận mà ông Trump đề xuất với Kim Jong-un không có sự tương đồng với Tuyên bố chung mà họ đã ký kết tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần đầu tiên diễn ra ở Singapore hồi tháng 6/2018, cũng như chính sách của Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun đã nêu ra 6 tháng trước đó.

Ông Biegun tuyên bố hôm 31/1 tại Đại học Stanford rằng phi hạt nhân hóa sẽ không còn là điểm khởi đầu cho các cuộc đàm phán Mỹ-Triều, và Mỹ sẽ chú ý đến các quá trình xây dựng mối quan hệ mềm mại trong bối cảnh quá trình phi hạt nhân hóa trở nên khó khăn. Washington cũng sẽ theo đuổi “đồng thời và song song” tất cả các cam kết được đưa ra tại Singapore - đây được coi là một cái gật đầu cho cách tiếp cận từng bước mà Bình Nhưỡng vốn ủng hộ từ lâu.

Tuy nhiên, 1 tháng sau, và cũng là thời điểm 1 tuần sau khi hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội diễn ra, Mỹ đã nhấn mạnh rằng phi hạt nhân hóa Triều Tiên phải được thực hiện trước tất cả các bước khác và sẽ bao gồm tất cả các vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) của Triều Tiên - nói cách khác, chính là cả chương trình vũ khí hóa-sinh học lẫn chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Sự đảo ngược hoàn toàn trong chính sách của Mỹ chỉ trong vòng 1 tháng ngắn ngủi đã làm suy giảm lòng tin. Chỉ 2 tuần trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh lần hai, Trump không hề vội vàng đòi phi hạt nhân hóa và nói rằng “chúng tôi chỉ không muốn thử nghiệm (vũ khí hạt nhân)”, tuy nhiên, những tuyên bố này không hề tương đồng với đường lối cứng rắn của ông ở Hà Nội.

Hơn nữa, phía Triều Tiên đã không nhận ra sự thay đổi hoàn toàn trong chính sách của Mỹ, hoặc họ cũng không cáo buộc Washington thay đổi những điều kiện đã được đề ra. Thay vào đó, họ đã đổ lỗi cho Ngoại trưởng và Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ vì đã tạo ra bầu không khí thù địch.

Hơn nữa, sau hội nghị thượng đỉnh, ông Trump thừa nhận sự sẵn sàng phi hạt nhân hóa của ông Kim Jong-un là “một phần lớn” những gì Mỹ muốn, và ông Trump cùng Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã rất khó khăn để mô tả các cuộc đàm phán là hữu ích.

Bình Nhưỡng, mặc dù gần đây đe dọa từ bỏ các cuộc đàm phán và tiếp tục thực hiện các vụ thử nghiệm hạt nhân tên lửa, cũng ca ngợi mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo. Rõ ràng việc này là cách để hé mở cánh cửa cho các cuộc đàm phán.

Các bước tiếp theo để đưa các cuộc đàm phán Mỹ-Triều trở lại đúng hướng

Câu hỏi được đặt ra hiện giờ là nên sử dụng chính sách của bên nào để làm cơ sở cho các cuộc đàm phán. Trong số hai đề xuất trên bàn đàm phán, cái của Triều Tiên có vẻ thực tế hơn.

Đại sứ Chris Hill, người đứng đầu các cuộc đàm phán của Triều Tiên dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush, gần đây đã lập luận rằng đề nghị của ông Kim Jong-un rất đáng để nghiên cứu. Việc tháo dỡ hoạt động sản xuất plutonium tại Yongbyon sẽ loại bỏ một con đường dẫn đến việc chế tạo bom hạt nhân và là điểm khởi đầu để giải quyết tất cả việc sản xuất vật liệu phân hạch. Việc đưa các cơ sở sản xuất vào diện tháo dỡ, được xác minh bởi các thanh tra viên quốc tế, quan trọng hơn việc nhận được một tuyên bố về các chương trình hạt nhân của Triều Tiên, điều sẽ cung cấp cho Mỹ một tờ giấy, song chẳng có gì cụ thể trong đó.

Cánh cửa đàm phán Mỹ-Triều Tiên vẫn chưa khép lại ảnh 2Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp riêng tại ngày làm việc thứ hai của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai ở Hà Nội. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hơn nữa, việc cho phép các thanh sát viên trở lại Triều Tiên sau thời gian gián đoạn 10 năm cũng sẽ là một dấu hiệu hữu hình cho cam kết phi hạt nhân hóa của Triều Tiên.

Gánh nặng đè lên vai Bình Nhưỡng trong việc xác định đề xuất của mình một cách đủ chi tiết để tạo lập một cơ sở đáng tin cậy cho các cuộc đàm phán. Triều Tiên nổi tiếng trong quá khứ với việc thường xuyên rút khỏi các cuộc đàm phán và quay lưng với các cam kết. Đó là lý do tại sao bất kỳ sự gắn kết nào giữa Mỹ-Triều đều phải nhận lấy sự hoài nghi sâu sắc ở Washington. Do đó, Triều Tiên phải cung cấp thông tin cụ thể về các cơ sở mà họ đề xuất tháo dỡ cũng như trình tự giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt, đồng thời đưa ra yêu cầu thực tế về việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt mà Mỹ đưa ra.

Trì hoãn việc nối lại đàm phán là vô cùng rủi ro

Hiện tại, Triều Tiên không có nghĩa vụ kiềm chế việc mở rộng kho vũ khí WMD của mình. Sự thỏa hiệp trên thực tế giữa việc Triều Tiên không tiến hành thử nghiệm hạt nhân và tên lửa để đổi lấy việc thu nhỏ các cuộc tập trận quân sự Mỹ-Hàn cũng khó có thể duy trì được lâu.

Tuy nhiên, ông Trump đã trao cho ông Kim Jong-un một nền tảng toàn cầu chưa từng có để xây dựng mối quan hệ với cộng đồng quốc tế. Ông Kim Jong-un không thể mạo hiểm cơ hội đó bằng các cuộc thử nghiệm mà gần như chắc chắn sẽ phải hứng chịu sự lên án của quốc tế. Đồng thời, Triều Tiên đã đe dọa sẽ xem xét lại các cuộc đàm phán và lệnh ngừng thử nghiệm hạt nhân của nước này.

Ông Kim Jong-un đang nhắc nhở ông Trump rằng lợi ích của ông ta phải được đáp ứng. Tuy nhiên, cả hai bên càng trì hoãn việc thiết lập một quá trình đàm phán nghiêm túc ở cấp độ làm việc lâu bao nhiêu, thì tình hình trên Bán đảo Triều Tiên sẽ càng khó lường và bất ổn bấy nhiêu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục