Những vòng quay cuối cùng của chiếc kim đồng hồ chầm chậm kêu tích tắc, tiếng mọi người đếm ngược thời gian trên tivi cũng là lúc báo hiệu thời khắc giao thừa đã đến. Ai ai cũng quây quần bên nhau cùng nâng ly rượu chúc mừng năm mới với nhiều hạnh phúc.
Tại một nơi xa xôi trên lãnh thổ Việt Nam, những người lính hải quân vẫn miệt mài canh gác, giương cao ngọn súng để bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Với họ, được trực trong thời khắc chuyển giao của đất trời, của năm mới vừa là nhiệm vụ vừa là vinh dự lớn lao mà Tổ quốc giao phó. Và, giao thừa với lính đảo chỉ có tiếng sóng vỗ ầm ầm, tiếng gió thổi đến ù tai thay cho tiếng pháo hoa nổ giòn giã…
Canh gác giao thừa là vinh dự
Ngành lực lượng vũ trang có đặc thù riêng so với các ngành khác, đó là phải đảm bảo được quân số trực trong ngày Tết. Vì thế, tại bất cứ nơi nào có lực lượng này, đêm nào cũng phải có người canh gác. Và với người lính đảo cũng không phải là ngoại lệ.
Có mặt tại đảo Sinh Tồn trong một đêm cuối năm, chúng tôi mới cảm nhận được hết nỗi vất vả, lòng yêu nghề để có thể xóa nhòa nỗi cô đơn, sự nhớ nhà dịp Tết nhất là vào lúc giao thừa.
Còn 15 phút nữa sẽ bước sang năm Nhâm Thìn, Thiếu úy Nguyễn Thành Nam, Cụm chiến đấu 1, lái xe tăng đảo Sinh Tồn với súng đeo trên vai, lựu đạn quanh người, đạn đầy 2 hộp đang căng mắt nhìn ra biển. Với anh Nam, ca gác đêm giao thừa này là kỉ niệm khó quên trong đời lính bởi đây là lần đầu tiên anh trực đúng lúc chuyển giao năm mới.
Quê ở Thanh Chương, Nghệ An, anh Nam ra đảo vỏn vẹn được hơn 10 tháng, đến tháng Bảy năm sau anh mới được về đất liền. Vậy là, Tết năm nay anh lại một lần xa nhà và cảm nhận được nỗi cô đơn nơi biển đảo.
Dáng người cao to, bộ quân phục hải quân gọn gàng lặng lẽ đứng giữa điểm canh gác trong vòng bờ kè của đảo, anh Nam kể về việc mình là một trong những người lính phải thực hiện nhiệm vụ “xông đất” trực gác đầu năm.
Để tìm được người gác đêm giao thừa, anh Nam cũng phải trải qua vòng sơ loại bình xét những chiến sĩ đạt loại A, rồi qua vòng bỏ phiếu tín nhiệm bởi chiến sĩ nào cũng muốn được làm nhiệm vụ vào giờ phút thiêng liêng này.
"Được gác đảo đúng lúc giao thừa là một vinh dự đấy anh ạ, không phải ai cũng có cái vinh dự ấy đâu nhà báo ơi," anh Nam hồ hởi nói.
Nhớ về thời điểm này những ngày chưa ra đảo, anh Nam vẫn cùng bố mẹ và bạn bè đón giao thừa, xem bắn pháo hoa và đi hái lộc đầu xuân. Khi bước chân vào quân ngũ, anh Nam xác định phải gạt bỏ hết tình cảm, sự hi sinh bản thân để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bảo vệ cho người dân trong đất liền có một giao thừa an lành và hạnh phúc.
“Trực đêm giao thừa ở đảo bao giờ cũng có sự nhớ nhung, khao khát được trở về sum họp cùng gia đình. Phút giao thừa lặng lẽ qua đi nhưng ai ai cũng có cảm giác lạ lạ của một người đứng gác, đó là sự oai hùng, kiêu ngạo, bất khuất vững vàng trước muôn ngàn sóng gió nơi biển cả,” thiếu úy Nam khoe.
Mỗi ca gác đêm là hai tiếng, trong khoảng thời gian đó, anh em chiến sĩ phải tuân thủ theo đúng quy định, nguyên tắc của đơn vị đề ra.
Năm mới đã sang, trên vọng gác anh Nam vẫn dõi đôi mắt về biển xa, những người khác đã chìm vào giấc ngủ. Chia tay và chúc anh một năm mới hạnh phúc, may mắn, anh Nam cười tươi và “lì xì” cho tôi bài hát "Phiên gác đêm xuân" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông cùng với lời ca: “Đón giao thừa một phiên gác đêm. Chào xuân đến súng xa vang rền…”
Thượng cờ năm mới
Tại đảo Sinh Tồn, 5 giờ 30 phút, những hồi còi rộn rã báo thức phát ra từ chiếc loa đặt ngay tại sân chính, toàn bộ chiến sĩ bật dậy chạy ra tập thể dục. Ai ai cũng thuần thục trong bài võ với những động tác dứt khoát, mạnh mẽ.
Sau khi thể dục và vệ sinh cá nhân, một hồi còi báo hiệu vang lên, mọi người trong trang phục chỉnh tề xếp thành từng hàng của các cụm đơn vị nghiêm trang dự Lễ chào cờ vào 7 giờ ngày mùng 1 Tết.
Ba chiến sĩ hải quân rước là cờ từ nhà truyền thống trang trọng, uy nghi, mắt đăm đăm nhìn về phía trước, chân dậm đều. Họ đi đến cột mốc chủ quyền của đảo, móc cờ vào dây để nghi lễ chào cờ và thượng cờ có thể tiến hành.
Bằng giọng giõng giạc, đảo trưởng đảo Sinh Tồn Đinh Trọng Thắm hô vang: “Nghiêm. Nhìn cờ…Chào.” “Quốc ca.” Tiếng nhạc vang lên hùng tráng, từng ánh mắt lính đảo hướng thẳng vào lá cờ đỏ thắm đang từ từ được kéo lên trước gió.
Lá cờ phần phật tung bay khiến những người mới lần đầu đặt chân lên đảo như chúng tôi thấy xúc động vì được đứng nơi thiêng liêng giữa biển đảo của Tổ quốc, nơi mà các chiến sĩ đã anh dũng hi sinh bảo vệ chủ quyền, để có tiếng nhạc oai hùng vang lên giữa thời khắc đầu năm mới khiến ai trong đoàn cũng cảm thấy tự hào.
Đại úy Cù Văn Điệp, làm Cơ yếu tại đảo Sinh Tồn cho biết: “Dù đã được chào cờ rất nhiều lần từ khi còn cắp sách đến trường và nhập ngũ nhưng đây là buổi chào cờ đem lại cho tôi nhiều cảm xúc nhất.”
“Chỉ khi được đứng dưới lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, người ta mới xúc động nhận ra nhiều bài học quý giá cho cuộc đời: Bài học làm người, làm công dân của một quốc gia độc lập, không chỉ để vững bước mỗi ngày trên con đường mưu cầu hạnh phúc cá nhân mà lớn lao hơn, để phụng sự Tổ quốc mến yêu này. Tổ quốc ấy phải luôn luôn được nhắc nhớ và trân trọng!,” anh Điệp tâm sự.
Một năm mới bắt đầu, nơi đảo xa, những người lính canh gác trong giây phút giao thừa thiêng liêng, lễ chào cờ và thượng cờ đầu năm luôn mang đến niềm tự hào, vinh dự. Một cảm giác đầy tự hào và khâm phục, tràn ngập khắp lòng chúng tôi./.
Tại một nơi xa xôi trên lãnh thổ Việt Nam, những người lính hải quân vẫn miệt mài canh gác, giương cao ngọn súng để bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Với họ, được trực trong thời khắc chuyển giao của đất trời, của năm mới vừa là nhiệm vụ vừa là vinh dự lớn lao mà Tổ quốc giao phó. Và, giao thừa với lính đảo chỉ có tiếng sóng vỗ ầm ầm, tiếng gió thổi đến ù tai thay cho tiếng pháo hoa nổ giòn giã…
Canh gác giao thừa là vinh dự
Ngành lực lượng vũ trang có đặc thù riêng so với các ngành khác, đó là phải đảm bảo được quân số trực trong ngày Tết. Vì thế, tại bất cứ nơi nào có lực lượng này, đêm nào cũng phải có người canh gác. Và với người lính đảo cũng không phải là ngoại lệ.
Có mặt tại đảo Sinh Tồn trong một đêm cuối năm, chúng tôi mới cảm nhận được hết nỗi vất vả, lòng yêu nghề để có thể xóa nhòa nỗi cô đơn, sự nhớ nhà dịp Tết nhất là vào lúc giao thừa.
Còn 15 phút nữa sẽ bước sang năm Nhâm Thìn, Thiếu úy Nguyễn Thành Nam, Cụm chiến đấu 1, lái xe tăng đảo Sinh Tồn với súng đeo trên vai, lựu đạn quanh người, đạn đầy 2 hộp đang căng mắt nhìn ra biển. Với anh Nam, ca gác đêm giao thừa này là kỉ niệm khó quên trong đời lính bởi đây là lần đầu tiên anh trực đúng lúc chuyển giao năm mới.
Quê ở Thanh Chương, Nghệ An, anh Nam ra đảo vỏn vẹn được hơn 10 tháng, đến tháng Bảy năm sau anh mới được về đất liền. Vậy là, Tết năm nay anh lại một lần xa nhà và cảm nhận được nỗi cô đơn nơi biển đảo.
Dáng người cao to, bộ quân phục hải quân gọn gàng lặng lẽ đứng giữa điểm canh gác trong vòng bờ kè của đảo, anh Nam kể về việc mình là một trong những người lính phải thực hiện nhiệm vụ “xông đất” trực gác đầu năm.
Để tìm được người gác đêm giao thừa, anh Nam cũng phải trải qua vòng sơ loại bình xét những chiến sĩ đạt loại A, rồi qua vòng bỏ phiếu tín nhiệm bởi chiến sĩ nào cũng muốn được làm nhiệm vụ vào giờ phút thiêng liêng này.
"Được gác đảo đúng lúc giao thừa là một vinh dự đấy anh ạ, không phải ai cũng có cái vinh dự ấy đâu nhà báo ơi," anh Nam hồ hởi nói.
Nhớ về thời điểm này những ngày chưa ra đảo, anh Nam vẫn cùng bố mẹ và bạn bè đón giao thừa, xem bắn pháo hoa và đi hái lộc đầu xuân. Khi bước chân vào quân ngũ, anh Nam xác định phải gạt bỏ hết tình cảm, sự hi sinh bản thân để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bảo vệ cho người dân trong đất liền có một giao thừa an lành và hạnh phúc.
“Trực đêm giao thừa ở đảo bao giờ cũng có sự nhớ nhung, khao khát được trở về sum họp cùng gia đình. Phút giao thừa lặng lẽ qua đi nhưng ai ai cũng có cảm giác lạ lạ của một người đứng gác, đó là sự oai hùng, kiêu ngạo, bất khuất vững vàng trước muôn ngàn sóng gió nơi biển cả,” thiếu úy Nam khoe.
Mỗi ca gác đêm là hai tiếng, trong khoảng thời gian đó, anh em chiến sĩ phải tuân thủ theo đúng quy định, nguyên tắc của đơn vị đề ra.
Năm mới đã sang, trên vọng gác anh Nam vẫn dõi đôi mắt về biển xa, những người khác đã chìm vào giấc ngủ. Chia tay và chúc anh một năm mới hạnh phúc, may mắn, anh Nam cười tươi và “lì xì” cho tôi bài hát "Phiên gác đêm xuân" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông cùng với lời ca: “Đón giao thừa một phiên gác đêm. Chào xuân đến súng xa vang rền…”
Thượng cờ năm mới
Tại đảo Sinh Tồn, 5 giờ 30 phút, những hồi còi rộn rã báo thức phát ra từ chiếc loa đặt ngay tại sân chính, toàn bộ chiến sĩ bật dậy chạy ra tập thể dục. Ai ai cũng thuần thục trong bài võ với những động tác dứt khoát, mạnh mẽ.
Sau khi thể dục và vệ sinh cá nhân, một hồi còi báo hiệu vang lên, mọi người trong trang phục chỉnh tề xếp thành từng hàng của các cụm đơn vị nghiêm trang dự Lễ chào cờ vào 7 giờ ngày mùng 1 Tết.
Ba chiến sĩ hải quân rước là cờ từ nhà truyền thống trang trọng, uy nghi, mắt đăm đăm nhìn về phía trước, chân dậm đều. Họ đi đến cột mốc chủ quyền của đảo, móc cờ vào dây để nghi lễ chào cờ và thượng cờ có thể tiến hành.
Bằng giọng giõng giạc, đảo trưởng đảo Sinh Tồn Đinh Trọng Thắm hô vang: “Nghiêm. Nhìn cờ…Chào.” “Quốc ca.” Tiếng nhạc vang lên hùng tráng, từng ánh mắt lính đảo hướng thẳng vào lá cờ đỏ thắm đang từ từ được kéo lên trước gió.
Lá cờ phần phật tung bay khiến những người mới lần đầu đặt chân lên đảo như chúng tôi thấy xúc động vì được đứng nơi thiêng liêng giữa biển đảo của Tổ quốc, nơi mà các chiến sĩ đã anh dũng hi sinh bảo vệ chủ quyền, để có tiếng nhạc oai hùng vang lên giữa thời khắc đầu năm mới khiến ai trong đoàn cũng cảm thấy tự hào.
Đại úy Cù Văn Điệp, làm Cơ yếu tại đảo Sinh Tồn cho biết: “Dù đã được chào cờ rất nhiều lần từ khi còn cắp sách đến trường và nhập ngũ nhưng đây là buổi chào cờ đem lại cho tôi nhiều cảm xúc nhất.”
“Chỉ khi được đứng dưới lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, người ta mới xúc động nhận ra nhiều bài học quý giá cho cuộc đời: Bài học làm người, làm công dân của một quốc gia độc lập, không chỉ để vững bước mỗi ngày trên con đường mưu cầu hạnh phúc cá nhân mà lớn lao hơn, để phụng sự Tổ quốc mến yêu này. Tổ quốc ấy phải luôn luôn được nhắc nhớ và trân trọng!,” anh Điệp tâm sự.
Một năm mới bắt đầu, nơi đảo xa, những người lính canh gác trong giây phút giao thừa thiêng liêng, lễ chào cờ và thượng cờ đầu năm luôn mang đến niềm tự hào, vinh dự. Một cảm giác đầy tự hào và khâm phục, tràn ngập khắp lòng chúng tôi./.
Đỗ Hùng (Vietnam+)