Canh tác truyền thống hạn chế làn sóng tuyệt chủng

Nhóm 115 quốc gia thuộc IPBES nhóm họp tại Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tìm kiếm giải pháp phục hồi hoạt động canh tác truyền thống với mục đích góp phần bảo vệ sự đa dạng của các loài động, thực vật hoang dã.

Nhóm 115 quốc gia thuộc Cơ chế liên chính phủ về đa dạng sinh học và dịch vụ môi trường sinh thái (IPBES) nhóm họp tại Thổ Nhĩ Kỳ từ 9-14/12 nhằm tìm kiếm giải pháp phục hồi và tăng cường những hoạt động canh tác truyền thống của các cư dân bản xứ, với mục đích góp phần bảo vệ sự đa dạng của các loài động, thực vật hoang dã.

Các chuyên gia tham dự hội nghị cho rằng, một số hình thức canh tác cổ đại, như nuôi cá trong các vùng trồng lúa nước ở Trung Quốc hoặc cách kiểm soát đám cháy của các thổ dân Australia có thể làm tái sinh một số loại cây và giúp làm chậm quá trình tuyệt chủng của những loại động vật, thực vật khác.

Sử dụng những hình thức canh tác truyền thống được xem là cách để hạn chế "làn sóng" tuyệt chủng, được Liên hợp quốc cảnh báo là tồi tệ nhất kể từ khi loài khủng long bị tuyệt diệt 65 triệu năm về trước.

Nguyên nhân của làn sóng tuyệt chủng này bắt nguồn từ sự gia tăng dân số quá lớn, phá vỡ môi trường sống của nhiều loài sinh vật.

Đồng chủ tịch IPBES Zakri Abdul Hamid cho rằng những kiến thức bản xứ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu những mất mát của đa dạng sinh học cũng như giúp bảo tồn đa dạng sinh học.

Ý tưởng chính được xem xét tại hội nghị là so sánh các hoạt động canh tác trên thế giới và xem liệu một hình thức của nước này có thể áp dụng ở nước khác hay không.

Ví dụ, việc nuôi cá trong các vựa lúa nước ở miền Nam Trung Quốc (đã được áp dụng từ 1200 năm qua) và một số nước châu Á khác được cho là sẽ làm giảm những loài gây hại, trong khi hầu hết các khu trồng lúa hiện đại đều không nuôi cá.

Báo cáo của IPBES cũng cho thấy, cách làm này giúp giảm nhu cầu sử dụng thuốc trừ sâu tới 68% và các loại hóa chất khác là 24%, nếu so với việc chỉ trồng lúa.

Ở một số nước như Australia, Nhật Bản, Indonesia và Venezuela, việc đốt các khoảnh đất nhỏ ở các vùng thôn quê lại có thể tạo ra một vành đai phòng lửa giúp ngăn ngừa sự lan rộng của các đám cháy vào mùa khô.

Những đám cháy nhỏ đồng nghĩa với việc các loài hoang dã có thể thoát ra khỏi vùng nguy hiểm dễ dàng hơn (so với đám cháy lớn) và giảm nguy cơ bị tuyệt chủng.

Tại Australia, hình thức này còn đem lại cho các thổ dân những khoản "tín dụng carbon" (thuật ngữ chỉ lượng khí thải carbon có thể trao đổi chuyển nhượng) nhờ làm chậm lại quá trình phá rừng, nguyên nhân chính dẫn tới 1/5 lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính do con người tạo ra.

Tháng 6/2013, Liên đoàn nông nghiệp thổ dân Australia đã bán được 25.000 tấn tín dụng carbon cho tập đoàn Chevron với giá 18,20 USD /tấn.

Sam Johnston, một chuyên gia người Australia từ Viện nghiên cứu cấp cao thuộc Đại học Liên hợp quốc, cho rằng thị trường khí thải carbon có thể áp dụng ở bất kỳ đâu, nhất là tại một số vùng có điều kiện phù hợp như ở châu Phi và Mỹ Latinh.

Một số hình thức canh tác đáng chú ý khác được thảo luận tại hội nghị là việc đào hố trên các triền đồi ở Tanzania để hứng nước vào mùa mưa giúp ngăn xói mòn đất, các hoạt động quan sát thời tiết của người Eskimo ở Bắc Cực để bổ sung cho dữ liệu vệ tinh về tình trạng băng tan.

Ngoài ra, hội nghị cũng thảo luận về việc nhiều cộng đồng dân cư ở đảo Thái Bình Dương bảo vệ nguồn cá quanh các rặng san hô bằng cách tuyên bố một số vùng đó là khu vực linh thiêng để tránh tình trạng đánh bắt.

Một loạt nỗ lực khác nhằm làm chậm quá trình tuyệt chủng của các loài động, thực vật cũng đang được thực hiện, bao gồm việc xây dựng nhiều khu vực bảo tồn hoặc tăng cường các luật về bảo vệ đời sống hoang dã./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục