Cạnh tranh lành mạnh trong viết sách giáo khoa: Cần cơ chế cụ thể

Các chuyên gia cho rằng, Bộ Giáo dục Đào tạo cần có cơ chế để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia viết sách trong khi Bộ cũng có sách giáo khoa, điều này đồng nghĩa với việc sẽ khó cạnh tranh.
Cạnh tranh lành mạnh trong viết sách giáo khoa: Cần cơ chế cụ thể ảnh 1Phụ huynh và học sinh chọn sách giáo khoa. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Bộ Giáo dục và Đào tạo có nên chủ trì viết sách giáo khoa? Có hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức, cá nhân tham gia viết sách? Cơ chế xã hội hóa sách giáo khoa thế nào để đảm bảo công bằng? Ai được quyết định chọn sách?...

Đó là hàng loạt những vấn đề đã được các chuyên gia chỉ ra tại “Diễn đàn Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa trong đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông: thời cơ, thách thức và những giải pháp thực tiễn.”

Diễn đàn do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức sáng nay, ngày 6/11, tại Hà Nội.

Làm sao đảm bảo công bằng?

Theo Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa đang trình Quốc hội xem xét, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chủ trì viết một bộ sách giáo khoa. Bên cạnh đó, Bộ khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia viết sách với chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, việc Bộ biên soạn sách giáo khoa nhằm đảm bảo tính chủ động khi triển khai chương trình mới.

Nhiều chuyên gia ủng hộ quan điểm này của Bộ nhưng lưu ý thêm rằng, cần tạo cơ chế thế nào để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia viết sách khi Bộ cũng có sách giáo khoa, điều này đồng nghĩa với việc sẽ khó cạnh tranh.

Theo giáo sư Nguyễn Trọng Phú, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam, bộ sách giáo khoa có khoảng 150 cuốn, khó có đơn vị nào đứng ra làm toàn bộ. Vì thế, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo không chủ động thì có thể trở tay không kịp.

“Tuy nhiên, nếu vẫn khuyến khích tổ chức, cá nhân viết sách thì vấn đề dư luận quan tâm nhất là cơ chế viết sách giáo khoa như thế nào? Làm sách giáo khoa rất tốn kém. Nếu viết xong không được thẩm định thì họ sẽ phá sản,” ông Phú nói.

Theo đó, ông Phú cho rằng Bộ phải có một loạt các tiêu chí như: tổ chức đạt tiêu chí nào được biên soạn sách, tác giả nào được tham gia viết sách và phải thẩm định từ lúc viết đề cương đầu... để giảm rủi ro cho đơn vị làm sách.

Ông Phú cũng đặt ra nhiều vấn đề mà Bộ cần nêu rõ như Bộ làm sách cần thí điểm, các đơn vị khác viết sách có cần thí điểm không? Nếu thí điểm thì thí điểm ở đâu, trong bao lâu?

Cùng bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư Trần Quốc Toản, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ cho rằng phải có một hội đồng thẩm định sách giáo khoa độc lập với ban soạn thảo sách của Bộ để đảm bảo công bằng.

Có nên phụ cấp kinh phí?

Một vấn đề cũng được rất nhiều đại biểu đặt ra là có cấp kinh phí cho các đơn vị khi tham gia viết sách giáo khoa hay không.

Giáo sư Nguyễn Ngọc Phú cho rằng việc viết sách giáo khoa có ý nghĩa xã hội lớn và rất tốn kém. Còn theo Giáo sư Nguyễn Cương, Phó Chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam, nếu không được cấp kinh phí thì khó huy động nguồn lực xã hội để viết sách giáo khoa.

“Nhà nước nên hỗ trợ chi phí viết sách, tất nhiên nguồn ngân sách hạn hẹp nên số lượng đơn vị được viết sẽ hạn chế. Bộ nên xây dựng một bộ tiêu chí để có thể chọn được những đơn vị tốt nhất tham gia,” ông Cương nói.

Cùng quan điểm này, Phó Giáo sư Trần Quốc Toản đề xuất thêm, nhà nước nên bỏ một phần kinh phí cho các nhóm soạn thảo sách. “Có hỗ trợ mới huy động được các tổ chức, cá nhân viết sách,” ông Toản nói.

Trong khi đó, theo Giáo sư Văn Như Cương, Nhà nước không thể cấp kinh phí cho tất cả các đơn vị, cá nhân tham gia viết sách. “Các đơn vị phải tự lo. Có thể, khi sách của họ được chọn, Bộ sẽ trả một phần kinh phí.”

Cạnh tranh lành mạnh trong viết sách giáo khoa: Cần cơ chế cụ thể ảnh 2Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển trao đổi với các đại biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cho biết, Bộ chưa nghĩ đến việc hỗ trợ kinh phí. “Giống như các loại sách khác, đơn vị xuất bản sẽ bán sách để thu hồi kinh phí, ở nhiều nước khác cũng thế. Viết sách có rủi ro nhưng vì thế mới đòi hỏi trách nhiệm của người tham gia,” ông Hiển nói.

Cũng theo ông Hiển, Bộ sẽ tiến hành thẩm định từ khâu viết đề cương để giảm rủi ro cho các đơn vị.

Ai được chọn sách giáo khoa?

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, cùng với cơ chế xung quanh việc soạn sách thì Bộ cần quy định cụ thể hơn nữa về vấn đề ai sẽ được chọn khi có nhiều sách giáo khoa.

“Bộ quy định trường chọn là đúng nhưng cần có hướng dẫn. Nếu chỉ là một người, chẳng hạn hiệu trưởng, hiệu phó, có quyền quyết định chọn sách thì sẽ dễ dẫn đến tiêu cực (như sự áp đặt của lãnh đạo hay chiêu tiếp thị của đơn vị viết sách). Tôi nghĩ việc chọn sách phải do tập thể tổ bộ môn lựa chọn. Thầy cô giáo sẽ biết chọn sách nào phù hợp với học sinh của mình,” ông Thuyết nói.

Cùng bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư Văn Như Cương bày tỏ: “Tôi nghĩ các sở sẽ quyết định chọn và các trường sẽ chọn theo sở vì việc học sách nào sẽ liên quan đến thi cử, mà thi ở phổ thông do các sở ra đề.”

Trước băn khoăn của các chuyên gia, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, Bộ sẽ có quy định cụ thể về việc chọn sách giáo khoa và hiệu trưởng phải thực hiện đúng quy định này để tránh các vấn đề nảy sinh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục