Cao đẳng nghề Việt Xô: Chắp cánh những ước mơ xanh

Trong 35 năm đào tạo,Trường Cao đẳng nghề Việt Xô số 1 đào tạo gần 40.000 lao động lành nghề, góp phần to lớn trong xây dựng đất nước.
Cao đẳng nghề Việt Xô: Chắp cánh những ước mơ xanh ảnh 1Thầy giáo Trường Cao đẳng nghề Việt Xô số 1 hướng dẫn học viên trong giờ thực hành. (Ảnh: Trong Lịch/Vietnam+)

Nằm sát bên đồi Thằn Lằn (phường Xuân Hòa, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc), Trường Cao đẳng nghề Việt Xô số 1 có cả một khuôn viên rộng 12ha luôn rộn ràng tiếng máy, tiếng búa với ánh lửa hàn, cắt... rực sáng trong các xưởng thực hành hiện đại.

Ngôi trường do Liên Xô (cũ) viện trợ này giờ đây đã có không ít công trình được nâng cấp, xây dựng mới khang trang nhằm hướng tới chuẩn của trường Cao đẳng nghề Quốc gia.

Tại các xưởng thực hành, các phòng học của trường luôn bắt gặp những gương mặt say mê học hỏi của các nam nữ sinh viên - những người trẻ tuổi đang nuôi ước mơ mở xưởng cơ khí, xưởng gia công sửa chữa sau khi tốt nghiệp ra trường.

Cái nôi đào tạo thợ lành nghề

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Việt Xô số 1, tự hào cho biết Trường Cao đẳng nghề Việt Xô số 1 được đổi tên từ Trường Cao đẳng nghề cơ giới cơ khí xây dựng số 1 trên cơ sở nâng cấp Trường Kỹ thuật Cơ giới Cơ khí Xây dựng Việt Xô.

Trường được khởi công xây dựng năm 1974, hoàn thành năm 1978 và đưa vào sử dụng cùng năm. Đây là một trong những công trình viện trợ đồng bộ của Liên Xô (cũ) giúp Việt Nam ban đầu đào tạo lực lượng công nhân kỹ thuật chuyên ngành cơ giới, cơ khí xây dựng,... phục vụ cho nhu cầu xây dựng đất nước.

Tháng 3/1978, khóa học thứ nhất chính thức được khai giảng, mở ra trang sử đầu tiên cho lịch sử đào tạo, phát triển của nhà trường. Trường được đầu tư đồng bộ từ công trình kiến trúc đến thiết bị dạy học, thực hành, tài liệu giáo trình, đội ngũ giảng dạy được trang bị tốt kiến thức và sự giúp đỡ tận tình của các nước bạn bè nên công tác đào tạo khá thuận lợi. Học sinh tốt nghiệp có tay nghề vững chắc và được phân công đi khắp đất nước để để xây dựng các công trình thủy điện, nhiệt điện, các nhà máy ximăng.

Tiếng lành đồn xa, giai đoạn 1980-1986, trường được giao thêm chỉ tiêu đào tạo. Số lượng học viên theo học tăng gấp đôi, rồi mỗi năm một đông hơn. Nhà trường bắt đầu tổ chức thi tuyển để sắp xếp các nghề, bố trí học tập cho phù hợp.

Sau nhiều năm xây dựng và phát triển, đến nay trường đã đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo phục vụ nhu cầu của xã hội. Riêng đào tạo cao đẳng nghề chính quy (đào tạo 36 tháng) trường đã tập trung đào tạo các nghề công nghệ ôtô, sửa chữa máy thi công, công nghệ hàn, lắp đặt thiết bị cơ khí, gia công lắp dung kết cấu thép, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, cơ điện tử, cấp thoát nước...

Hàng chục năm qua, trường đã tập trung đào đạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cho Đảng, Nhà nước. Các thế hệ học viên của trường sau khi tốt nghiệp đã đóng góp công sức, trí tuệ ở rất nhiều các công trình trọng điểm quốc gia như Thủy điện Sông Đà; Thủy điện Trị An, Thủy điệnYaly...

Trong 35 năm đào tạo, trường đã đào tạo gần 40.000 học viên nhiều nghề khác nhau, xây dựng được đội ngũ công nhân lành nghề, thợ kỹ thuật chất lượng góp phần to lớn trong xây dựng và phát triển đất nước. Đây cũng là nguồn nhân lực để Việt Nam hợp tác lao động tay nghề cao, lao động kỹ thuật với nhiều nước trên thế giới.

Giai đoạn 2006-2010, các học viên Khoa Cơ khí của trường tốt nghiệp đến đâu đều được các nước đón mời đi xuất khẩu lao động hết hết đó. Giai đoạn này, mỗi năm Khoa Cơ khí có khoảng 400 học viên nghề hàn, lắp máy đi xuất khẩu lao động, chủ yếu tại Hàn Quốc, với mức thu nhập trên dưới 3.000 USD/người/tháng.

Nỗi trăn trở "thừa thầy, thiếu thợ"

Cũng rơi vào tình trạng tương tự các trường đào tạo nghề có uy tín khác trong nước, từ thập niên 1990 trở lại đây, số học viên đào tạo nghề tại Trường Cao đẳng nghề Việt Xô số 1 ngày một suy giảm.

Thị trường lao động lúc này sử dụng lao động có trình độ tay nghề ít. Học viên tốt nghiệp trường nghề khó tìm kiếm việc làm ổn định trong bối cảnh các doanh nghiệp nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam đầu tư, có nhiều nhà tuyển dụng đánh đồng lao động phổ thông và học viên tốt nghiệp các trường dạy nghề; lương thưởng gần như cào bằng khiến cho các trường nghề ngày càng ít người theo học, việc tuyển dụng ngày càng khó khăn.

Không có nhiều học viên, nhiều giáo viên xin nghỉ hưu sớm hoặc chuyển đổi nghề nghiệp; giáo trình và các sách, tài liệu giảng dạy cũng bị thất lạc. Lúc này, nhà trường thực hiện kế hoạch vừa sản xuất vừa đào tạo. Cán bộ, giáo viên nhà trường tham gia làm thêm để tăng thu nhập như sản xuất que hàn, đúc bi, sản xuất và gia công máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, chi tiết cơ khí cho xây dựng.

Sau năm 2000, kinh tế-xã hội đất nước thực sự đổi mới đã tạo đà cho công tác dạy nghề phát triển, trường đã được Nhà nước đầu tư, nâng cấp toàn diện. Trường Cao đẳng nghề Việt Xô là 1 trong 15 trường được Nhà nước chọn trọng điểm để đầu tư hướng xây dựng toàn diện để thành trường Cao đẳng nghề chuẩn quốc gia.

Đến nay, nhu cầu học nghề của học viên và cả đội ngũ lao động đang làm việc trong các lao động ngày càng tăng cao, chất lượng đào tạo cũng được nâng cao thực sự. Nếu như ngày đầu thành lập trường chỉ đào tạo 12 nghề với 400-500 học sinh theo học thì nay đã có 13 chuyên ngành hệ cao đẳng nghề, 15 chuyên ngành hệ trung cấp nghề và 22 chuyên ngành hệ sơ cấp, mỗi năm có 2.500-3.000 học viên theo học.

Gắn đào tạo với nhu cầu của các nhà tuyển dụng

Thầy giáo Tạ Văn Năm, Khoa Cơ khí Trường Cao đẳng nghề Việt Xô số 1, đầy lạc quan cho rằng chưa bao giờ học viên của trường lại dễ dàng tìm kiếm việc làm như hiện nay. Hầu hết các lớp học chuẩn bị kết thúc chương trình giảng dạy đã có các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nước ngoài tìm đến trường lớp mời các học viên về doanh nghiệp của mình làm việc với mức thu nhập theo thỏa thuận phổ biến 5-6 triệu đồng, mức cao hơn có thể đạt trên dưới 10 triệu đồng/người/tháng.

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài vẫn tiếp tục nhận lao động đi các nước là học viên đã tốt nghiệp các ngành nghề của trường. Hàng loạt doanh nghiệp sản xuất ôtô, xe máy, cơ khí... trong và ngoài nước đã đưa công nhân về trường yêu cầu đào tạo thợ hàn 4G, thợ hàn công nghệ cao và khi hoàn thành khóa học này, nhà tuyển dụng quý thợ "Nhất nghệ tinh" hơn sinh viên đại học tốt nghiệp bằng đỏ.

Các doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm đến trình độ tay nghề thực sự của học viên bằng việc kiểm tra thực tế. Chính vì vậy nhà trường luôn xác định đào tạo học phải đi đôi với hành trên máy móc hiện đại tiên tiến. Nhà trường cũng tạo điều kiện cho các học viên đi thực tập ở các doanh nghiệp lớn như Toyota, Honda, Piaggio... Ở đây các học viên vừa được tiếp cận trang thiết bị mới, hiện đại, vừa học tác phong và kỷ luật lao động của doanh nghiệp có uy tín.

Sự phối hợp, liên kết chặt chẽ giữa trường Trường Cao đẳng nghề Việt Xô số 1 với các doanh nghiệp đã tạo điều kiện thuận lợi cho các học viên liên hệ công tác khi ra trường. Doanh nghiệp và học viên thấu hiểu nhau hơn, nắm bắt được các nhu cầu cơ bản và bổ sung, nâng cao kiến thức nếu cần thiết. Bởi thế, có tới hơn 90 % học viên của trường sau tốt nghiệp đã có việc làm, thu nhập ổn định, thậm chí không ít người thợ giỏi thu nhập vượt xa cả sức tưởng tượng của cán bộ, công chức mới vào nghề./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục