Cao điểm xử lý lái xe uống rượu bia dịp Tết Ất Mùi 2015

Trong thời gian từ 1/12/2014 đến hết ngày 28/2/2015, lực lượng chức năng sẽ triển khai kế hoạch tăng cường kiểm soát, xử lý người điều khiển phương tiện vi phạm quy định về nồng độ cồn.
Cao điểm xử lý lái xe uống rượu bia dịp Tết Ất Mùi 2015 ảnh 1Cảnh sát giao thông đo nồng độ cồn của lái xe. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và các bộ, ngành, ban an toàn giao thông các tỉnh, thành sẽ triển khai kế hoạch tăng cường kiểm soát, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ cuối năm 2014 và Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.

Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức chấp hành của pháp luật về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện, kế hoạch này sẽ được chia làm ba đợt cao điểm trong thời gian ba tháng (từ 1/12/2014 đến hết ngày 28/2/2015) và triển khai tập trung vào hai nội dung chính là chiến dịch truyền thông sâu, rộng và cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên phạm vi toàn quốc.

“Tăng cường phòng, chống và kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ uống rượu, bia là một nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong giai đoạn hiện nay của Chính phủ Việt Nam cũng như chương trình ‘Thập kỷ hành động vì an toàn giao thông đường bộ toàn cầu’ do Liên hợp quốc phát động,” ông Khuất Việt Hùng nói.

Lý giải vì sao chọn thời điểm này, ông Khuất Việt Hùng cho rằng, dịp Tết Nguyên đán và các sự kiện như lễ hội, lễ Giáng sinh đang đến gần và nhiều người thậm chí là cả xã hội đều uống rượu bia. Trong các vụ tai nạn giao thông dịp Tết, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn là do lái xe lấn làn, chạy quá tốc độ, mất kiểm soát trong đó, có một phần nguyên nhân là tài xế sử dụng chất kích thích thần kinh mà cụ thể là uống rượu, bia. 

“Cùng với sự nỗ lực của Chính phủ, sự hỗ trợ tích cực của các lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng Cảnh sát giao thông thì tình trạng người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn sẽ được cải thiện đáng kế, góp phần tích cực giảm tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia,” vị Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhìn nhận.

Đại tá Nguyễn Hữu Dánh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Bộ Công an) cho rằng, việc xử lý nồng độ cồn luôn nằm trong kế hoạch của Bộ Công an bởi lẽ người uống rượu bia là hiểm họa không chỉ trực tiếp gây tai nạn giao thông mà còn ảnh hưởng đến người khác do không làm chủ được hành vi và chống đối lực lượng thực thi công vụ.

“Vừa qua, Bộ Công an cùng với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tiến hành tổ chức thí điểm kiểm tra xử lý nồng độ cồn tại 8 địa phương và đến nay đã có kết quả tích cực. Bộ Công an cũng đã phối hợp tập huấn cho lực lượng công an các địa phương về công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn.

Khẳng định việc xử lý nồng độ cồn đã và đang tiếp tục được triển khai và sẽ làm rộng trên toàn quốc, theo Đại tá Dánh, sắp tới, Bộ Công an sẽ huy động tất cả các lực lượng để đảm bảo công tác an toàn giao thông, trong đó có cả lực lượng công an xã cũng tham gia vào kiểm soát, xử lý người điều khiển phương tiện vi phạm uống rượu, bia.

Theo ông Jeffery Kobza, Quyền trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, uống rượu bia và điều khiển phương tiện là một trong những nguyên nhân gây tai nạn giao thông đường bộ tại Việt Nam. 

Chứng minh thực tế trên, ông Kobza đưa ra số liệu thu thập của dự án An toàn giao thông đường bộ do Quỹ Blooberg Philanthropies tài trợ (2010-2014) tại Hà Nam và Ninh Bình cho thấy, khoảng 20% số lái xe có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép.

“Tuy nhiên, với sự nỗ lực của địa phương trong công tác tuyên truyền và tuần tra kiểm soát xử lý vi pham, với sự hỗ trợ của dự án trên, tỷ lệ lái xe vi phạm uống rượu bia đã giảm xuống dưới 10% năm 2014,” ông Kobza nhấn mạnh./.

Số liệu thống kê của Bệnh viện Việt Đức cho thấy, trong thời gian từ 6/9-5/10/2014, có 350 người cấp cứu vì tai nạn giao thông trong đó người sử dụng rượu, bia là là 50 người (chiếm 14,6%), trong đó có 33 người là vượt ngưỡng nồng độ cồn cho phép 55mlg/100ml máu.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục