Cao nguyên đá Đồng Văn - những tận cùng cảm xúc

Hãy đến Hà Giang để khám phá những cung bậc cảm xúc lên đến cao trào cùng độ cao của núi, độ thẳm của thung sâu và bản sắc văn hoá.
Những ai có niềm đam mê khám phá không thể không tìm đến Hà Giang để để một lần cảm nhận những cung bậc cảm xúc lên đến cao trào cùng độ cao của núi, độ thẳm của thung sâu và bản sắc văn hoá nơi này.
 
Những ngày cuối tháng 8, đường đến với cao nguyên đá Đồng Văn - nơi cực Bắc của Tổ quốc, nắng và gió trở thành bạn đồng hành. Núi tiếp núi, đèo tiếp đèo, vực tiếp vực, đường cheo leo, sông Nho Quế như một dải lụa mềm vắt hờ dưới lũng sâu…
 
Cái thú của người đi khám phá bằng xe gắn máy chính là cảm giác vượt lên nỗi sợ hãi trước những vực sâu thường trực, trước những dãy núi nhọn hoắt, xám lạnh như “bút chì” khiến đường cua càng thêm khó, thay vào đó là sự háo hức, tò mò, lạ lẫm trước cảnh sắc hai bên đường.

Từ “Sapa” của Hà Giang

Cao nguyên đá Đồng Văn cách thị xã Hà Giang khoảng 100km về hướng Đông Bắc, có độ cao trung bình 1.000 - 1.600m so với mực nước biển, là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc như: Tày, Nùng, Hán, Mông, Lô Lô, Hoa, Dao, Pu Péo, Kinh…
 
Nơi đây được mệnh danh là “Sapa của Hà Giang”. Quả thật không ngoa, đi dưới trời hè ở Đồng Văn mà vẫn thấy se lạnh. Có những đoạn đường rừng thông, samu nối tiếp nhau đẹp và lãng mạn như Đà Lạt vậy. Nhưng dù tiết trời có se lạnh, cái nắng nơi đây cũng đủ làm cháy xém da của lữ khách.
 
Cao nguyên đá Đồng Văn chưa được con người khám phá nhiều, chưa bị ảnh hưởng của cuộc sống hiện đại, của đô thị hóa. Nơi đây mùa nào cũng đầy sắc màu của cỏ cây, hoa lá: sắc thắm hoa đào, tinh khiết sắc mai trắng, sắc hoa vàng dược liệu…
 
Đặc biệt nơi đây còn có sức hấp dẫn bởi những thửa ruộng bậc thang lúc thì nằm tận sâu dưới những thung lũng, khi thì chạy đuổi trên những vách núi dựng đứng với 2 sắc màu xanh nõn, vàng ruộm của những ngày xuống mạ và khi lúa chín vàng.
 
Với chiếc gùi nặng trĩu trên vai, đôi chân của đồng bào dân tộc sống trên cao nguyên đá mỗi ngày không biết đi bao nhiêu km đường núi để lên nương, xuống chợ. Có lẽ, phụ nữ Mông chăm chỉ nhất trong số các dân tộc mà tôi đã có dịp được tiếp xúc.
 
Bất cứ lúc nào, trên đường đi nương, khi trở về với gùi ngô, rau cỏ cắt về cho bò, hay lúc gùi hàng mang xuống chợ phiên, đôi tay của các bà, các chị, thậm chí cả các bé gái cứ thoăn thoắt xe sợi, đôi chân thì mải miết đi.
 
Đường nhựa thì xa, nên họ toàn “rẽ tắt” qua ngọn núi, qua lũng sâu để đi cho nhanh. Cuộc đời gắn chặt với núi rừng, với vách đá tai mèo, với ruộng nương, có lẽ, niềm vui lớn nhất của đồng bào nơi đây là đi chợ phiên.
 
Chính vì vậy, họ có trí nhớ tuyệt vời về ngày phiên chợ được họp ở các làng xã khác nhau: Sà Phìn họp ngày Tỵ và ngày Hợi, Phố Bảng chợ lùi, Lũng Cú thứ 7, Đồng Văn phiên Chủ nhật…
 
Không định mà gặp, chúng tôi được dự chợ phiên Sà Phìn ngày Hợi nằm ngay trước cửa Khu Di tích Nhà Vương, chợ lùi Phố Bảng, phiên chủ nhật Đồng Văn… Đi chợ chính là dịp để “được diện”, được “khoe” áo đẹp.
 
Đàn ông thì gần như chỉ có một sắc chàm đen, còn phụ nữ thì đủ sắc màu rực rỡ… Từ các ngả đường, sắc màu thổ cẩm ẩn dưới những tán ô xanh, đỏ, tím… cứ rực tươi trong nắng sớm đổ về chợ. Để đến được chợ, có người phải đi hàng chục km và đi từ nửa đêm.
 
Nhưng dù có xa đến thế cũng chẳng mấy khi họ bỏ phiên chợ. Nhiều gia đình cả nhà cùng đi, người cắp nách chú lợn xinh xắn, người thì ôm đôi gà, người gùi hàng… vui như trẩy hội. Có những em bé vẫn còn phải địu trên lưng mẹ, lại có cả những em bé mới độ 4 - 5 tuổi lũn tũn chạy gằn bước chân mới theo kịp bố mẹ. Được rèn luyện từ bé như vậy, nên những chàng trai, cô gái nơi đây “dẻo dai” là điều dễ hiểu!

Chợ phiên ở Đồng Văn bán đủ các mặt hàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của đồng bào các dân tộc. Nhưng nơi đây vẫn có những mặt hàng đặc trưng như: mèn mén (bánh bột ngô), cháo Ấu Tẩu, ấu trùng ong, mật ong hoa bạc hà, chè Lũng Phìn, rượu ngô và… một món không thể thiếu là thắng cố.
 
Đến chợ để giao lưu, mua hàng, uống rượu ngô và ăn thắng cố - dường như là một “mẫu số” chung vậy. Anh bạn tôi sau nhiều lần được chứng kiến những người vợ kiên nhẫn ngồi bên đường nắng che ô cho ông chồng “say” đang ngủ đã thốt lên ghen tỵ “làm trai Mông sướng thật”
 
… đến cực Bắc của Tổ quốc
 
Con đường đến với Lũng Cú - điểm cực Bắc của Việt Nam có tọa độ 23o23’ 08” độ vĩ bắc và 105o19’55” độ kinh đông, nằm ở khu vực có độ cao từ 1.600 - 1.800m trên mực nước biển (trên đỉnh cao nguyên Đồng Văn) thật đẹp.
 
Xe chạy bon bon trên con đường nhỏ độc đạo ngoằn ngoèo khúc khuỷu, dù cho vẫn là một bên núi cao và một bên vực sâu. Ở độ cao này nên sớm chiều thường có những đám mây trắng hội tụ bay lơ lửng trên sắc xám của đá núi…

Mảnh đất địa đầu cực Bắc của Tổ quốc là vùng đất của chè Shan, rượu mật ong và thắng cố, cùng những nét văn hóa truyền thống đặc sắc các dân tộc Mông, Lô Lô, Giáy. Không những thế, nơi đây còn là xứ sở của đào phai, hoa lê, tuyết trắng mỗi độ xuân về.
 
Chỉ riêng mỗi cái tên gọi Lũng Cú cũng đã có nhiều cách lý giải khác nhau: đọc chệch âm Hán sang âm Mông từ Long Cổ nghĩa là trống của nhà vua, đọc chệch âm từ Long Cư (nơi rồng ở) mà ra. Cho dù có thế nào, cái tên gọi Lũng Cú đã trở nên thân thiết với người dân Việt Nam, bởi nơi đây được đánh dấu là mốc đỉnh đầu của Tổ quốc - chủ quyền thiêng liêng của dân tộc.
 
Mốc đỉnh đầu của Tổ quốc được định vị bằng cột cờ bê tông cao vút trên đỉnh núi Rồng. Lá cờ đỏ sao vàng rộng 54m2 tượng trưng cho 54 dân tộc anh em quanh năm lộng gió trên cột cờ Lũng Cú, luôn mang một ý nghĩa đặc biệt - khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
 
Quả thật, sau khi leo 286 bậc đá lên chân cột cờ, nơi định vị ngôi sao vàng cùng dòng chữ “Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam - Cột cờ Lũng Cú” mới thấy hết được cái cảm giác thiêng liêng, xao xuyến trước biểu tượng hồn thiêng sông núi nơi biên cương Tổ quốc.
 
Leo tiếp những bậc thang sắt trong lòng cột cờ lên tận nơi treo cờ, nhìn ngắm thỏa thuê lá cờ đỏ sao vàng tung bay kiêu hãnh giữa gió ngàn quanh năm mây phủ trên bầu trời biên cương, dõi tầm mắt ra 4 phương, 8 hướng mới càng cảm nhận được vẻ đẹp của quê hương đất nước…

Đến với mảnh đất địa đầu Tổ quốc này bạn sẽ được tận hưởng không khí trong lành, lắng nghe tiếng đàn môi tâm tình gọi bạn, tiếng khèn Mông say quyến rũ tình người, tiếng lục lạc của đàn trâu, bò về chuồng mỗi khi chiều buông và chiêm ngưỡng phong cảnh núi rừng trùng điệp ngút tầm mắt, được biết thêm về đời sống sinh hoạt thường ngày của người dân Đồng Văn.
 
Giữa cao nguyên đá mênh mông ấy, thỉnh thoảng xuất hiện một vài người Mông gùi củi, gùi rau cỏ nơi núi cao, vách đá cheo leo, sau khúc ngoặt đường đèo. Họ mải miết đi, những bước chân đi trên đá núi mà như trên đường bằng...
 
Bởi nơi đây cúi xuống thấy đá tai mèo, ngẩng lên trời lại thấy đá - một màu đá xám bao phủ. Nhưng xen lẫn với màu xám ngắt của đá là màu xanh của những ruộng ngô, màu vàng của những nương lúa. Ngô trồng trên đá, len lỏi bám chặt vào đá mà ra bắp.
 
Trâu cày trên đá để tra hạt trồng lúa… đời sống của đồng bào nơi đây ngày một khấm khá hơn, nhiều nhà đã sắm được xe máy, tivi, có nhiều trâu, bò, thóc, ngô đầy gác. Chúng tôi chợt giật mình khi trên cung đường Đồng Văn hôm nay hiện có rất nhiều công trường đang phá núi khai thác đá.
 
E rằng, không biết mai sau “cao nguyên đá Đồng Văn” có còn là cao nguyên đá nữa không? Sẽ quá muộn nếu chúng ta không kịp thời lên tiếng, sẽ quá muộn nếu chúng ta không biết giữ gìn vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng./.

(Doanh nhân/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục