Cấp bách triển khai biện pháp khắc phục thiếu nước

Thủ tướng ra Chỉ thị yêu cầu triển khai một số biện pháp cấp bách khắc phục tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt.
Ngày 3/12, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 2197/CT-TTg về việc triển khai một số biện pháp cấp bách khắc phục tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong những tháng cuối năm 2010 đầu năm 2011.

Chỉ thị nêu rõ, biến đổi khí hậu đã và đang tác động đến thời tiết Việt Nam. Năm 2010 các tỉnh miền Trung liên tiếp chịu ảnh hưởng của các đợt mưa lũ lịch sử, trong khi đó các sông thuộc khu vực Bắc bộ và Đồng bằng sông Cửu Long đã qua mùa mưa mà không có lũ. Mực nước trong các hồ chứa lớn thuộc hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình thấp hơn hàng chục mét so với cùng thời kỳ của các năm bình thường.

Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương dự báo, những tháng cuối năm 2010, đầu năm 2011, lượng mưa ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm. Tình hình khô hạn trên diện rộng, thiếu điện, thiếu nước phục vụ canh tác nông nghiệp và sinh hoạt rất nghiêm trọng.

Để chủ động phòng, chống và khắc phục tình trạng khô hạn, đảm bảo sản xuất phục vụ Đông-Xuân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống hạn, đảm bảo sản xuất; bố trí chi tiết lịch lấy nước phục vụ đổ ải làm đất canh tác vụ Đông-Xuân theo kế hoạch xả nước tăng cường từ các nhà máy thủy điện, điều hành việc lấy nước luân phiên để các địa phương đều được cấp nước, dùng nước tiết kiệm.

Bộ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam căn cứ vào thời gian triều cường, lên kế hoạch xả nước từ các hồ thủy điện, kết hợp với đỉnh triều, nâng cao mực nước trong các sông để các địa phương có thể lấy nước canh tác vụ Đông-Xuân, tính toán chi tiết lưu lượng xả, tiết kiệm nguồn nước trong các hồ chứa, tận dụng tối đa nguồn nước xả tăng cường từ các hồ chứa thủy điện, đảm bảo đủ nguồn nước cho canh tác nông nghiệp.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thủy văn, dòng chảy để có dự báo, cảnh báo sớm về tình hình khô hạn, thiếu nước; thông báo kịp thời cho các nhà máy thủy điện, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các bộ, ngành địa phương liên quan và nhân dân được biết để có giải pháp chủ động phòng, chống hạn, bảo đảm sản xuất có hiệu quả.

Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cấp, các ngành kiểm tra, quản lý chặt chẽ nguồn nước hiện có trên địa bàn, chống rò rỉ, thất thoát nước từ các hồ chứa, các công trình thủy lợi, có biện pháp quản lý phân phối nước hợp lý, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả, ưu tiên cho sản xuất vụ Đông- Xuân, cấp nước cho sinh hoạt và chăn nuôi. Có các biện pháp ngăn ngừa, xử lý ô nhiễm nguồn nước và phòng, chống dịch bệnh phát sinh do tình trạng khô hạn kéo dài.

Tăng cường các biện pháp trữ nước, khi có nguồn nước, lấy nước dự trữ vào các ao, đầm và kênh trục lớn, thực hiện sử dụng nước hợp lý; chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, kịp thời lấy nước theo lịch xả tăng cường của ngành điện, tận dụng tối đa nguồn nước điều tiết từ các nhà máy thủy điện để phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Rà soát lại kế hoạch sản xuất vụ Đông- Xuân, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn loại cây trồng phù hợp với khả năng cung cấp nước, bảo đảm canh tác hết diện tích; chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết về giống, phân bón, vật tư... để canh tác thắng lợi vụ Đông- Xuân.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các bộ, ngành, cơ quan liên quan thực hiện nghiêm túc nội dung Chỉ thị này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục