Cấp học bổng 4 năm liền cho 3.500 học sinh nghèo

Khoảng 3.500 học sinh trung học cơ sở thuộc 17 huyện khó khăn nhất của cả nước sẽ được cấp học bổng suốt bốn năm, từ nay đến 2015.
Khoảng 3.500 học sinh trung học cơ sở thuộc 17 huyện khó khăn nhất của cả nước sẽ được cấp học bổng suốt bốn năm học nhằm giúp học sinh có điều kiện hoàn thành chương trình học cấp hai và học lên cấp ba.

Khoản tiền này sẽ được chuyển trực tiếp đến phụ huynh học sinh hoặc người đỡ đầu hợp pháp của các em.

Mức học bổng mỗi năm dự kiến là 150 USD một học sinh. Đối tượng là những em chưa được hưởng chế độ chính sách khác liên quan đến cấp học bổng từ ngân sách Nhà nước hoặc chương trình 135 giai đoạn 2 (chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi).

Quảng Ngãi và Thanh Hóa là hai tỉnh có số trường được nhận học bổng nhiều nhất, mỗi tỉnh 12 trường thuộc các huyện Quan Hóa, Bá Thước, Thường Xuân, Trà Bồng, Tây Trà và Sơn Tây.

Chương trình học bổng trên nằm trong khuôn khổ Chương trình Phát triển chất lượng Giáo dục Trung học do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á thực hiện từ nay đến năm 2015 với số vốn lên đến 71 triệu USD.

Ngoài học bổng trên, theo Giám đốc quản lý Chương trình Nguyễn Hải Châu, Chương trình sẽ tập trung cải thiện việc học công nghệ thông tin, ngoại ngữ cho học sinh thông qua việc cung cấp tài liệu, trang bị máy móc, đào tạo giáo viên… Có 73 trường được cung cấp thiết bị tin học và được dạy sâu về công nghệ thông tin, trên 122.000 học sinh được học tăng cường tiếng Anh.

Bên cạnh đó, chương trình cũng hướng tới đối tượng là học sinh giáo dục thường xuyên, học sinh khuyết tật hòa nhập và học sinh trường trung học phổ thông chuyên.

Cụ thể, 17 trung tâm giáo dục thường xuyên huyện khó khăn thuộc 10 tỉnh, 63 trường trung học cơ sở có học sinh khuyết tật và 63 trường trung học phổ thông chuyên của các tỉnh trên cả nước sẽ được hỗ trợ kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất như phòng học, phòng chức năng… Chương trình cũng sẽ mở các đợt tập huấn, đào tạo cho hàng nghìn giáo viên thuộc các trường trên để nâng cao chất lượng đào tạo.

“Mục đích của chúng tôi là hướng tới phát triển bền vững giáo dục trung học Việt Nam và tiệm cận được với các nền giáo dục trong khu vực và quốc tế, đáp ứng nhu cầu phát triển, hội nhập của đất nước trong thời kỳ mới,” ông Châu nói./.

Phạm Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục