Cập nhật kiến thức phòng nhiễm khuẩn ở trẻ sơ sinh

Hiện nay, có rất nhiều phụ nữ mang thai bị nhiễm khuẩn âm thầm mà không biết, gây nguy hiểm cho trẻ và cả người mẹ.
Cập nhật kiến thức phòng nhiễm khuẩn ở trẻ sơ sinh ảnh 1Nhân viên y tế chăm sóc cho trẻ sơ sinh. (Nguồn: TTXVN)

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết hiện nay, có rất nhiều phụ nữ mang thai bị nhiễm khuẩn âm thầm mà không biết, khá nguy hiểm.

Tại hội thảo khoa học cập nhật lâm sàng về nhiễm khuẩn sản phụ khoa và trẻ sơ sinh, tổ chức chiều 1/3, tại Hà Nội, ông Tiến dẫn chứng, có trường hợp vi khuẩn từ âm đạo của người mẹ vào thai, dẫn đến tình trạng trẻ sơ sinh vừa ra đời đã bị nhiễm khuẩn nặng.

Vị Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, trước đây công tác chống nhiễm khuẩn chưa được chú trọng nhiều, nhiễm khuẩn bệnh viện trở thành nỗi sợ hãi với bác sỹ. Bởi nhiễm khuẩn tại bệnh viện thường rất nặng nề, khi các vi khuẩn kháng nhiều thuốc kháng sinh. Vì vậy, trong những năm gần đây ngành y tế rất quan tâm chống nhiễm khuẩn, đặc biệt tại các bệnh viện đã ra đời trung tâm chống nhiễm khuẩn.

Phân tích về tác động của nhiễm khuẩn đối với trẻ sơ sinh, ông Tiến cho hay, ngay cả nhiễm khuẩn ngoài da, việc chuyển bệnh nhân từ giường này sang giường bệnh khác, hay vô tình trong khâu chăm sóc của y tá điều dưỡng, vi khuẩn từ da và bàn tay của nhân viên y tế đã chuyển sang người bệnh đều có thể gây nhiễm khuẩn.

Số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, nhiễm khuẩn là nguyên nhân thường gặp nhất gây tử vong giai đoạn trẻ sơ sinh chiếm tỷ lệ cao nhất (32%), ngạt và các sang chấn sản khoa đứng hàng thứ 2 (29%), tử vong do non tháng là 24%.

Theo tiến sỹ Vũ Bá Quyết, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, độ ẩm không khí rất cao kết hợp với điều kiện sống và làm việc chưa tốt. Đặc biệt nhiều phụ nữ nông thôn phải làm việc dưới thời tiết khắc nghiệt với phòng hộ lao động kém nên tỷ lệ viêm đường sinh dục khá cao.

Những thủ thuật như nạo hút thai, khám bệnh ở các phòng mạch, trung tâm vô khuẩn chưa tốt. Các kiến thức vệ sinh dục của phụ nữ thiếu khoa học, sự kém hiểu biết cũng dễ dẫn đến viêm nhiễm bộ phận sinh dục.

Vì vậy, theo ông Quyết, việc chăm sóc phụ nữ khi mang thai, sản phụ khi sinh, càng vệ sinh sạch sẽ bao nhiêu thì tử vong tai biến sản khoa càng giảm đi đáng kể./.

Theo các chuyên gia, nhiễm khuẩn ở sản phụ xảy ra trong thời kỳ hậu sản, 42 ngày sau sinh, sau nạo hút thai.

Sốt sau đẻ là những trường hợp sản phụ sau đẻ 24 giờ có thân nhiệt trên 38 độ C.

Các nguyên nhân gây sốt sau sinh như: bệnh nội-ngoại khoa, nhiễm khuẩn hậu sản...

Các yếu tố thuận lợi khi nhiễm khuẩn đường sinh dục như chuyển dạ kéo dài, ối vỡ sớm, non; không vô khuẩn trong thăm khám và đỡ đẻ; thủ thuật, phẫu thuật; sót rau; chảy máu sau đẻ: băng huyết...
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục